Hoa Sen, Nam Kim chi nghìn tỷ tích trữ hàng tồn kho khi giá thép tăng phi mã
Khan hiếm nguồn cung HRC
Thép cuộn cán nóng (HRC) là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tôn mạ và ống thép – hai loại sản phẩm chủ lực của Hoa Sen, Nam Kim. Nếu có thể dự đoán đúng xu hướng tăng giá nguyên vật liệu và có biện pháp rào chắn rủi ro kịp thời, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được chi phí sản xuất và có lợi thế trong cạnh tranh.
Cuối tháng 4 vừa qua, giá HRC tại Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây; giá HRC tại Mỹ cũng cao gấp ba lần cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam hiện nay có hai doanh nghiệp cung cấp HRC là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Formosa Hà Tĩnh nhưng nhìn chung không đáp ứng đủ nhu cầu, các doanh nghiệp hạ nguồn vẫn phải nhập khẩu HRC từ nước ngoài.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý I năm nay, Formosa tiêu thụ tổng cộng 1,18 triệu tấn HRC trong khi con số của Hòa Phát là 665.000 tấn. Lượng tiêu thụ của Hòa Phát bao gồm cả số bán ra ngoài lẫn số sử dụng nội bộ cho các nhà máy tôn mạ và ống thép của chính Hòa Phát.
Ban lãnh đạo Hòa Phát ước tính nhu cầu HRC của Việt Nam là khoảng 12 triệu tấn mỗi năm nhưng trong nước hiện chỉ đáp ứng được 8 triệu tấn. Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết mỗi tháng Hòa Phát làm ra khoảng 200.000 - 300.000 tấn HRC, nhưng nếu có làm được 1 triệu tấn thì cũng bán hết.
Hoa Sen, Nam Kim tích trữ nguyên vật liệu, phòng giá thép tăng tiếp
Các doanh nghiệp không tự chủ nguyên liệu, phải đi mua HRC để sản xuất tôn mạ và ống thép như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) hay Thép Nam Kim (Mã: NKG), … cần thận trọng đánh giá tình hình để đảm bảo được nguồn cung với giá hợp lý.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 (tức là quý II trong niên độ 2020-2021 của Hoa Sen) cho thấy tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đang có hơn 9.000 tỷ đồng hàng tồn kho tại ngày 31/3/2021, tăng 3.500 tỷ so với ngày đầu niên độ 1/10/2020.
Tuy nhiên, tồn kho thành phẩm chỉ tăng vỏn vẹn 357 tỷ, còn tồn kho nguyên vật liệu tăng tới hơn 2.500 tỷ. Có thể thấy Hoa Sen đã mạnh tay tích trữ HRC để đề phòng kịch bản giá trong tương lai tiếp tục lên cao.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Nam Kim. Tại ngày 31/3 vừa qua, tổng tồn kho của Nam Kim là 3.500 tỷ, tăng hơn 1.100 tỷ so với đầu năm. Tồn kho thành phẩm chỉ nhích thêm hơn 100 tỷ, còn nguyên vật liệu tăng thêm tới hơn 750 tỷ.
Theo một báo cáo mới đây của Chứng khoán HSC, giá đơn hàng HRC giao tháng 6 của Hòa Phát là 900 USD/tấn, cao hơn 50% so với tháng đầu năm.
Nâng cao biên lợi nhuận
Trong 6 tháng đầu niên độ này (từ 1/10/2020 đến 31/3/2021), Hoa Sen ghi nhận biên lãi gộp 17%, cải thiện so với mức 16,4% cùng kỳ niên độ trước mặc dù giá HRC tăng mạnh. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng 6 tháng lần lượt đạt 3.389 tỷ và 1.607 tỷ, tăng tương ứng 67% và 320% so với cùng kỳ.
Với Nam Kim, biên lãi gộp cũng cải thiện rõ rệt từ 8,6% của quý đầu năm ngoái lên 12,6% của quý I/2021. Lãi gộp và lãi ròng ghi nhận lần lượt 610 tỷ và 319 tỷ, tăng 188% và 668% so với cùng kỳ 2020.
Có thể nói các doanh nghiệp trên đã kiểm soát để phần tăng giá nguyên vật liệu không ăn vào lợi nhuận gộp. Giá thành tăng lên được chuyển vào giá bán cho khách hàng.
Chứng khoán HSC nhận định, có khả năng cả giá tôn, ống thép và giá thép cuộn cán nóng sẽ điều chỉnh mạnh trong năm 2021 do giá các sản phẩm này đều đang giao dịch ở mức cao kỷ lục.
Hoa Sen đang ký hợp đồng kỳ hạn với các đơn hàng xuất khẩu với giá bán một phần dựa trên giá nguyên liệu đầu vào tại thời điểm thỏa thuận. Do đó, các hợp đồng mua bán kỳ hạn sẽ giúp Hoa Sen ổn định tỷ suất lợi nhuận, HSC nhận định. Biên lãi gộp của Hoa Sen được dự báo sẽ tăng từ 16,8% trong niên độ trước lên 18,7% trong cả niên độ này.
Theo số liệu từ VSA, trong ba tháng đầu 2021, Hoa Sen và Nam Kim đã tiêu thụ lần lượt hơn 443.000 tấn và 194.500 tấn tôn mạ, đều cải thiện thị phần so với năm 2020.
Ở mảng ống thép, Hoa Sen và Nam Kim đã tiêu thụ tương ứng gần 119.000 và 46.000 tấn trong quý I, thị phần cũng đều tăng lên so với cả năm ngoái.