|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo công ty chứng khoán ngán ngẩm vì bị chỉ trích khi HOSE nghẽn lệnh

15:19 | 25/06/2021
Chia sẻ
Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng và lãnh đạo Chứng khoán SHS đều nói về việc bị nhà đầu tư nặng lời chỉ trích liên quan tới tình trạng nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).
Lãnh đạo công ty chứng khoán ngán ngẩm vì bị chửi khi HOSE nghẽn lệnh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI. (Ảnh: SSI).

Hệ thống của HOSE quá tải từ tháng 12/2020 đến nay chưa được giải quyết triệt để, bảng giá hiển thị không đúng, nhiều lệnh mua bán của nhà đầu tư không được chuyển tới sàn, … Trong hoàn cảnh như vậy, tâm lý nhà đầu tư bức xúc cũng là điều dễ hiểu.

Trong lúc chờ giải pháp căn cơ là áp dụng hệ thống mới do FPT xây dựng, HOSE đã thực hiện những biện pháp tình thế như nâng lô giao dịch từ 10 lên 100, hạn chế hủy/sửa lệnh, … Thanh khoản thị trường đã phần nào được cải thiện, từ chỗ 13.000 tỷ/phiên lên thành 16.000 rồi 20.000 hay thậm chí 30.000 tỷ/phiên.

Tuy vậy, bản thân các biện pháp như nâng lô hay không cho hủy/sửa lệnh cũng gây ra nhiều bất tiện, thậm chí là thiệt hại về tiền bạc cho nhà đầu tư.

Chủ tịch SSI hứng chỉ trích khi ủng hộ nâng lô

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cho rằng việc đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch của HOSE là yêu cầu quan trọng nhất. "Bên tôi (SSI) luôn tuân thủ tuyệt đối những gì mà HOSE và Ủy ban Chứng khoán yêu cầu, ủng hộ 100%. Tôi nghĩ chúng ta phải bảo vệ hệ thống giao dịch này thì mới có việc mà làm".

"Tôi đã rất nhiều lần tâm sự với anh Trà (Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà – PV) là 'Bọn mình phải làm việc gì tốt nhất để giữ cho hệ thống còn tồn tại'. Ngay cả như nâng lô, tôi thấy đấy là một ý tưởng hay, nhưng rồi lại bị chửi. Đấy là lựa chọn ít xấu nhất và vẫn đảm bảo tính thị trường. Nếu hệ thống sập thì tất cả hỏng hết", ông Hưng chia sẻ tại một sự kiện do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức sáng 24/6.

Quan điểm "chọn cái ít dở hơn" này đã được ông Hưng nêu lên trang Facebook cá nhân ngày 3/3 năm nay và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người ủng hộ, lại có người cho rằng việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 sẽ khiến cho nhiều khoản đầu tư trở thành lô lẻ và nhà đầu tư phải bán lại các cho công ty chứng khoán (CTCK) với giá sàn.

Chính công ty SSI của ông Hưng trước đây cũng thường mua cổ phiếu lô lẻ với giá sàn. Tuy nhiên hôm 15/3, tức 12 ngày sau khi ông Hưng ủng hộ việc nâng lô lên 100, SSI ra thông báo mua cổ phiếu lô lẻ bằng giá tham chiếu tại ngày thực hiện giao dịch.

Lãnh đạo công ty chứng khoán ngán ngẩm vì bị chửi khi HOSE nghẽn lệnh - Ảnh 1.

SSI là công ty chứng khoán nắm thị phần lớn thứ 2 ở HOSE trong quý đầu năm 2021.

Nói về động lực phát triển thị trường, Chủ tịch SSI cho rằng nhà đầu tư trong nước là lực lượng quan trọng nhất. 

"Phong trào chuyển tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán là cơ hội ngàn năm có một để xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều chúng ta cần quan tâm nhất là làm cho nhà đầu tư trong nước thấy mọi thứ đều minh bạch, công bằng với mọi thành tố tham gia thị trường".

Ông Hưng còn đề xuất cắt bỏ phiên giao dịch ATC trong những ngày thị trường nghẽn lệnh để đảm bảo không làm méo mó mức đóng cửa của chỉ số, đặc biệt là ở những phiên mà các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục.

