|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc khủng hoảng của ngành tái chế rác toàn cầu từ một lệnh cấm của Trung Quốc

15:32 | 20/05/2020
Chia sẻ
Lệnh cấm nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc giúp quốc gia đông dân nhất thế giới không trở thành bãi rác của Phương Tây, song nó đẩy ngành tái chế vào một cuộc khủng hoảng.

Khi Robert Reed kiểm tra một núi rác chất đống cao ngang tòa nhà ba tầng, một chiếc túi nhựa trắng mỏng lọt vào tầm mắt. Anh ta câu nó ra và giữ trên tay. 

"Đây là một vấn đề. Những thứ này bị mắc kẹt trong các máy móc, và không có thị trường cho chúng", vẩy nhẹ chiếc túi và để nó bay ngược xuống đống phế liệu.

Đó là câu chuyện bên trong cơ sở tái chế lớn nhất ở thành phố San Francisco, nơi tiếp nhận chất thải gia đình, phân loại và sản xuất, đóng gói thành các kiện vật liệu.

Kính vỡ vụn dưới chân khi Reed, một người có thâm niên 20 năm trong ngành. Anh giải thích với niềm tự hào rằng nhà máy này, thuộc sở hữu của công ty quản lý chất thải địa phương Recology, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất ở khu vực duyên hải miền Tây nước Mỹ, như laser, nam châm và không khí phản lực để xử lý 750 tấn phế liệu mỗi ngày.

"Anh thấy hộp giấy đó không", Reed vừa nói vừa bước tới một đống rác và chỉ vào một hộp giấy có chữ Amazon. "Chúng tôi bắt đầu thấy rất nhiều hộp như thế vì phong trào mua hàng trực tuyến".

Một số phế liệu ở đây vẫn có giá trị, như hộp nhôm, sắt. Song phần lớn phế liệu không còn giá trị, như nắp của cốc cà phê, khay thực phẩm bằng nhựa. Đích đến của chúng là những cơ sở tái chế ở châu Á. Năm ngoái, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.

Why the world’s recycling system stopped working - Ảnh 1.

Tái chế rác đã trở thành một ngành với trị giá 200 tỉ USD mỗi năm trên toàn thế giới. Ảnh: NPR

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các cơ sở tái chế đã xử lí hơn 270 triệu tấn rác mỗi năm trên toàn cầu, tương đương khối lượng của 740 tòa nhà Empire State. 

Từ thập niên 80 của thế kỉ trước, nhiều chính phủ đã coi tái chế rác là giải pháp thân thiện môi trường đối với lượng rác tăng dần của loài người. Cục Tái chế Quốc tế của Mỹ khẳng định tái chế rác đã trở thành một ngành với trị giá 200 tỉ USD mỗi năm trên toàn thế giới.

Giới doanh nghiệp và môi giới mua rác và biến nó thành một sản phẩm mới với biên lợi nhuận kếch sù. "Trái tim" của ngành là hoạt động vận chuyển phế liệu khắp hành tinh. 

Song từ năm 2018, tình hình thay đổi. Đúng vào ngày 31/12/2017, Trung Quốc - vốn là trung tâm trong hoạt động giao dịch phế liệu - bất ngờ cấm nhập khẩu nguyên liệu tái chế, với lí do chúng đe dọa môi trường. 

Ngay sau lệnh cấm của Bắc Kinh, giá phế liệu nhựa giảm, và giá của phế liệu giấy cũng giảm. Đột nhiên ngành tái chế hấp dẫn trên toàn thế giới lâm vào khủng hoảng.

Chính sách mới của Trung Quốc bất ngờ và triệt để đến mức khi Bắc Kinh thông báo, nhiều người trong ngành tái chế rác không tin Trung Quốc sẽ thực thi nó. Từ chỗ nhập 60% phế liệu nhựa từ các nước G7 trong nửa đầu năm 2017, Trung Quốc và Hong Kong chỉ nhập dưới 10% trong cùng kì năm 2018.

Reed nhận định chính sách của Trung Quốc đã thay đổi cả thế giới, vì trước đó họ là quốc gia nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy lớn nhất.

Sử dụng dữ liệu thương mại mà các chính phủ công bố, tạp chí Financial Time đã tìm hiểu hoạt động xuất khẩu phế liệu nhựa và giấy từ nhóm nước G7. Kết quả cho thấy sự tăng vọt về số lượng phế liệu vào Đông Nam Á sau lệnh cấm của Trung Quốc.

Hơn 30 chủ doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, thương nhân buôn phế liệu và nhà hoạt động môi trường ở Mỹ, châu Âu và châu Á đã trả lời phỏng vấn của Financial Time. Cuộc điều tra cho thấy lệnh cấm đã gây nên xáo trộn sâu sắc trong ngành tái chế rác.

Mặc dù đang tăng trưởng nhanh và có lợi nhuận lớn trong bối cảnh người dân ngày càng hiểu tổn thất về môi trường do các bãi rác gây ra, ngành tái chế cũng có nhiều vấn đề. Những vấn đề ấy lộ rõ sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác - chẳng hạn như buôn lậu phế liệu, tham nhũng, ô nhiễm.

Lệnh cấm của Trung Quốc cũng phơi bày thực tế đáng buồn trong hoạt động tái chế rác của hộ gia đình, và thúc đẩy nhiều nước xem xét lại hoạt động này.

Nhạc Phong