|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau 4 tháng nghẽn lệnh, HOSE lần đầu công bố bảng hỏi đáp trả lời thắc mắc của NĐT

11:46 | 30/03/2021
Chia sẻ
Tình trạng quá tải tại HOSE diễn ra từ tháng 12/2020 đến nay đã được 4 tháng. Sáng 30/3, HOSE đã công bố bộ câu hỏi thường gặp (FAQ) và phản hồi của cơ quan này để nhà đầu tư nắm bắt đúng tình hình.
Sau 4 tháng nghẽn lệnh, HOSE lần đầu công bố bảng hỏi đáp trả lời thắc mắc của NĐT - Ảnh 1.

Ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE (trái) và ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - VSD. (Ảnh: nhandan.com.vn).

Năng lực của HOSE và nguyên nhân nghẽn lệnh

Từ tháng 12/2020 đến nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thường xuyên ghi nhận tình trạng một số công ty chứng khoán (CTCK), đặc biệt là các công ty có nhiều khách hàng, không gửi lệnh được vào hệ thống của HOSE trong những phiên giao dịch có thanh khoản lớn. 

Theo thống kê của HOSE, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch có sự gia tăng đột biến. Cụ thể, trong top 20 CTCK hàng đầu, lượng lệnh gửi tới sàn tăng ít nhất là trên ba lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần.

Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của hệ thống, gây hiện tượng quá tải cho HOSE. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong khoảng ba tháng đầu năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam ước đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm 2020. Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.

Hệ thống giao dịch của HOSE có công suất thiết kế là 900.000 lệnh mỗi phiên. Trong đó: hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng, 80% còn lại phân bổ cho CTCK theo hai vòng. 

Vòng 1, phân bổ đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động).

Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được phân bổ dựa theo số lệnh trong quá khứ của từng công ty và toàn thị trường. Cách phân bổ này nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành. 

Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một công ty chứng khoán nào đó, có thể gây sập hệ thống của Sở. Các nguyên tắc phân bổ lệnh giao dịch là thiết kế và tính năng sẵn có của hệ thống. HOSE hiện tại không can thiệp để thay đổi được.

Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho biết các CTCK lớn có nhiều khách hàng hơn, dùng hết lượng lệnh được phân bổ nhanh hơn nên cũng hay bị đơ, nghẽn hơn. Ngược lại, các CTCK nhỏ không dùng hết số lệnh được phân bổ nên nhà đầu tư mở tài khoản ở những công ty này vẫn mua bán bình thường.

Phương án khắc phục của HOSE

Từ ngày 4/1/2021, HOSE đã nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán nhằm giảm bớt số lượng lệnh nhỏ vào hệ thống. Thực tế, số lượng lệnh đã giảm 15 - 18% so với trước.

Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa được xử lý dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản lớn đến 15.000 -16.000 tỷ đồng.

Ngày 3/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có văn bản hướng dẫn HOSE, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch một số cổ phiếu niêm yết ra HNX để giảm tải cho HOSE. 

Theo chỉ đạo của UBCK, các doanh nghiệp niêm yết có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX đều được các đơn vị liên quan hỗ trợ tối đa.

Đến nay đã có một số doanh nghiệp tự nguyện "chuyển nhà" cho cổ phiếu của mình.

Cụ thể, từ ngày 29/3 vừa qua, cổ phiếu Công ty cổ phần Bibica (Mã: BBC) và CTCP Giống cây trồng Miền Nam (Mã: SSC) bắt đầu giao dịch ở HNX.

Từ ngày 1/4, cổ phiếu CTCP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT), CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã: VFG) cũng sẽ ra sàn Hà Nội.

Thời gian phải tạm ngừng giao dịch để chuyển cổ phiếu từ HOSE sang HNX là ba ngày làm việc, tức là T+4.

Tuy nhiên, các cổ phiếu trên có khối lượng niêm yết cũng như thanh khoản rất thấp, chỉ khoảng vài trăm đến vài nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên nên tác dụng giảm tải với hệ thống HOSE là không đáng kể.

HOSE phối hợp với FPT

HOSE cho biết đang phối hợp với Công ty cổ phần FPT theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK để tạo ra một giải pháp giảm tình trạng quá tải hiện nay của HOSE. Các bên sẽ sử dụng phần mềm hệ thống giao dịch của HNX để triển khai trên nền tảng hạ tầng tại HOSE nhằm thay thế hệ thống khớp lệnh của HOSE hiện nay. 

Giải pháp này giảm thiểu tác động đối với hệ thống của các CTCK. Mục tiêu đặt ra là hệ thống sẽ xử lý được khoảng từ 3 đến 5 triệu lệnh một ngày. HOSE đánh giá đây là giải pháp tối ưu khi xét trên điều kiện về thời gian triển khai cũng như các rủi ro về hệ thống. Theo đánh giá của FPT, thời gian dự kiến để triển khai hệ thống mới là khoảng 3 - 4 tháng.

Click vào link dưới đây để tải về toàn văn công bố thông tin của HOSE:

Song Ngọc