Quyền Tổng Giám đốc VNDirect: Muốn minh bạch thông tin cho nhà đầu tư

Cũng chia sẻ tại sự kiện sáng 24/6, Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho biết năng lực xử lý tối đa của hệ thống từ trước đến nay là 900.000 lệnh. Sau khi nâng lô từ 10 lên 100, số lệnh giảm đi khoảng 15-18% vì loại bỏ được các lệnh nhỏ lẻ.

Cũng theo ông Trà, hàng ngày có khoảng 1/3 số lệnh gửi tới HOSE chỉ để sửa hoặc hủy bỏ một lệnh đã gửi trước đó, gây lãng phí tài nguyên hệ thống. Nếu không cho hủy, sửa lệnh thì năng lực tiếp nhận của HOSE có thể tăng thêm 300.000 lệnh nữa, ông Trà nhẩm tính.

Thực tế những tuần gần đây, HOSE đã kêu gọi các CTCK thành viên hạn chế hủy, sửa lệnh vào các khung giờ cao điểm như 9h15 - 9h25 và 11h25 - 13h05.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng Giám đốc Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) cho biết ông từng đề nghị Ủy ban Chứng khoán ra một văn bản yêu cầu tất cả CTCK dừng sửa, hủy lệnh để đảm bảo công bằng và thống nhất trong hoạt động thị trường.

"Nếu chỉ 'khuyến khích' không sửa, hủy lệnh thì có tình trạng là mỗi công ty làm một kiểu, tôi cũng không biết giải thích với nhà đầu tư như thế nào", ông Quỳnh nói.

"Lúc đó tôi cũng bức xúc lắm, muốn có sự minh bạch cho nhà đầu tư. Sau này tôi mới biết là hệ thống công nghệ của các công ty rất khác nhau, một số công ty không kiểm soát được việc sửa hủy lệnh, ép thế nào cũng không làm được".

Vì vậy, nếu Ủy ban Chứng khoán ra công văn yêu cầu tất cả công ty cùng làm giống nhau thì sẽ không khả thi, ông Quỳnh cho hay.

Lãnh đạo công ty chứng khoán ngán ngẩm vì bị chửi khi HOSE nghẽn lệnh - Ảnh 4.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng Giám đốc VNDirect. (Ảnh: VBMA).

Lãnh đạo SHS: Chưa bao giờ anh em bị chửi nhiều như hai năm gần đây

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS) có chung quan điểm rằng an toàn của hệ thống phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả người tham gia thị trường:

"Khi hệ thống giao dịch quá tải, tức là rơi vào tình trạng khẩn cấp, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc phải đoàn kết, vì nồi cơm chung của cả thị trường mà gạt đi lợi ích riêng của mỗi CTCK".

Nói về các giải pháp tạm thời mà HOSE đưa ra, ông Thành cho rằng tất cả đều đã được suy xét dựa trên các thống kê và nghiên cứu rất kỹ, thực tế thanh khoản thị trường cũng được cải thiện từ 10.000 tỷ lên 30.000 tỷ/phiên. 

"Nhiều nhà đầu tư chỉ biết phàn nàn, đôi lúc một số thành phần quá khích còn chửi bới thì tôi nghĩ chưa công bằng lắm cho các anh chị ở HOSE cũng như Ủy ban Chứng khoán", Phó Tổng Giám đốc SHS nói.

Trong vai trò là người làm môi giới, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, ông Nguyễn Chí Thành chia sẻ: "Chưa khi nào mà chúng tôi bị chửi nhiều như trong hai năm vừa rồi. Cứ phiên nào thị trường sập hoặc điều chỉnh là chúng tôi bị chửi".

Tuy vậy, những bất tiện và thiệt hại mà nhà đầu tư phải chịu là có thật. Ông Thành lấy ví dụ: Khi nhà đầu tư đặt lệnh bán nhưng giá biến động giảm xuống, lệnh không khớp; nếu không cho sửa/hủy lệnh thì chứng khoán sẽ bị treo cho tới hết phiên. Ngược lại, khi đặt lệnh mua nhưng giá tăng lên, nếu không cho sửa/hủy lệnh thì tiền của nhà đầu tư cũng bị mắc kẹt.

Song Ngọc