Giá thép tăng cao như con dao hai lưỡi với Hòa Phát
Hòa Phát vừa sản xuất và tiêu thụ thép
Năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) báo lãi hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 78% so với thực hiện năm trước và vượt 50% kế hoạch. Sang quý I năm nay, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long công bố lợi nhuận hơn 7.000 tỷ, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái.
Những kết quả này đạt được là nhờ Hòa Phát liên tục gia tăng sản lượng thông qua việc đưa 4 lò cao của Khu liên hợp Dung Quất lần lượt vào vận hành, cùng với đó là giá thép thành phẩm tăng cao.
Theo phân tích của Chứng khoán HSC, chỉ riêng trong tháng 4, Hòa Phát đã 5 lần tăng giá thép xây dựng. Giá thép hiện nay cao hơn 11% so với đầu tháng 4 và 14,4% so với đầu năm 2021. Giá đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) giao tháng 6 đã là 900 USD/tấn, tăng 50% so với đơn hàng giao tháng 1.
Theo số liệu của Bloomberg, giá HRC tại Bắc Mỹ hiện cao gấp hơn ba lần tháng 3-4 năm ngoái khi nền kinh tế điêu đứng vì đại dịch. Tại Trung Quốc, giá thép cũng đang ở mức cao nhất 13 năm.
Tuy nhiên, Hòa Phát không chỉ là nhà cung cấp thép mà cũng là một đơn vị sử dụng thép. Vì vậy, việc giá thép tăng cũng ít nhiều ảnh hưởng tới chi phí của Hòa Phát như với các doanh nghiệp xây dựng khác.
Trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật ba KCN bao gồm: Phố Nối A (diện tích 600 ha) và Yên Mỹ II (giai đoạn 1 là 97,5 ha) tại Hưng Yên; và KCN Hòa Mạc tại Hà Nam (131 ha).
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Hòa Phát đầu tư mở rộng KCN Phố Nối A thêm 92,5 ha về phía đông. Tháng 12/2020, Thủ tướng cũng đã đồng ý bổ sung KCN Yên Mỹ II mở rộng với diện tích 216 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở và khu đô thị, Hòa Phát là chủ đầu tư của các dự án bao gồm: Khu phức hợp Mandarin Garden, Tòa nhà Hòa Phát – Giải Phóng, Tổ hợp 493 Trương Định tại Hà Nội; và Khu đô thị phía bắc Quốc lộ 5 tại tỉnh Hưng Yên.
Trong lĩnh vực sản xuất thép, Hòa Phát dự định đầu tư 85.000 tỷ đồng cho dự án Dung Quất giai đoạn 2, trong đó nhu cầu vốn cố định là 70.000 tỷ và vốn lưu động là 15.000 tỷ. Trước khi có thể sản xuất ra thép, Dung Quất 2 sẽ tiêu tốn một lượng thép khổng lồ trong quá trình xây dựng dự kiến kéo dài 36 tháng.
Vì vậy, việc giá thép tăng cũng sẽ khiến cho kinh phí đầu tư của Hòa Phát vào Dung Quất 2 thêm cao. "Kết quả kinh doanh quý I của Hòa Phát tốt như thế một phần do giá thép tăng. Mà đầu tư cho Dung Quất thì có đến 70-80% là vào sắt thép. Máy móc thiết bị là sắt thép, nhà xưởng là sắt thép. Giá sắt thép tăng 40-50% thì 70.000 tỷ chưa chắc đã đủ", Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nhận định.
Khi thực hiện Dung Quất 2, đội ngũ nhân sự của Hòa Phát đã có kinh nghiệm từ quá trình triển khai giai đoạn đầu. Một số hạng mục của giai đoạn 1 cũng sẽ được giai đoạn 2 sử dụng chung, nhờ đó tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư.
Tuy nhiên theo Chủ tịch Trần Đình Long, yêu cầu xây dựng mới và sử dụng sắt thép vẫn rất lớn. "Ví dụ, cảng biển của giai đoạn 1 không đủ dùng cho cả giai đoạn 2. Hòa Phát phải làm một cảng mới", ông Long nói.
"Năm 2021, chúng ta tiêu thụ khoảng 13 triệu tấn quặng và 7 triệu tấn than, tức là tổng cộng khoảng 20 triệu tấn. Đến khi vận hành Dung Quất giai đoạn 2, Hòa Phát sẽ cần khoảng 40 triệu tấn quặng và than nhập khẩu", tỷ phú Trần Đình Long nêu dẫn chứng về lưu lượng hàng hóa đi qua cảng nước sâu Dung Quất.
Giá quặng sắt và cước vận tải liên tục tăng trong những tháng qua cũng đẩy chi phí sản xuất lên cao, đồng nghĩa với việc Hòa Phát không được hưởng toàn bộ phần tăng giá thép thành phẩm.
Tiền đâu để đầu tư Dung Quất 2?
Nói về nguồn tiền để thực hiện dự án Dung Quất 2, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết một số ngân hàng lớn đã ngỏ ý sẵn sàng tài trợ vốn, vì thỏa thuận bảo mật thông tin nên ông không thể nêu tên nhà băng cụ thể.
"Tỷ lệ vay ròng trên vốn chủ sở hữu của Hòa Phát đang ở mức rất an toàn. Thậm chí có một số chủ ngân hàng còn nói với chúng tôi là Hòa Phát thận trọng quá", ông Long chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2021, đồng thời cho biết thêm rằng cơ cấu vốn cho Dung Quất 2 là khoảng 50% vốn chủ và 50% vốn vay.
Phần vốn chủ được tập đoàn lấy từ lợi nhuận giữ lại trong hoạt động kinh doanh, không cần phát hành mới cổ phiếu. "Tôi khẳng định Hòa Phát sẽ không phải phát hành thêm, cổ đông sẽ không phải bỏ thêm tiền […] Để ra được lượng tiền làm Dung Quất 2 mà không phải huy động thêm là nỗ lực rất lớn của chúng tôi."
Tính đến ngày cuối quý I/2021, Hòa Phát có tổng nợ phải trả 72.761 tỷ đồng, chiếm 52,3% tổng nguồn vốn. Trong nợ phải trả, số tiền vay ngân hàng ngắn hạn và dài hạn là 55.560 tỷ đồng, tăng khoảng 1.400 tỷ đồng so với ngày đầu năm.
Tuy nhiên Hòa Phát còn có hơn 24.800 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, vì vậy số tiền vay ròng tại ngày 31/3 là khoảng 30.700 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong quý I là 621 tỷ đồng, tỷ số khả năng trả lãi (EBIT/lãi vay) là 13,37 lần.