|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhìn lại lịch sử cổ tức của Hòa Phát: Thấp nhất 20%, kỷ lục 60%

12:19 | 08/05/2021
Chia sẻ
Từ khi lên sàn năm 2007 đến nay, Hòa Phát năm nào cũng trả cổ tức. Khi cần vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, tập đoàn sẽ chỉ trả bằng cổ phiếu, không có tiền mặt.
Nhìn lại lịch sử cổ tức của Hòa Phát: Thấp nhất 20%, kỷ lục 60% - Ảnh 1.

Hòa Phát sắp trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 40%. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Những năm đầu lên sàn

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát lần đầu lên sàn chứng khoán Việt Nam vào tháng 11/2007 với khối lượng 132 triệu đơn vị, giá tham chiếu 127.000 đồng/cp (chưa điều chỉnh).

Trong năm đầu ra mắt nhà đầu tư, Hòa Phát quyết định trả cổ tức 10% bằng tiền mặt và 40% bằng cổ phiếu, tổng cộng là 50%. Bước sang năm 2008, tập đoàn trả 30% hoàn toàn bằng tiền mặt, tức cổ đông nắm giữ một cổ phiếu sẽ được nhân 3.000 đồng.

2009 là năm kỷ lục về tỷ lệ tổng cổ tức của Hòa Phát khi tập đoàn này trả cho cổ đông 10% bằng tiền mặt (1.000 đ/cp) và 50% bằng cổ phiếu (có hai cổ phiếu HPG sẽ được nhận một cổ phiếu HPG mới). Tổng tỷ lệ là 60%.

Liên tiếp trong hai năm 2011 và 2012, Hòa Phát chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% vì đây là giai đoạn công ty tập trung vốn để thực hiện giai đoạn 2 Khu liên hợp gang thép Hải Dương.

Đến tháng 10/2013, dự án Hòa Phát Hải Dương hoàn thành và đi vào vận hành, tập đoàn nối lại việc trả cổ tức tiền mặt trong năm 2013 với tỷ lệ 15%, đồng thời trả bằng cổ phiếu 15% nữa.

Nhìn lại lịch sử cổ tức của Hòa Phát: Thấp nhất 20%, kỷ lục 60% - Ảnh 2.

Liên tiếp trong ba năm 2016, 2017 và 2018, Hòa Phát không trả cổ tức tiền mặt vì cần nguồn vốn để đầu tư cho Khu Liên hợp sản xuất gang thép ở Dung Quất, Quảng Ngãi. Công suất thiết kế của khu liên hợp này lên tới 5 triệu tấn thép/năm, gấp đôi nhà máy ở Hải Dương, vì vậy mà nhu cầu vốn cũng lớn hơn.

Hòa Phát trả tiền mặt trở lại

Năm 2019, hai lò cao đầu tiên của Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động, bắt đầu đóng góp vào doanh số của tập đoàn. Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 đã quyết định trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt 5% và bằng cổ phiếu 20%. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát trả cổ tức tiền mặt kể từ khi đầu tư vào Dung Quất.

Năm 2020, lò cao số 1 và 2 hoạt động ổn định, lò cao số 3 bắt đầu đi vào vận hành, tổng sản lượng thép toàn tập đoàn đạt 5,1 triệu tấn, tăng 42% so với con số 3,6 triệu tấn trong năm 2019.

Đầu tháng 1/2021, Hòa Phát vận hành lò cao cuối cùng tại Dung Quất, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC). Hiện nay các hạng mục chính của khu liên hợp này đã cơ bản hoàn thành, đạt công suất tối đa 5 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, tổng sản lượng thép của Hòa Phát năm 2021 là 8 triệu tấn, vượt qua Formosa Hà Tĩnh để đứng đầu cả nước.

Hội đồng quản trị đề xuất trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ tức. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông thường niên ngày 22/4/2021, một cổ đông cá nhân đã đề nghị nâng tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu lên 35%. Đề xuất này đã được đưa ra đại hội để biểu quyết và thông qua. Vì vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2020 được nâng lên thành 40%.

Dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng lên thành 44.730 tỷ đồng.

Nhìn lại lịch sử cổ tức của Hòa Phát: Thấp nhất 20%, kỷ lục 60% - Ảnh 4.

Giữ lại lợi nhuận để đầu tư cho Dung Quất

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết tỷ lệ cổ tức cho năm 2021 dự kiến sẽ duy trì ở mức 40%, cụ thể bao nhiêu % bằng tiền mặt và cổ phiếu sẽ tùy vào tình hình cụ thể.

Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng Hòa Phát đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 của Khu Liên hợp Dung Quất, công suất dự kiến 5,6 triệu tấn thép/năm. Tổng vốn đầu tư ước tính 85.000 tỷ đồng, trong đó có 70.000 tỷ đồng vốn cố định và 15.000 tỷ đồng vốn lưu động. 

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết tập đoàn sẽ không huy động vốn bằng cách phát hành cho cổ đông mà chỉ dùng lợi nhuận giữ lại và vay ngân hàng: "Tôi khẳng định Hòa Phát sẽ không phải phát hành thêm, cổ đông sẽ không phải bỏ thêm tiền […] Để ra được lượng tiền làm Dung Quất 2 mà không phải huy động thêm là nỗ lực rất lớn của chúng tôi."

Nhu cầu vốn cho lần xây dựng cơ bản này lớn hơn cả hai lần trước (ở Hải Dương và Dung Quất giai đoạn 1), vì vậy, nhiều khả năng Hòa Phát sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong một vài năm tới. Thay vào đó, tập đoàn có thể chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu như giai đoạn 2011 - 2012 và 2016 - 2018.

Song Ngọc