Những cổ phiếu hút tiền nhiều nhất trong phiên thanh khoản kỷ lục gần 37.000 tỷ: VPB, HPG, SHB, TCB
Thị trường chứng khoán ngày 3/6 khép lại với nhiều kỷ lục. VN-Index tăng 23,5 điểm lên đỉnh mới 1.364 điểm. Chỉ số bluechip VN30 cũng lần đầu tiên vượt mốc 1.500 điểm.
Giá trị giao dịch (bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận) của riêng HOSE đạt trên 29.300 tỷ đồng, tăng 14% so với phiên 2/6 và là mức cao chưa từng thấy xưa nay.
Tổng thanh khoản toàn thị trường, bao gồm HOSE, HNX và UPCoM, là gần 36.900 tỷ đồng, cũng là một con số kỷ lục.
Cổ phiếu hút tiền nhất HOSE nói riêng và thị trường nói chung trong phiên 3/6 là VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với giá trị giao dịch 4.115 tỷ đồng
Đứng thứ 2 là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với tổng thanh khoản 2.035 tỷ. Đây cũng là phiên thứ 10 liên tiếp HPG giữ danh hiệu cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất thị trường.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 716 tỷ đồng cổ phiếu đầu ngành thép này, trong khi tự doanh chỉ mua ròng gần 20 tỷ, phần còn lại do các nhà đầu tư cá nhân trong nước hấp thụ. Kết phiên, HPG vẫn tăng 0,6% lên 54.300 đồng/cp.
Theo thống kê của Chứng khoán SSI, khối ngoại đã bán ròng khoảng 160 triệu cổ phiếu HPG từ đầu năm, giảm tỷ lệ sở hữu từ 33,1% xuống còn 28,2%.
Cổ phiếu hút tiền thứ 3 toàn thị trường là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, một đại diện đến từ HNX. Thanh khoản của SHB đạt 1.646 tỷ đồng, chiếm hơn 30% giá trị giao dịch toàn sàn HNX.
Trong báo cáo phân tích công bố tối 3/6, Chứng khoán SSI cho rằng gánh nặng nợ xấu giảm dần và sự tăng trưởng mạnh của vốn chủ sở hữu sẽ giúp SHB cải thiện quy mô và lợi nhuận, ROE dự kiến tăng từ khoảng 10-13% trong các năm trước lên 15-16% trong năm 2021.
SHB có kế hoạch tăng 52,3% vốn điều lệ trong năm 2021 lên khoảng 26.700 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% (đã thực hiện trong tháng 5) và 10,5% cổ tức năm 2020 tỷ lệ 10,5% (dự kiến thực hiện trong quý III).
Ngoài ra, SHB còn muốn phát hành 539,2 triệu cổ phiếu (tương đương 28% vốn điều lệ) cho cổ đông hiện hữu tại mức giá 12.500 đồng/cp. Nhà băng của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cũng dự kiến giảm giới hạn sở hữu của khối ngoại từ 30% còn 10% để chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ được thực hiện từ 2022 trở đi.
SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của SHB trong năm nay có thể đạt 6.060 tỷ đồng, tăng 85,5% so với năm 2020. Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ hỗ trợ tăng trưởng và giảm nhu cầu huy động vốn. SHB tăng vốn càng sớm, lợi nhuận trước thuế năm 2021 càng cao, SSI nhận định.
Tuy nhiên, mô hình của SSI cho thấy cổ phiếu SHB đang bị định giá cao hơn 19% so với giá trị thực.
Ngoài VPB và SHB, phiên 3/6 còn ghi nhận ba mã ngân hàng khác có giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng là TCB (Techcombank), MBB (Ngân hàng Quân Đội) và STB (Sacombank). Cổ phiếu CTG của VietinBank và LPB của LienVietPostBank cũng có thanh khoản nằm trong top 10.
Cả MBB và LPB đều đóng cửa trong sắc tím với khối lượng giao dịch lần lượt 29,1 và 20,6 triệu đơn vị. MBB còn dư mua giá trần gần 1,6 triệu đơn vị.
Cổ phiếu MBB tăng trần 6,9% sau khi có tin nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm tối đa gần 9.800 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%.
Cổ phiếu LPB tăng trần liên tiếp trong hai phiên 2/6 và 3/6 sau khi có tin Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy dự chi gần 1.000 tỷ đồng để mua thêm 32,54 triệu đơn vị LPB, nâng tỷ lệ sở hữu của ông tại LienVietPostBank lên 4,92%. Em trai của ông Thụy cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu LPB.
Từ đầu năm đến nay, MBB và LPB đã tăng lần lượt gần 81% và 173%.
Cổ phiếu TCB của Techcombank đóng cửa tăng 3,8% lên 54.800 đồng/cp dù đã có lúc giao dịch ở đỉnh 55.100 đồng/cp.
Như vậy, TCB đã đạt được giá mục tiêu 55.000 đồng/cp mà ngân hàng JPMorgan ước tính trong báo cáo phân tích hồi cuối tháng 4.
Giá TCB hiện nay đang cao hơn 74% so với ngày đầu năm và tăng gần 36% so với ba tháng trước.
Một cổ phiếu đáng chú ý nữa trong phiên 3/6 là PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam với giá trị giao dịch 603 tỷ đồng.
Kết phiên, PVS giảm 1,5% còn 25.000 đồng/cp mặc dù nhiều cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực như POW tăng kịch trần, PVC thêm 2,7%, BSR, PXS, GAS đều thêm hơn 1%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng triển vọng giá dầu ở mức cao sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thăm dò và xây dựng của ngành dầu khí trong thời gian tới, ở cả Việt Nam và thị trường nước ngoài.
Do đó, PVS có thể sẽ ký mới nhiều hợp đồng trong nửa sau 2021. Ngoài ra, giá dầu cao cũng sẽ đảm bảo mảng cho thuê FSO/FPSO có mức giá thuê ổn định trong thời gian cho thuê.