|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Quảng Ngãi bàn cách gỡ vướng cho dự án 85.000 tỷ của Hòa Phát

18:35 | 01/05/2021
Chia sẻ
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 đang có một số vướng mắc về mặt bằng, cần được lãnh đạo và các sở, ngành tỉnh Quảng Ngãi tìm hướng giải quyết.
Quảng Ngãi bàn cách gỡ vướng cho dự án 85.000 tỷ của Hòa Phát - Ảnh 1.

Lối vào Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Song Ngọc).

Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vào chiều 28/4 vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi; các sở, ngành; huyện Bình Sơn và Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) để xem xét giải quyết những vướng mắc về Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2.

Đại hội cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát ngày 22/4/2021 đã thông qua phương án đầu tư dự án giai đoạn 2 này với công suất hàng năm dự kiến là 5,6 triệu tấn, trong đó thép dẹt là 4,6 triệu tấn và thép thanh, thép dây chất lượng cao là 1 triệu tấn.

Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định là 70.000 tỷ, vốn lưu động 15.000 tỷ. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cam kết sẽ thực hiện các thủ tục và thi công nhanh nhất có thể, phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2024 thay vì 2025 như kế hoạch trước đó. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là gần 284 ha.

Hiện tại, dự án đang gặp vướng mắc liên quan đến cấu phần cấp nước thô phục vụ sản xuất; công tác bồi thường, tái định cư, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các khu tái định cư, …

Quảng Ngãi bàn cách gỡ vướng cho dự án 85.000 tỷ của Hòa Phát - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi làm việc với đại diện Tập đoàn Hòa Phát ngày 28/4/2021. (Ảnh: quangngai.gov.vn).

Theo Báo Quảng Ngãi, đại diện Tập đoàn Hòa Phát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Bình Sơn khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư để di dời dân vùng dự án vào ở để bàn giao mặt bằng cho tập đoàn triển khai dự án.

Đối với 17 ha đất lúa và thay đổi đất mặt nước, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5.

Riêng với 0,36 ha mặt bằng trạm bơm, giao cho huyện Bình Sơn khẩn trương đưa vào Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, hoàn thành trước ngày 30/6.

Việc điều chỉnh diện tích đất từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 sang Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất hoàn thành các kiến nghị của Hòa Phát chậm nhất trước ngày 15/5.

Về vấn đề xác định Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 là dự án “độc lập” hay “mở”, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với chủ trương Hòa Phát đầu tư dự án độc lập. Việc tiến hành các thủ tục do tập đoàn thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chủ tịch tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh về xử lý đất công, tài sản công thuộc phạm vi thu hồi phục vụ dự án, Báo Quảng Ngãi cho hay.

Quảng Ngãi bàn cách gỡ vướng cho dự án 85.000 tỷ của Hòa Phát - Ảnh 3.

Một góc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1. (Ảnh: Song Ngọc).

Dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng, được khởi công vào năm 2017 và bắt đầu cho ra sản phẩm từ giữa năm 2019. Hiện nay giai đoạn 1 này đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, đạt công suất 5 triệu tấn thép mỗi năm.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết việc thực hiện dự án giai đoạn 2 có lợi thế nhờ tận dụng được một số hạng mục đã xây dựng từ giai đoạn 1, nhân sự của Hòa Phát cũng có kinh nghiệm hơn trước. Tuy nhiên, giai đoạn 2 này tập trung vào sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) nên đòi hỏi dây chuyền máy móc hiện đại hơn, cần vốn đầu tư lớn hơn.

Song Ngọc

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.