|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VinaCapital: Người giàu cũng khổ, dân Việt Nam dồn tiền đánh chứng làm HOSE nghẽn lệnh

16:00 | 17/03/2021
Chia sẻ
Mới đây, VinaCapital đã có đánh giá về thị trường chứng khoán và vĩ mô của Việt Nam với nhận định rằng năm 2021 đang khởi đầu tốt đẹp. Công ty quản lý quỹ này đánh giá rằng mối quan tâm của nhà đầu tư cá nhân với thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn trong những tháng gần đây, góp phần hỗ trợ đà tăng giá cổ phiếu tại Việt Nam.

Minh chứng là số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đà tăng mạnh, tương tự những gì xảy ra trên thị trường quốc tế. Việc giảm lãi suất tiền gửi ngân hàng trong năm qua là yếu tố thu hút nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân thường chiếm hơn 85% thanh khoản của thị trường. Hệ quả là, thanh khoản của thị trường cũng tăng đột biến cùng với số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân.

VinaCapital: Người giàu cũng khổ, dân Việt Nam dồn tiền đánh chứng làm HOSE nghẽn lệnh - Ảnh 1.

Số lượng tài khoản mởi mới theo tháng của NĐT cá nhân và thanh khoản hàng ngày. Nguồn: VinaCapital

Sự gia nhập của nhóm nhà đầu tư mới đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt, vượt mức giới hạn của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), dẫn đến việc gián đoạn thời gian ngắn mỗi phiên thời gian gần đây. Đây là vấn đề được quan tâm lớn của cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. HOSE đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục. 

Tình trạng trên được VinaCapital đánh giá là "người giàu cũng khổ", dân Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến thị trường chứng khoán làm HOSE nghẽn lệnh.

Cùng với chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân trong nước có sở thích nắm giữ vàng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước thường giao dịch cao hơn 5 - 7% so với giá vàng thế giới do hạn chế nhập khẩu. Nhưng mức chênh đã tăng vọt từ khoảng 5% vào cuối năm 2020 lên 13 - 14% trong những tuần gần đây. Điều này làm cho thị trường chứng khoán càng trở nên ấn tượng hơn do vàng và bất động sản là hai sản phẩm có tính cạnh tranh với chứng khoán.

Cùng với sự gia nhập của nhà đầu tư F0, trong phần nhận định của mình, VinaCapital đưa ra đánh giá rằng lãi suất ổn định hỗ trợ giá cổ phiếu.

Theo VinaCapital, lo ngại về lạm phát gia tăng đẩy lãi suất toàn cầu gia tăng. Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là dưới 1%. Nhưng việc giá dầu tăng 35% và những tác động cơ bản từ việc nền kinh tế còn yếu có khả năng đẩy lạm phát tại Việt Nam lên trên mức 3% vào tháng 4/2021. 

Mặc dù vậy, VinCapital vẫn kì vọng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ trở lại khoảng 2%. Công ty quản lý quỹ này cho rằng xu hướng của lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm của Việt Nam đang ủng hộ góc nhìn về lạm phát như trên. Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước trong nhóm quốc gia mới nổi trên thế giới có lợi suất trái phiếu thực sự giảm trong năm nay.

Nói thêm về vĩ mô, VinaCapital cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tốt hơn so với dự kiến trong 2 tháng đầu năm bất chấp sự xuất hiện của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba vào cuối tháng 1 và kéo dài hơn 1 tháng. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Việt Nam (không bao gồm lạm phát) trong 2 tháng đầu năm nay không thay đổi, giữ ở mức 5,5%, trong khi 2 tháng đầu năm ngoái là 5,4%. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay tăng hơn 23% so với cùng kỳ nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng 35% và xuất khẩu hàng điện tử tăng trưởng 27%.

Ngoài ra, nhập khẩu các linh kiện và bộ phận cần thiết để sản xuất ti vi, điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ cao khác tăng 35% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm nay cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng tới.

Tựu chung lại, VinaCapital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng tăng lên mức cao hơn trong năm 2021 nhờ sự hỗ trợ của ba yếu tố. Thứ nhất là lãi suất dài hạn ổn định. Thứ hai, sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Thứ ba, nền kinh tế mạnh mẽ được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa cũng như là việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trong nước.

Hoàng Linh