Mua bán HPG vào ngày 31/5 có được nhận cổ tức 40% từ Hòa Phát không? Những khái niệm căn bản trên TTCK
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 1/6 để trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, tổng cộng là 40% mệnh giá.
Nói cách khác, nhà đầu tư nào có 100 cổ phiếu HPG vào ngày chốt quyền thì sẽ nhận được 35 cổ phiếu mới và 50.000 đồng tiền mặt (chưa trừ thuế thu nhập).
Hòa Phát hiện nay có hơn 3,31 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, nên sẽ cần chi tới hơn 1.650 tỷ đồng tiền mặt và phát hành thêm 1,16 tỷ cổ phiếu HPG mới để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.
HPG là cổ phiếu quốc dân, được đông đảo nhà đầu tư quan tâm nên những thắc mắc xoay quanh đợt cổ tức khổng lồ này cũng rất nhiều, nhất là từ phía các nhà đầu tư F0, những "tấm chiếu mới" chưa từng trải trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Một trong số những băn khoăn đó là: Hòa Phát chốt danh sách vào ngày 1/6, vậy nếu tôi khớp lệnh mua cổ phiếu HPG vào phiên đầu tuần 31/5 thì sau này có được nhận cổ tức không? Hay hỏi theo chiều ngược lại là: Nếu tôi khớp lệnh bán HPG vào ngày 31/5 thì có bị mất quyền nhận cổ tức hay không?
Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày chốt quyền
Ngày giao dịch liền trước ngày chốt quyền được gọi là ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ), tức là việc mua bán trong ngày này sẽ không ảnh hưởng tới quyền nhận cổ tức (hoặc các quyền khác đang được chốt tùy tình huống cụ thể như quyền tham dự đại hội cổ đông, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, … ).
Trong trường hợp của Hòa Phát, ngày chốt quyền là 1/6 (thứ Ba) nên ngày GDKHQ là 31/5 (thứ Hai). Nếu một doanh nghiệp nào đó chốt quyền vào 31/5 thì ngày GDKHQ sẽ là 28/5 (thứ Sáu) vì 29 và 30/5 là hai ngày nghỉ cuối tuần.
Nhà đầu tư mua cổ phiếu HPG vào ngày GDKHQ 31/5 sẽ không được nhận cổ tức 5% tiền mặt và 35% cổ phiếu.
Nếu muốn nhận quà từ Hòa Phát, lẽ ra nhà đầu tư phải khớp lệnh mua muộn nhất là vào thứ Sáu tuần trước (28/5). Nguyên nhân là chu kỳ thanh toán trên thị trường chứng khoán Việt Nam là T+2, tức là phải mất hai ngày làm việc sau khi khớp lệnh mua thì cổ phiếu mới về đến tài khoản.
Nếu mua vào 28/5 (thứ Sáu) thì đến cuối ngày 1/6 (thứ Ba), cổ phiếu sẽ có trong tài khoản của nhà đầu tư. Nếu 31/5 mới khớp lệnh mua thì phải tới 2/6 cổ phiếu mới về tài khoản, trong khi Hòa Phát đã chốt danh sách cổ đông từ 1/6 rồi.
Làm gì để né cổ tức?
Có những nhà đầu tư săn lùng doanh nghiệp trả cổ tức cao để mua cổ phiếu. Ngược lại, có những nhà đầu tư "sợ" cổ tức, cứ gần đến ngày chốt quyền là bán cổ phiếu đi để không phải nhận cổ tức.
Nếu không muốn nhận cổ tức của Hòa Phát, nhà đầu tư phải khớp lệnh bán chậm nhất vào ngày 28/5. Nếu để đến 31/5 mới bán thì đã muộn, trong danh sách chốt quyền ngày 1/6 vẫn sẽ có tên của nhà đầu tư đó.
Nhìn theo một hướng khác, nếu nhà đầu tư mua HPG chỉ vì món cổ tức 40% thì có thể khớp lệnh bán ngay vào ngày 31/5, không cần phải giữ đến sau ngày chốt quyền 1/6 mà vẫn chắc chắn sẽ nhận được quà từ doanh nghiệp đầu ngành thép này.
Cái lợi và cái hại của cổ tức
Tại sao lại có những nhà đầu tư không muốn nhận cổ tức?
Với cổ tức tiền mặt
Nhà đầu tư nhận được bao nhiêu tiền trên mỗi cổ phiếu thì giá sẽ bị điều chỉnh giảm đi đúng bấy nhiêu.
