Hà Nội 19 °C | 04:14PM, 07/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ sự cố nghẽn lệnh trên HOSE chiều 10/1

20:24 | 10/01/2022
Chia sẻ
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các cơ quan quản lý có giải pháp để tránh lặp lại hiện tượng này.
Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ sự cố nghẽn lệnh trên HOSE chiều 10/1 - Ảnh 1.

Sàn HOSE nghẽn lệnh, VN-Index giảm gần 25 điểm sau pha bán tháo của nhóm midcap, penny. (Ảnh: TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 10/1, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, bảng điện tại sàn HOSE có dấu hiệu "đứng hình" khiến nhiều cổ phiếu không hiển thị giá khớp lệnh. 

Tính trạng treo bảng, nghẽn lệnh kéo dài đến hết phiên chiều khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên lo lắng. Điều này khiến hiện tượng đặt lệnh MP để bán bằng mọi giá xuất hiện trở lại, lực bán tăng mạnh trong khi nhiều nhà đầu tư còn ngỡ ngàng khiến thanh khoản tăng cao.

Loạt cổ phiếu phút trước còn "xanh tím" phút sau đã đổ sàn cũng khiến nhà đầu tư hoang mang không biết điều gì đã diễn ra trong phiên ATC. Trong đó, FLC chuyển từ trạng thái tăng kịch trần về mức 21.150 đồng/cp, giảm 6,2%. Tương tự, nhiều cổ phiếu đang tăng "nóng" cũng quay đầu "nằm sàn" như CII ( giảm 6,9%), POW (-6,9%), CEO (-9,9%)...

Theo một số chuyên viên môi giới, tình trạng trên là do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) bị mất kết nối với một số công ty chứng khoán dẫn đến tình trạng chậm trả kết quả lệnh. Điều đáng nói là tình trạng này đã không xuất hiện trong gần 3 tháng gần đây sau khi FPT kết hợp cùng HOSE nâng khả năng xử lý số lượng giao dịch từ 900.000 lệnh/phiên lên mức 3 - 5 triệu lệnh.

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo lãnh đạo bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên ngay trong ngày 10/1, theo TTXVN.

Theo đó, HOSE phải khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng nghẽn lệnh, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp.

Đồng thời khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng được mọi diễn biến của thị trường trong dài hạn (kể cả trường hợp khối lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến).

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thu hút dòng vốn đầu tư, khối lượng cổ phiếu giao dịch và thanh khoản đều tăng cao, sự việc sàn HOSE có khả năng tái nghẽn lệnh được nhiều chuyên gia dự báo trước. 

Đây không phải là lần đầu HOSE nghẽn lệnh.Hệ thống giao dịch của HOSE đã thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh khi thanh khoản thị trường bùng nổ. Nhiều thời điểm nhà đầu tư không nắm được biến động giá trong phiên, thậm chí không thể giao dịch mua bán chứng khoán.

Tình trạng nghẽn lệnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các cơ quan quản lý có giải pháp để tránh lặp lại hiện tượng này.

Doanh Chính