|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX: Cần cơ chế đặc biệt

04:18 | 10/03/2021
Chia sẻ
Trước thực trạng nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và lợi ích của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã nêu ra nhiều giải pháp để khắc phục hiện tượng này.
Chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX: Cần cơ chế đặc biệt - Ảnh 1.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong một ngày nắng đẹp. (Ảnh: Song Ngọc).

Một trong những giải pháp đáng chú ý đó là chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Dù vậy, theo các chuyên gia, để làm được điều này cần có cơ chế đặc biệt và sự chung tay từ cơ quan quản lý tới các thành viên tham gia thị trường.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển vượt bậc về quy mô thanh khoản hàng ngày, tuy nhiên với thực tế là hệ thống phần mềm đang gặp vấn đề tắc nghẽn lệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và lợi ích của các nhà đầu tư khi tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. 

Khi “tắc đường” thì nhà đầu tư muốn mua cũng khó và muốn bán cũng không được, về cơ bản chức năng thanh khoản của thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng rất lớn.

Vì vậy, ông Ngọc rất ủng hộ giải pháp tạm thời chuyển một số cổ phiếu đang giao dịch tại HOSE sang giao dịch tạm thời tại HNX trong khoảng thời gian chờ hệ thống mới vận hành. Việc này sẽ trực tiếp giảm tải cho hệ thống của HOSE.

Vị chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta đồng lòng thì về mặt kỹ thuật xử lý công nghệ thông tin tại HNX và tại các công ty chứng khoán là không quá phức tạp khi doanh nghiệp niêm yết HOSE chấp thuận giao dịch theo cơ chế của HNX tạm thời.

Dù vậy, ông Ngọc cho hay, cái khó của biện pháp này là sự tự nguyện của các doanh nghiệp niêm yết trong việc xung phong chuyển sàn tạm thời vì nhược điểm của nó là sẽ ảnh hưởng phần nào tới doanh nghiệp niêm yết tại HOSE, lại phải làm các thủ tục để chuyển tạm thời sang HNX. 

Dù vậy thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành hướng dẫn để tạo thuận lợi cho việc chuyển tạm thời này.

Chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX: Cần cơ chế đặc biệt - Ảnh 2.

Tình trạng đơ, nghẽn lệnh thường xuyên xảy ra tại HOSE, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang giao dịch ở HNX. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Chia sẻ về vấn đề chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX, lãnh đạo một doanh nghiệp chứng khoán cho biết, để thực hiện việc này thì doanh nghiệp phải xin ý kiến của cổ đông. Hội đồng quản trị doanh nghiệp phải phân tích những rủi ro của việc chuyển giao dịch sang HOSE sang HNX và những cơ chế chính sách phù hợp để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp chứng khoán này chia sẻ, thực ra việc chuyển giao dịch sang HNX không xuất phát từ góc độ tự nhiên của doanh nghiệp mà nó xuất phát từ việc muốn cùng tham gia với chính sách giảm tải cho HOSE. 

Chuyển giao dịch sang HNX là thể hiện tinh thần trong việc chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ vướng mắc của thị trường tại thời điểm hiện tại. Nếu chỉ một mình cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thì sẽ không có tác dụng.

Việc chuyển giao dịch của cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX thì xác suất cao là thị trường sẽ giao dịch bình thường, thông suốt. Điều này chắc chắc chắn đảm bảo lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư.

Thế nhưng rõ ràng là ngoài vấn đề này ra thì hiện nay ở sàn HNX và sàn HOSE có những khác biệt cần cân nhắc.

Theo đó, do quy hoạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, các tiêu chuẩn niêm yết đối các doanh nghiệp ở sàn HOSE cao hơn ở sàn HNX. Các cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE nhìn chung là có thanh khoản tốt hơn.

Các tiêu chí và chuẩn mực giao dịch giữa HOSE và HNX cũng khác nhau. Ví dụ như ở HOSE hiện nay có 3 phiên giao dịch là phiên mở cửa, phiên chính và phiên đóng cửa. Trong khi ở HNX chỉ có 2 phiên, không có phiên mở cửa.

