Không cho sửa, hủy lệnh: Nhà đầu tư chịu thêm rủi ro để đưa thanh khoản HOSE lên cao kỷ lục
HOSE đạt kỷ lục thanh khoản, nhà đầu tư gánh thêm rủi ro
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận một phiên giao dịch bùng nổ với nhiều kỷ lục về thanh khoản.
Sàn HOSE có giá trị khớp lệnh lên tới 27.740 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD, tăng 15% so với hôm qua và là con số lớn chưa từng thấy trong lịch sử 20 năm của thị trường.
Giao dịch diễn ra giật cục trong buổi sáng khi tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện thường xuyên. Tuy nhiên đến buổi chiều, nhà đầu tư vẫn khớp lệnh được trong khoảng từ 13h đến 14h, không phải dừng giao dịch hoàn toàn như chiều 1/6.
Sự cải thiện trong thanh khoản phiên hôm nay đến từ việc hàng loạt công ty chứng khoán đã cắt tính năng sửa, hủy lệnh để giảm tải cho hệ thống của HOSE. Lệnh một khi đã được gửi đi sẽ có hiệu lực cho đến khi khớp hoặc hết phiên.
Thông báo của Chứng khoán SSI ghi: "Trong thời gian gần đây, thanh khoản trên thị trường liên tục tăng mạnh, giao dịch trên HOSE nhiều thời điểm ghi nhận hiện tượng mất ổn định và dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh của nhà đầu tư.
"Vì vậy, nhằm đảm bảo hoạt động giao dịch chung được thông suốt, SSI sẽ tạm dừng tính năng SỬA/HỦY lệnh sàn HOSE trên các hệ thống Web Trading/Mobile Trading/Pro Trading từ ngày 3/6/2021 cho đến khi có thông báo mới từ Công ty".
VNDirect thì khuyến nghị nhà đầu tư "hạn chế hủy/sửa lệnh" nhưng đồng thời cho biết công ty có thể phải tạm dừng tính năng hủy/sửa lệnh trên toàn bộ hệ thống giao dịch trực tuyến bất cứ lúc nào.
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng gửi đi những thông báo tương tự.
Trước đây, nhà đầu tư thường đặt các lệnh giới hạn (LO) rồi sửa/hủy lệnh tùy theo diễn biến cung cầu. Nhưng từ chiều 2/6 đến hôm nay 3/6, nhiều người đã chuyển sang đặt lệnh thị trường (MP), xác suất khớp lệnh lớn hơn nhưng giá nhiều khi không có lợi, tức là bán với giá thấp hơn và mua với giá cao hơn kỳ vọng.
Xin nhấn mạnh rằng việc cấm sửa, hủy lệnh chỉ áp dụng với cổ phiếu niêm yết ở HOSE. Còn với cổ phiếu ở HNX và UPCoM, nhà đầu tư có thể sửa và hủy lệnh thoải mái vì hệ thống còn dư năng lực xử lý.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE cho biết tỷ lệ sửa, hủy lệnh đã giảm từ bình quân 33,5% trong các phiên trước xuống còn 18% trong phiên 3/6, giúp "làm tăng thêm số lượng lệnh giao dịch của các nhà đầu tư được khớp, đưa giá trị khớp lệnh lên kỷ lục mới".
Tính cả giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, HOSE hôm nay ghi nhận giá trị mua bán hơn 29.300 tỷ đồng với khối lượng gần 900 triệu cổ phiếu, đều là các kỷ lục mới.
Thanh khoản của HNX hôm nay cũng lên cao đột biến với tổng giá trị giao dịch 5.424 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh là 5.318 tỷ, tăng 81% so với trung bình một tháng gần đây. Giá trị khớp lệnh ở UPCoM đạt 2.004 tỷ, tăng 80% so với trung bình một tháng.
HPG nhích lên sau phiên điều chỉnh, cổ phiếu ngân hàng thúc đẩy chỉ số
Kết phiên 3/6, chỉ số VN-Index bật tăng 1,75% lên đỉnh mới 1.364,28 điểm. Chỉ số bluechip VN30 cũng thêm 1,73% và đóng cửa ở 1.504,37 điểm.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 0,6% lên 54.300 đồng/cp. Trước đó vào phiên 2/6, HPG sụt 2,7% và là cổ phiếu giảm sâu nhất chỉ số VN30.
Diễn biến này xuất hiện sau khi HPG đã trải qua hai phiên tăng nóng 31/5 và 1/6 với tỷ lệ lần lượt 6,9% (kịch trần) và 5,3%. Đây cũng chính là hai ngày giao dịch không hưởng quyền và chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức 40% từ Hòa Phát.
Mới đây nhất, Hòa Phát cho biết ông Trần Vũ Minh - con trai Chủ tịch Trần Đình Long - phải dừng mua 5 triệu cổ phiếu HPG theo đăng ký trước đó vì gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Để đảm bảo phù hợp các quy định của Luật Chứng khoán 2019 và yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hòa Phát sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc ông Minh muốn nâng sở hữu.
Phiên hôm nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 717 tỷ đồng HPG, ghi nhận phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp.
Nhóm ngân hàng giao dịch đặc biệt tích cực trong ngày 3/6 với nhiều mã tăng trần gồm MBB (Ngân hàng Quân Đội), LPB (LienVietPostBank) và OCB (Ngân hàng Phương Đông). Tính chung cả hai sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM, 25/26 mã ngân hàng đóng cửa trong giá xanh hoặc tím, chỉ có PGB đi ngang, không mã nào giảm.
4 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index hôm nay đều thuộc nhóm ngân hàng, đó là: MBB, TCB (Techcombank), CTG (VietinBank) và BID (BIDV).
Trong top 10 đóng góp cho chỉ số còn có ba mã ngân hàng khác là HDB (HDBank), ACB (Ngân hàng Á Châu) và VCB (Vietcombank). Chỉ có ba mã không thuộc nhóm ngân hàng là VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes) và GVR (Tập đoàn Cao su Việt Nam).
Tổng cộng 7 mã ngân hàng kể trên đã giúp VN-Index có thêm 9,21 điểm, tương đương gần 40% mức tăng của chỉ số này.
Cổ phiếu MBB tăng trần từ sáng nay sau khi có tin Ngân hàng TMCP Quân Đội được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn tối đa thêm gần 9.800 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%. Sau khi trả cổ tức, vốn điều lệ của nhà băng này dự kiến đạt 37.782 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB tăng trần liên tiếp trong hai phiên hôm qua và hôm nay sau khi có tin Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy sẵn sàng chi gần 1.000 tỷ đồng để mua thêm 32,54 triệu đơn vị LPB, nâng tỷ lệ sở hữu của ông tại LienVietPostBank lên 4,92%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/