|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ưu tiên xử lý sớm hiện tượng nghẽn mạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư

20:40 | 27/03/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia tài chính Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thị trường chứng khoán năm 2021 có nhiều triển vọng phục hồi và khả năng tăng trưởng 15 - 20% tương đương năm 2020, với quy mô và lượng giao dịch ngày càng lớn.
Ưu tiên xử lý sớm hiện tượng nghẽn mạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Ưu tiên xử lý sớm hiện tượng nghẽn mạch. (Ảnh minh họa: Vietnamplus).

Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 15 - 20% so với năm trước, nhưng cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức. 

Đặc biệt, hiện tượng nghẽn mạch, việc thiếu minh bạch và nhà đầu tư chưa thực sự chuyên nghiệp vẫn là những thách thức lớn nhất hiện nay của thị trường chứng khoán.

Đây là nhận định của chuyên gia tại hội thảo "Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 – Cơ hội và thách thức", do Câu lạc bộ Các Nhà Kinh tế phối hợp với CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) và Tập Đoàn Green+ tổ chức ở TP HCM ngày 27/3.

Theo chuyên gia tài chính Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thị trường chứng khoán năm 2021 có nhiều triển vọng phục hồi và khả năng tăng trưởng 15-20% tương đương năm 2020, với quy mô và lượng giao dịch ngày càng lớn. 

Trong đó, yếu tố hỗ trợ nổi bật nhất là việc thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nhờ tín hiệu tích cực từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới và làn sóng đầu tư cá nhân sẽ tạo ra sự bứt tốc cho thị trường chứng khoán trong năm nay.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ý chứng khoán Việt Nam cũng cho rằng, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng thị trường sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020.

Theo ông Sơn, việc tìm ra vaccin hiệu quả phòng ngừa COVID-19 và xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế từ kênh tín dụng ngân hàng (có lợi suất thấp) sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và các tài sản có giá trị khác nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ, sẽ là những nhân tố tích cực hỗ trợ sự phát triển của thị trường chứng khoán thế giới nói chung; trong đó, có Việt Nam trong năm 2021. 

Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng để đầu tư của khu vực và là một trong số rất ít nước khống chế được dịch COVID-19, đạt tăng trưởng dương trong năm 2020.

Ngoài ra, ngày 11/11/2021, Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI chính thức nâng hạng Kuwait từ cận biên lên mới nổi. Điều này giúp Việt Nam thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư vào nhóm thị trường cận biên nhằm tăng tỷ trọng thay thế cho Kuwait. 

Theo đó, dòng vốn nước ngoài có khả năng quay trở lại vào năm 2021 với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm 2021.

Dù có nhiều triển vọng tích cực, song các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2021 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới. 

Trong đó, việc thiếu minh bạch và nhà đầu tư chưa thực sự chuyên nghiệp vẫn là những thách thức nội tại lớn nhất hiện nay của thị trường chứng khoán. 

Thêm vào đó, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ bé so với các nước khác trong khi nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững; nguy cơ bong bóng trên thị trường từ làn sóng nhà đầu tư mới ồ ạt…

Đặc biệt, hiện tượng nghẽn mạch, treo lệnh xảy ra thường xuyên trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) trong thời gian gần đây trở thành một rào cản không nhỏ cho các nhà đầu tư khi giao dịch và có thể hạn chế đà tăng của chỉ số VN-Index. 

Dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE đang triển khai một số giải pháp khắc phục, song điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý giới đầu tư.

“Hiện tượng nghẽn mạch xảy ra khá phổ biến, chứng tỏ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho ngành chưa theo kịp sự tăng trưởng và phát triển của thị trường. Đây là vấn đề cần được ưu tiên số một để tăng thanh khoản và tạo niềm tin cho nhà đầu tư. 

Do vậy, việc tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin là giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay để thị trường chứng khoán phát triển tích cực, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, phía cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là sớm ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến Luật Chứng khoán sửa đổi vừa có hiệu lực đầu năm nay. 

Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý để phát triển kinh tế số, tài chính số, ngân hàng số… nhằm tận dụng cơ hội từ xu thế này cũng như tạo thêm kênh đầu tư mới thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường năng lực giám sát, quản lý, cưỡng chế và thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Từ đó, giúp thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch và hấp dẫn hơn...

H.Chung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.