Hòa Phát trả cổ tức trong tháng 5-7, gia đình ông Trần Đình Long sắp nhận hàng trăm tỷ đồng
Gia đình chủ tịch nắm hơn 1/3 vốn Hòa Phát
Đại hội cổ đông thường niên Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ngày 22/4/2021 vừa qua đã phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 40%, trong đó có 35% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.
Hòa Phát hiện có vốn điều lệ 33.133 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3,31 tỷ cổ phiếu HPG đang lưu hành. Vì vậy, tập đoàn đầu ngành thép này sẽ cần chi khoảng 1.656 tỷ đồng tiền mặt và phát hành mới 1,16 tỷ cổ phiếu HPG để trả cổ tức.
Hội đồng quản trị Hòa Phát đã ban hành nghị quyết về việc cố gắng hoàn thành các thủ tục cần thiết để trả cổ tức bằng tiền mặt cũng như cổ phiếu vào giai đoạn tháng 5-7/2021.
Hiện nay Chủ tịch Trần Đình Long đang sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 26,08% vốn điều lệ của Hòa Phát. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền đang nắm giữ 243,06 triệu cp, tương đương 7,34% vốn.
Con trai là Trần Vũ Minh nắm giữ 48 triệu đơn vị. Công ty riêng của ông Minh (Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong) có 1,56 triệu đơn vị. Ba người anh em ruột của ông Long cũng đang nắm giữ 1,26 triệu cổ phần.
Tổng cộng, gia đình ông Trần Đình Long đang sở hữu gần 1,16 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 34,95% vốn điều lệ Hòa Phát.
Tính theo tỷ lệ này, nhà ông Trần Đình Long sẽ được nhận khoảng 405 triệu cổ phiếu HPG và gần 580 tỷ đồng tiền mặt trong đợt cổ tức sắp tới.
Chủ tịch kiêm cổ đông lớn nhất muốn tăng sở hữu tại Hòa Phát
Vợ chồng ông Long – bà Hiền chính là hai cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát. Cổ đông lớn thứ ba là nhóm quỹ Dragon Capital với tỷ lệ sở hữu khoảng 6%.
Báo cáo thường niên 2020 của Hòa Phát cho biết tập đoàn này có tổng cộng khoảng 60.000 cổ đông, trong đó cổ đông nước ngoài sở hữu khoảng 30% vốn, các cổ đông nội bộ (Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc, Kế toán trưởng) nắm 36%, người có liên quan đến người nội bộ sở hữu 10%, còn lại là các cổ đông trong nước khác.
Đại hội thường niên ngày 22/4 năm nay đã thông qua tờ trình cho phép cha con ông Trần Đình Long - Trần Vũ Minh được nâng tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát quá các ngưỡng 35%, 45%, 55%, 65%, 75%, ... mà không cần phải chào mua công khai theo quy định của Luật Chứng khoán 2019.
Đương nhiên, ông Long và người có liên quan vẫn có nghĩa vụ phải công bố thông tin trước và sau khi giao dịch.
Ông Long cho biết ông từng muốn mua thêm cổ phiếu HPG nhưng vì thủ tục chào mua công khai quá phức tạp nên sau đó lại thôi. Cũng theo vị chủ tịch này, hàng năm ông được nhận một số tiền cổ tức từ Hòa Phát và do vậy có nguồn vốn để mua cổ phiếu HPG.
Hồi giữa năm 2020, Hòa Phát trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 25%, trong đó có 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Ông Long khi đó đang nắm giữ 700 triệu cp HPG nên đã được nhận 350 tỷ đồng tiền mặt cùng 140 triệu cổ phiếu mới.
Cuối năm 2020, ông Long đã mua thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu HPG từ Phó Chủ tịch Doãn Gia Cường, giá trị ước tính theo thị giá khi đó là khoảng 800 tỷ đồng.
Khoảng tháng 3-4/2020, khi giá HPG có lúc giảm sâu xuống dưới 20.000 đồng/cp, con trai ông Long đã mua 40 triệu đơn vị hoàn toàn bằng phương thức khớp lệnh qua sàn.
Theo tạp chí Forbes, ông Long hiện có tài sản ròng 2,9 tỷ USD, là tỷ phú giàu thứ 1.444 thế giới và giàu thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Bước tiến về lợi nhuận, vốn hóa
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu HPG đã tăng 44%, kết phiên 5/5 ở 59.300 đồng/cp.
Giá trị thị trường của Hòa Phát hiện xấp xỉ 196.500 tỷ đồng, vượt lên trên Vinamilk (Mã: VNM) để giành vị trí thứ 4 trong danh sách vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Ba cái tên đứng trên là Vingroup (Mã: VIC), Vietcombank (Mã: VCB) và Vinhomes (Mã: VHM). Khoảng cách giữa vốn hóa của Hòa Phát với của Vinhomes lên tới 137.000 tỷ nên trong tương lai gần, Hòa Phát khó có thể giành được suất trong top 3 HOSE.
Ở phía sau Hòa Phát, ngoài Vinamilk còn có BIDV (Mã: BID), PV Gas (Mã: GAS), VietinBank (Mã: CTG), Techcombank (Mã: TCB), VPBank (Mã: VPB), ...
Quý I/2021, Hòa Phát ghi nhận lãi sau thuế cao đột biến hơn 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đứng thứ 4 về vốn hóa nhưng lại chính là quán quân lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán Việt Nam quý vừa qua khi vượt lên trên Vietcombank, VietinBank, Vinhomes, ...
Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của Hòa Phát là xu hướng tăng phi mã của giá thép, bao gồm cả thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, hay tôn mạ, ống thép, ...
Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng được hưởng lợi, thể hiện qua kết quả kinh doanh cao đột biến. CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) báo cáo lợi nhuận quý I cao gấp gần 8 lần cùng kỳ. Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) lần đầu tiên đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng trong một quý.