Nhập khẩu phế liệu sắt thép tháng 8 giảm 45%
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phế liệu sắt thép các loại trong tháng 8 đạt 388 nghìn tấn, giá trị 185 triệu USD, giảm gần 45% cả về lượng và giá trị so với tháng 7.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhập khẩu phế liệu sắt thép đạt 4,5 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD tăng 19% về lượng, kim ngạch tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhập khẩu phế liệu sắt thép trong tháng 8 đạt 477 USD/tấn, không biến động nhiều so với tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá phế liệu thép nhập khẩu đạt 427 USD/tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đầu tháng 9, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép có xu hướng ổn định theo đà chững lại của giá nguyên liệu thị trường khu vực và thế giới đến cuối tháng có tăng nhẹ.
Cụ thể, giá thép phế liệu loại HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 483 USD/tấn CFR Đông Á ngày 8/9. Mức giá này giảm 12 USD/tấn so với hồi đầu tháng 8. Giá thép phế liệu chào bán tại các thị trường Mỹ, Châu Âu ổn định, trong khi Đông Á có xu hướng giảm.
Tương tự, giá quặng sắt ngày 8/9 giao dịch ở mức 132,8-133,2 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm mạnh khoảng 33 USD/tấn so với thời điểm 11/8. Mức giá này giảm khoảng 80 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5.
Ở chiều ngược lại, giá than mỡ luyện cốc, giá điện cực graphite (GE) có xu hướng tăng. Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/9 giao dịch ở mức khoảng 300 USD/tấn FOB, tăng mạnh 78,5 USD/tấn so với đầu tháng 8.
Giá GE của Trung Quốc giao dịch ở mức 26.000 - 27.000 nhân dân tệ/tấn, tương đương 4.025 - 4.180 USD/tấn trong khi loại HP 450 mm ở mức 21.000 - 22.000 nhân dân tệ/tấn, tương đương 3.200 - 3.400 USD/tấn. Mức giá này tăng khoảng 34% kể từ đầu năm 2021.
Ngoài yếu tố giá nguyên liệu, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp góp phần giúp giá thép xây dựng ổn định ở mức 16.200 - 16.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.