|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam nhập 1 triệu tấn phế liệu sắt thép từ Mỹ trong 7 tháng đầu năm, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ

11:22 | 25/08/2021
Chia sẻ
Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Mỹ đạt 460 triệu USD, tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phế liệu sắt thép các loại trong tháng 7 đạt hơn 704 nghìn tấn, giá trị hơn 332,5 triệu USD, không biến động nhiều về lượng và giá trị so với tháng 6.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhập khẩu phế liệu sắt thép đạt hơn 4,1 triệu tấn, trị giá gần 1,8 tỷ USD tăng 32,5% về lượng, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Mỹ tăng 4 lần - Ảnh 1.

Lượng, giá trị nhập khẩu phế liệu sắt thép trong vòng 1 năm qua (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Đồ họa: Hoàng Anh)

Trong 7 tháng đầu năm, Nhật Bản, Mỹ, Australia và Hong Kong là 4 thị trường xuất khẩu phế liệu sắt thép chính cho Việt Nam.

Đáng chú ý, nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Mỹ đạt 1 triệu tấn, tương đương 460 triệu USD, tăng 2,5 lần về lượng, tăng 4,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Australia đạt gần 350 nghìn tấn, tương đương gần 161 triệu USD, tăng gấp đôi về lượng, tăng gần 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Hong Kong đạt 293 nghìn tấn, tương đương gần 130 triệu USD, tăng mạnh 18% về lượng, tăng gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Mỹ tăng 4 lần - Ảnh 2.

Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép từ các thị trường trong 7 tháng đầu năm (Số liệu: Tổng Cục Hải quan, Đồ họa: Hoàng Anh)

Nhìn chung, nhập khẩu phế liệu sắt thép từ đa số các thị trường trong 7 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ riêng nhập khẩu từ Nhật Bản, thị trường lớn nhất trong 7 tháng đầu năm đạt 1,6 triệu tấn, tương đương 736 triệu USD, giảm 9% về lượng, tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Theo Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu phế liệu thép trong tháng 7 đạt 472 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, giá nhập khẩu phế liệu thép đạt 420 USD/tấn, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Mỹ tăng 4 lần - Ảnh 3.

Giá nhập khẩu trung bình phế liệu sắt thép qua các tháng (Đơn vị: USD/tấn) (Số liệu: Tổng Cục Hải quan, Đồ họa: Hoàng Anh)

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết giá thép phế HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 495 USD/tấn CFR Đông Á ngày 11/8. Mức giá này giảm 23 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á có xu hướng tăng nhẹ.

Cũng trong tháng 7, giá phế nội địa tăng từ 300 – 400 đồng/kg giữ mức 10.400 - 11.000 đồng/kg. Giá phế liệu sắt thép nhập khẩu giảm 5 USD/tấn giữ mức 503 USD/tấn cuối tháng 6.

VSA nhận định giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép trong tháng 7 có xu hướng ổn định theo đà chững lại của giá nguyên liệu thị trường khu vực và thế giới.


Hoàng Anh

[Infographic] Toàn cảnh bức tranh kinh tế 2024: GDP tăng 7,09%, thu ngân sách hơn 2 triệu tỷ đồng
Năm 2024 đã cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế với nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách Nhà nước lập kỷ lục, IIP tăng cao nhất trong 5 năm, khách du lịch quốc tế gần bằng thời điểm trước đại dịch COVID-19,...