Giả sử NĐT nắm giữ 100 cổ phiếu XXX với giá 10.000 đồng/cp, tổng giá trị tài sản là 1 triệu đồng. XXX trả cổ tức 1.000 đồng/cp, tức là nhà đầu tư sẽ được nhận 100.000 đồng tiền mặt. Tuy nhiên, giá cổ phiếu XXX sẽ bị điều chỉnh giảm đúng bằng số tiền cổ tức là 1.000 đồng, còn lại 9.000 đồng/cp.
Tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư vẫn là 1 triệu đồng (gồm 100.000 đồng tiền mặt và 900.000 đồng cổ phiếu). Tuy vậy, nhà đầu tư còn phải nộp thuế thu nhập 5% đối với số 100.000 đồng cổ tức tiền mặt vừa nhận.
Mỗi nhà đầu tư có những nhu cầu, phân tích và sở thích riêng nên sẽ đưa ra các quyết định nhận hay không nhận cổ tức khác nhau.
Chẳng hạn, nếu NĐT đang cần tiền mặt để chi tiêu mà không muốn bán cổ phiếu thì có thể giữ lại để hưởng cổ tức.
Nếu NĐT nhận thấy phí giao dịch thấp hơn tiền thuế phải trả khi nhận cổ tức tiền mặt thì có thể bán cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền rồi mua lại sau để tránh cổ tức.
Tuy nhiên, việc bán đi rồi mua lại này tiềm ẩn rủi ro là nếu giá cổ phiếu tăng mạnh thì số tiền mà NĐT phải bỏ ra để mua lại sẽ lớn hơn số tiền bán ra rất nhiều, không bõ tiền thuế tiết kiệm được. Như vậy thì chẳng khác nào tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Ngoài ra, một số người không thích cổ tức tiền mặt vì muốn doanh nghiệp giữ lại tiền để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo ra thêm giá trị cho cổ đông.
Với cổ tức bằng cổ phiếu
Số lượng cổ phiếu tăng lên bao nhiêu thì giá cổ phiếu giảm đi bấy nhiêu, tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư là không đổi.
Nếu một công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%, tức là số cổ phiếu sau chia bằng 1,5 lần số cổ phiếu cũ, thì giá mới sẽ thấp hơn 1,5 lần so với giá cũ.
Ví dụ: Nhà đầu tư nắm giữ 1.000 cổ phiếu ABC với giá 30.000 đồng/cp, tổng giá trị tài sản là 30 triệu đồng. Công ty ABC trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%, tức là nhà đầu tư sẽ có 1.500 cổ phiếu trong tài khoản, khi đó giá sẽ bị điều chỉnh còn 30.000/1,5 = 20.000 đồng/cp. Tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư vẫn là 30 triệu đồng.
Nếu doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%, tức là số cổ phiếu sau chia gấp đôi số cổ phiếu cũ, thì giá mới sẽ chỉ bằng một nửa giá cũ.
Những phép tính toán trên đây là công thức chung được áp dụng trên khắp thế giới.
Riêng ở Việt Nam, hai quy định có hiệu lực cách đây không lâu đang tác động rất lớn tới quyết định nhận hay không nhận cổ tức bằng cổ phiếu của nhà đầu tư.
Thứ nhất, theo Nghị định số 126/2020, từ ngày 5/12/2020, khi bán cổ phiếu là cổ tức, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế tính trên số cổ phiếu là cổ tức đó.
Ở ví dụ trên, NĐT sở hữu 1.500 cổ phiếu ABC, trong đó có 1.000 cổ phiếu mua ban đầu và 500 cổ phiếu thu được từ cổ tức. Khi bán 500 cổ phiếu này, NĐT phải nộp tất cả các loại thuế phí như trước nay vẫn nộp, đồng thời phải nộp thêm thuế 5% tính theo mệnh giá cổ phiếu.
Thứ hai, từ ngày 4/1/2021, Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) nâng lô giao dịch tối thiểu lên từ 10 lên 100 cổ phiếu, khiến cho nhiều nhà đầu tư dễ dính lô lẻ khi nhận cổ tức.
Với trường hợp cổ tức 35% của Hòa Phát, nếu NĐT có 1.000 cổ phiếu HPG thì sau khi chia sẽ có tổng cộng 1.350 cổ phiếu, tức là bị lẻ 50 cổ phiếu. Nếu NĐT nào sở hữu 2.000 cổ phiếu HPG hoặc các bội số của 2.000 thì sẽ không bị lô lẻ sau đợt cổ tức này.
