|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện một phim tài liệu hạ gục ngành tái chế rác siêu lợi nhuận toàn thế giới (Phần 1)

11:50 | 23/05/2020
Chia sẻ
Một bộ phim tài liệu về một nhà máy tái chế nhựa ở Trung Quốc đã gây tiếng vang với công chúng, thôi thúc chính phủ ra quyết định cấm nhập khẩu rác tái chế chất lượng thấp, khiến giá rác tái chế giảm theo cấp số nhân.

Việc gì xảy ra với tất cả tờ báo, lon và hộp các tông mà bạn siêng năng tái chế? Trong nhiều trường hợp, nó chỉ có thể bị ném vào thùng rác cùng với mọi thứ khác.

Bạn có biết sự khác biệt giữa những thứ chúng ta tái chế và những gì chúng ta vứt? Sự khác biệt không phải là vật liệu hoặc thành phần của sản phẩm, mà là tiền. Nếu một sản phẩm có thể được làm sạch, phân loại và bán, thì nó được coi là có thể tái chế. Nhưng điều gì xảy ra với các vật liệu có thể tái chế khi không ai mua nó? Đây là một câu hỏi mà các nước trên thế giới đang đặt ra.

Để hiểu tình hình hiện tại, trước tiên chúng ta phải xem thế giới tái chế từng thế nào cách đây 15 năm. Trong những năm đầu thế kỉ 21, thế giới phương Tây bắt đầu hoạt động tái chế rác, với việc người dân cần mẫn phân loại rác thành nhiều phần. Sau khi xem nhiều quảng cáo trên tivi, người dân cảm thấy họ giống như tội phạm nếu chỉ ném tờ giấy vào thùng rác.

Chuyện một phim tài liệu hạ gục ngành tái chế rác siêu lợi nhuận toàn thế giới (Phần 1) - Ảnh 1.

Giới nghiên cứu nhận định tái ngành chế rác thải toàn cầu có qui mô tới 100 tỉ USD mỗi năm. Ảnh: scarce.org

Giờ đây rác được thu thập vào các cơ sở tái chế vật liệu (MRF), nơi chúng được phân loại, xử lí và nén thành kiện, khối để bán cho người mua khắp thế giới. Có lẽ bạn có thể đoán người mua lớn nhất. Đó là Trung Quốc.

Trung Quốc mua vật liệu tái chế cho nền sản xuất đang phát triển, yếu tố đang nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ trở thành nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới.

Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, khối lượng hàng hóa khổng lồ mà họ chứng kiến đã tạo ra một động cơ thú vị. Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa, và các container chứa hàng Trung Quốc chất đống ở nhiều cảng trên thế giới.

Thay vì đưa container về Trung Quốc trong tình trạng rỗng, đưa rác tái chế vào trong chúng rồi đưa về là việc hợp lí hơn. Nguồn cung container lớn đến nỗi vận chuyển vật liệu tái chế từ Los Angeles tới Trung Quốc rẻ hơn so với chuyển từ Los Angeles sang bang Arizona gần đó.

Bản chất của nền kinh tế Trung Quốc khiến việc nhập rác tái chế tạo ra lợi nhuận cực lớn. Chẳng hạn, Trung Quốc thiếu ngành sản xuất gỗ mềm, nên họ phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu giấy tái chế để đáp ứng nhu cầu về giấy của họ. Một tờ báo ở Mỹ có thể được bán sang Trung Quốc, in ấn và đọc bởi một người Trung Quốc sau 6 tuần.

Đương nhiên, cùng với giấy, Trung Quốc còn chấp nhận nhiều loại vật liệu tái chế như nhựa, sắt - những thứ mà họ có thể phân loại với chi phí rẻ hơn do chi phí lao động thấp. Vì thế, do Trung Quốc cung cấp giải pháp nhanh và dễ dàng cho hoạt động tái chế của thế giới, các nước phương Tây chưa bao giờ cảm thấy họ cần phải xây các nhà máy tái chế rác với số lượng lớn.

Một bộ phim tài liệu về ngành tái chế rác điện tử ở Ấn Độ. Video: Scroll

Ví dụ, đối với nhựa, Trung Quốc chấp nhận 70% rác nhựa của thế giới. Trong năm 2016m chỉ riêng nước Mỹ đã vận chuyển hơn 700.000 tấn rác nhựa tới Trung Quốc. Nhưng cũng trong năm đó, một đạo diễn Trung Quốc công bố phim tài liệu mang tên “Plastic China”. 

Bộ phim mô tả cuộc sống của một bé gái sống trong một nhà máy tái chế nhựa, hé lộ thực tế tồi tệ của ngành tái chế Trung Quốc. Người dân nước ngoài tán dương bộ phim và nó nhanh chóng xuất hiện một cách bất hợp pháp trên mạng Internet ở Trung Quốc. 

Bắc Kinh vội cấm bộ phim, song nó đã gây nên tổn thất. Đảng Cộng sản Trung Quốc phải khôi phục hình ảnh của họ trước công chúng, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết chống nhập khẩu rác tái chế. Năm 2017, Trung Quốc thông báo với WTO rằng họ sẽ ngừng nhập khẩu rác và 4 loại vật liệu tái chế - bao gồm cotton, giấy phế liệu, và nhựa.

Nhạc Phong