Biên độ giao động giá cổ phiếu trên HNX lớn hơn HOSE. Theo đó, biên độ giao động giá bên HOSE chỉ có 7%, trong khi bên HNX là 10%.

Trên HOSE, các cổ phiếu nằm trong chỉ số VN-Index, có những cổ phiếu nằm trong VN100, hay VN50, VN30 hay là có chỉ số nằm trong các bộ chỉ số. Những bộ chỉ số này đáp ứng yêu cầu đầu tư trong danh mục các quỹ đầu tư tổ chức. Nếu doanh nghiệp chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX có thể các mã cổ phiếu trong các bộ chỉ số này sẽ ra khỏi nhóm, điều này đặt ra về mặt quy định đầu tư của quỹ sẽ phải bỏ qua cổ phiếu này.

Giải pháp chuyển bớt giao dịch sang HOSE không tốn tiền mà chỉ cần có cơ chế phù hợp. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước tạo thuận lợi cho việc xử lý việc chuyển theo phương thức chỉ mượn hệ thống giao dịch, còn các chỉ số vẫn tính như cũ sẽ khuyến khích được doanh nghiệp chuyển giao dịch sang HNX.

Ở đây cơ chế không phải là chuyển niêm yết mà chỉ là chuyển giao dịch và việc chuyển này vẫn đảm bảo tính được các bộ chỉ số và cổ phiếu của các doanh nghiệp không bị loại ra khỏi các bộ chỉ số trên HOSE.

Thực tế vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.

Doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE.

Dù vậy, việc chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp được nhận định là sẽ gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải có những băn khoăn và cho rằng, việc chuyển bớt giao dịch từ HOSE sang HNX là một việc khó, mất nhiều thời gian và tính khả thi không cao.

Theo ông, doanh nghiệp muốn chuyển sàn thì phải hỏi ý kiến cổ đông mà có thể cổ đông sẽ không đồng ý vì lo ngại một số rủi ro về giá cổ phiếu và thanh khoản có thể giảm.

Trước đó, Tổng Giám đốc HOSE, ông Lê Hải Trà chia sẻ, đối với thị trường chứng khoán, mọi thay đổi về mặt kỹ thuật đều có tác động quan trọng đối với hệ thống giao dịch của sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán. 

Hệ thống công nghệ thông tin chứng khoán có đặc thù riêng, đòi hỏi tính cẩn trọng và độ tin cậy cao. Vì vậy, quan điểm của cơ quan quản lý cũng như của HOSE là nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng giải pháp ít tác động nhất.

Đây là quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian để tránh những sai sót có thể xảy ra đối với hệ thống. "Trong khi đẩy nhanh việc triển khai đưa hệ thống mới đi vào hoạt động, chúng tôi hy vọng những giải pháp được triển khai trong thời gian tới sẽ có hiệu quả tích cực, giúp giảm tải hệ thống hiện nay trên HOSE" - Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà kỳ vọng.

Chia sẻ về tiến độ triển khai hệ thống mới, ông Lê Hải Trà cho biết, các chuyên gia nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 12/2020 để triển khai công việc theo kế hoạch. Hiện nay, các chuyên gia đang kiểm tra lần cuối năng lực các thiết bị phần cứng, cài đặt các phần mềm và HOSE cũng đã thông báo tới các công ty chứng khoán chuẩn bị kế hoạch kiểm thử.

Tuy nhiên theo ông Trà, tiến độ đó là trong điều kiện thuận lợi, còn việc khai trương hệ thống mới sẽ còn phụ thuộc vào khá nhiều điều kiện khách quan; trong đó, không thể không nhắc tới là rủi ro khó có thể lường trước đến từ đại dịch COVID-19 như đã thấy từ thực tế chậm trễ triển khai trong năm 2020

Các chuyên gia cho rằng, việc xử lý nhanh chóng vấn đề nghẽn lệnh trong bối cảnh hiện tại là khá khó khăn. Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) kiến nghị, để xử lý được vấn đề khó (tắc nghẽn lệnh) của HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, rất cần sự đồng lòng của Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, các công ty chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết. 

Cùng đó là cả sự thông cảm của nhà đầu tư trong điều kiện hiện tại để chúng ta sớm xử lý xong tình trạng tắc nghẽn như hiện nay, giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Văn Giáp

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.