Một nhà đầu tư cá nhân tên N.S. chia sẻ: "Tôi có 1.000 cổ phiếu HPG và đã khớp lệnh bán sạch vào chiều 28/5 với giá 67.200 đồng/cp để tránh nhận lô lẻ và không phải nộp thuế. Sang tuần sau (từ 31/5) tôi sẽ mua lại, hy vọng lúc đó giá HPG không tăng quá nhiều".
Lãnh đạo Hòa Phát không ngại nộp thuế
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức ngày 22/4 vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã đề nghị ban lãnh đạo Hòa Phát không trả cổ tức bằng cổ phiếu vì không thay đổi sức mạnh tài chính của tập đoàn cũng như không làm cổ đông giàu lên mà chỉ làm tăng gánh nặng về thuế.
Phó Chủ tịch HĐQT Trần Tuấn Dương đồng tình rằng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đi kèm với điều chỉnh giá và không làm thay đổi giá trị tài sản của cổ đông. Tuy nhiên, việc phát hành thêm cổ phiếu này lại làm tăng vốn điều lệ và thể hiện sự cam kết của cổ đông vào hoạt động dài hạn của tập đoàn.
"Khi chúng tôi muốn làm dự án lớn như Dung Quất thì Nhà nước cũng như các ngân hàng đều đòi hỏi phải có vốn chủ sở hữu, tức là cam kết về vốn đối ứng của chủ đầu tư. Vì vậy nên nếu công ty muốn tăng trưởng thì phải tăng cả vốn điều lệ", Phó Chủ tịch HĐQT Hòa Phát giải thích với cổ đông.
Chủ tịch Trần Đình Long cho biết ông là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát, nếu bán HPG thì sẽ phải nộp thuế nhiều nhất nhưng ông vẫn vui vẻ ủng hộ kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu. "Mình làm ăn ở Việt Nam có lãi thì nộp thuế cho Việt Nam cũng là bình thường", ông Long nói.
Ngoài ra, ông Long còn cho rằng giá cổ phiếu thường tăng sau mỗi lần chia cổ tức nên nhìn chung cổ đông sẽ được lợi.
Nhận định này của ông Long là có cơ sở. Các cổ phiếu ở Mỹ có giá cao hàng trăm USD như Tesla và Apple từng nhiều lần chia tách để hạ giá xuống, giúp cổ phiếu trở nên vừa túi tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn, nhu cầu tăng lên và thanh khoản được cải thiện.
Việc hạ giá đơn vị này đặc biệt có ý nghĩa ở thị trường áp dụng lô 100 như HOSE ở Việt Nam.
Thị trường chứng khoán không phải chỉ có các tay to, cá mập chơi với nhau mà còn có đông đảo nhà đầu tư nhỏ lẻ - những bà nội trợ, dân văn phòng, … chơi cổ phiếu bằng tiền tiết kiệm hàng tháng.
Thử làm một phép tính đơn giản như sau: Giá cổ phiếu HPG trong tuần vừa qua dao động quanh khoảng 65.000 – 67.000 đồng/cp. Để mua một lô tối thiểu 100 cổ phiếu sẽ cần 6,5 – 6,7 triệu đồng.
Một người đều đặn "lì xì heo đất 200 mỗi ngày" (200.000 đồng/ngày) thì sau một tháng sẽ tiết kiệm được 6 triệu đồng, không đủ để mua một lô tối thiểu HPG.
Ngày 31/5, giá cổ phiếu HPG sau khi điều chỉnh theo cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu là 49.350 đồng/cp, đã trở nên hợp túi tiền của các NĐT nhỏ lẻ hơn rất nhiều.
Vai trò của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và với cổ phiếu HPG nói riêng là không thể xem thường. Từ đầu năm đến nay, các quỹ ngoại bán ròng tổng cộng hơn 7.000 tỷ đồng HPG nhưng giá cổ phiếu này vẫn tăng tới 62%, công lớn thuộc về nhóm cá nhân trong nước.
Theo thống kê giao dịch khớp lệnh của FiinPro, riêng trong tuần 24-28/5, khối ngoại bán ròng 1.066 tỷ đồng HPG, tổ chức trong nước bán ròng 135 tỷ, nhưng NĐT cá nhân trong nước gom tới 1.188 tỷ, hấp thụ gần hết lượng xả ra.