|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Trương Gia Bình: FPT sẽ làm cho hệ thống HOSE hoạt động trơn tru lâu dài

23:20 | 11/03/2021
Chia sẻ
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cam kết doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể làm cho hệ thống giao dịch chứng khoán tại HOSE hoạt động thông suốt, ổn định trong dài hạn, không còn bị tắc nghẽn như hiện nay.
Ông Trương Gia Bình: FPT sẽ làm cho hệ thống HOSE hoạt động trơn tru lâu dài - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình - Đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. (Ảnh: smartcitysummit.org.vn)

FPT cam kết khắc phục triệt để lỗi ở HOSE

Sàn Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) liên tục nghẽn lệnh trong mấy tháng qua là chủ đề mà các nhà đầu tư đang quan tâm và cũng rất bức xúc. Các bên liên quan đã đưa ra một số đề xuất để giải quyết tình trạng tắc nghẽn này.

Một trong các giải pháp đó là để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như Tập đoàn FPT sửa chữa hệ thống giao dịch cho HOSE, không cần đến các nhà cung cấp hay chuyên gia của Thái Lan, Hàn Quốc.

Chính ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để cho doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý lỗi kỹ thuật ở HOSE. Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là liệu FPT có đủ năng lực và chuyên môn kinh nghiệm để xử lý vấn đề nan giải này hay không?

Trao đổi với phóng viên VTV1 ngày 10/3, ông Trương Gia Bình nói: "Chúng tôi rất tin tưởng có thể giải quyết triệt để vấn đề này bởi lẽ trong suốt mấy chục năm qua, FPT đã làm rất nhiều chương trình cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tất cả các ứng dụng công nghệ thông tin, trừ phần lõi của Thái Lan, đều do FPT xây". 

"Chúng tôi đã có kinh nghiệm xây hệ thống cho Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), và sàn này vẫn hoạt động trơn tru, không có vấn đề gì cả", ông Bình nói thêm. "Trong ngắn hạn, mọi biện pháp để giải tỏa cho thị trường đều tốt. Về dài hạn, trong vòng 3-4 tháng nữa, chúng ta sẽ thay một hệ thống chạy trơn tru".

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI từng bày tỏ nghi ngờ về khả năng sửa lỗi hệ thống HOSE trong 3-4 tháng như lãnh đạo FPT từng tuyên bố. "Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Uỷ ban Chứng khoán chịu trách nhiệm?", ông Hưng đặt câu hỏi tối 9/3.

Hôm 10/3, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cam kết chắc chắn: "Khi các công ty công nghệ Việt Nam làm chủ, hệ thống sẽ hoạt động trơn tru lâu dài".

Hệ thống HOSE: 900.000 lệnh/phiên; Hệ thống HNX do FPT xây: 20-30 triệu lệnh/phiên

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hệ thống của HNX sử dụng cơ chế khớp lệnh trên bộ nhớ đệm, tách biệt các module tính toán thông tin giao dịch ra khỏi module xử lý giao dịch nên đã gia tăng tốc độ và năng lực xử lý của hệ thống. 

Mỗi phiên giao dịch, HNX có thể xử lý tối đa 20 - 30 triệu lệnh, đảm bảo khả năng xử lý trong cùng một thời điểm đạt khoảng 15.000 - 20.000 lệnh/giây. 

Trong khi đó, HOSE là sàn có số lượng cổ phiếu niêm yết lớn hơn, thanh khoản sôi động hơn rất nhiều so với HNX nhưng khả năng xử lý mỗi phiên chỉ là 900.000 lệnh. Hệ thống mà HOSE đang sử dụng là do Thái Lan cung cấp từ khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (tiền thân của HOSE ngày nay) bắt đầu vận hành vào tháng 7/2000. 

Mỗi khi cần nâng cấp, sửa chữa hệ thống, HOSE không thể tự làm mà phải mời chuyên gia Thái Lan sang. Trong thời COVID-19, việc đi lại gặp nhiều khó khăn và bất tiện do các chuyên gia cũng phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.

Một trong những giải pháp tình thế được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra nhằm giảm tắc nghẽn cho HOSE trong lúc chờ sửa lỗi hệ thống là chuyển bớt một số cổ phiếu sang giao dịch ở HNX.

Từ tháng 12/2020 đến nay, thanh khoản của HOSE thường xuyên duy trì ở khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng, đến khoảng 14h chiều là hệ thống quá tải, không nhận lệnh. Trong khi đó, thanh khoản của HNX chỉ khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, năng lực xử lý lệnh còn dư thừa rất nhiều. 

Vì vậy, việc chuyển giao dịch một số mã cổ phiếu sang HNX sẽ giúp giảm tải hệ thống cho HOSE. 

Trao đổi với VTV1, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định các doanh nghiệp chỉ tạm thời chuyển giao dịch, không phải chuyển niêm yết và: "Ngay sau khi sự cố được khắc phục, doanh nghiệp lại có thể quay về HOSE như bình thường".

Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc doanh nghiệp chuyển giao dịch. Và thực tế mới chỉ có 10 công ty bày tỏ ý định sẵn sàng sang HNX "ở nhờ", bao gồm hai công ty chứng khoán VNDirect và BSC; Tập đoàn PAN và 7 công ty thành viên của PAN.

Việc chuyển cổ phiếu từ sàn này sang sàn khác sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tới hoạt động giao dịch và lợi ích của cổ đông, vậy nên việc các doanh nghiệp e ngại cũng là điều dễ hiểu.

Ông Trương Gia Bình: FPT sẽ làm cho hệ thống HOSE hoạt động trơn tru lâu dài - Ảnh 2.

VNDirect đồng ý chuyển hơn 220 triệu cổ phiếu VND từ HOSE sang HNX giao dịch. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN tỏ ý sẵn sàng sang HNX để “chống đột quỵ” cho hệ thống đang quá tải của HOSE, nhưng đồng thời cũng muốn sớm quay lại nhà cũ:

"Hy vọng anh Bình FPT [Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - PV] nói và sẽ quyết tâm làm được để ít tháng nữa PAN, FMC, NSC, SSC, ABT, BBC, LAF và VFG của chúng tôi sớm được trở về nhà HOSE ở trạng thái 'bình thường mới' trong năm 2021!"

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - quyền Tổng Giám đốc VNDirect thì mong muốn cổ phiếu VND sau khi sang giao dịch ở HNX vẫn sẽ được nằm trong các chỉ số thị trường cũ như VN-Index, VN100, VNFin Lead.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết đề xuất hạ phí giao dịch đối với các cổ phiếu chuyển từ HOSE sang HNX để khuyến khích nhà đầu tư mua bán, thanh khoản cổ phiếu không bị giảm sút.

Song Ngọc