|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khuyến khích NĐT nhỏ lẻ: Nhiều nước giảm lô tối thiểu, thậm chí cho phép mua 0,1 cổ phiếu

00:50 | 03/03/2021
Chia sẻ
Lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đang xem xét phương án nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 hiện nay lên 1.000. Thực tế những năm qua, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã giảm lô tối thiểu để khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ, cải thiện quản trị rủi ro.
Khuyến khích NĐT nhỏ lẻ: Nhiều nước giảm lô tối thiểu, thậm chí cho phép mua 0,1 cổ phiếu - Ảnh 1.

Bảng giá thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh: Song Ngọc).

Nhật Bản: Giảm lô từ 1.000 xuống 100

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE), lô giao dịch tối thiểu đối với mỗi mã cổ phiếu trước đây do công ty phát hành quyết định. Hệ quả tất yếu là mỗi người một phách, mỗi mã cổ phiếu áp dụng một lô tối thiểu khác nhau, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Từ tháng 11/2007, TSE và các sàn chứng khoán khác của Nhật Bản đã thúc đẩy sáng kiến áp dụng chung một lô tối thiểu để nhà đầu tư tiện theo dõi.

Đến năm 2014, số loại lô tối thiểu trên thị trường Nhật Bản được rút gọn từ 8 xuống còn hai: Một số doanh nghiệp áp dụng lô 100 cổ phiếu và số khác áp dụng lô 1.000.

Bắt đầu từ ngày 1/10/2018, tất cả doanh nghiệp niêm yết trên sàn Tokyo chỉ áp dụng một loại lô duy nhất là 100 cổ phiếu.

Theo tờ Nikkei, việc Nhật Bản áp dụng lô 100 thay vì 1.000 đã giúp giảm chi phí giao dịch một số mã cổ phiếu còn 1/10 hay 1/5 mức trước đó, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường.

Singapore: Giảm lô từ 1.000 xuống 100

Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) bắt đầu giảm lô giao dịch tối thiểu từ 1.000 xuống 100 vào ngày 19/1/2015. Các nhà đầu tư cá nhân nhờ thế mà có thể mua được những cổ phiếu bluechip giá cao như DBS Group Holdings hay Jardine Matheson Holdings.

Khi áp dụng lô 1.000, nhà đầu tư phải bỏ ra tối thiểu 60.000 USD để trở thành cổ đông của Jardine Matheson. Sau khi giảm lô tối thiểu còn 100, số tiền đương nhiên cũng giảm còn khoảng 1/10. Nhà đầu tư do vậy có nhiều sự lựa chọn hơn, không nhất thiết phải đổ tiền vào các cổ phiếu penny đầy rủi ro.

Vào tháng 8/2014, tức là trước khi quy định lô 100 được áp dụng, ông Magnus Bocker – CEO của Sàn SGX phát biểu: "Việc giảm lô tối thiểu sẽ làm lợi cho tất cả nhà đầu tư, giúp việc đầu tư vào các bluechip và cổ phiếu có giá cao dễ dàng hơn. Hạ lô tối thiểu cũng cho phép nhà đầu tư tổ chức quản lý rủi ro tốt hơn nhờ phân bổ tài sản một cách chính xác hơn".

Khuyến khích NĐT nhỏ lẻ: Nhiều nước giảm lô tối thiểu, thậm chí cho phép mua 0,1 cổ phiếu - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC (thứ 5 từ phải sang), bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG (thứ 3 từ phải sang) đánh cồng mở màn phiên giao dịch đánh dấu 20 năm hoạt động Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore, 25/11/2019. (Ảnh: FLC).

Bản thân sàn chứng khoán cũng được hưởng lợi vì hoạt động giao dịch của nhà đầu tư cá nhân sôi động hơn. Trong báo cáo thường niên cho năm kết thúc vào 30/6/2015, SGX viết: "Tháng 1 năm nay, chúng tôi đã hạ lô cổ phiếu từ 1.000 xuống còn 100, cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận tốt hơn các cổ phiếu có giá cao. Trong 6 tháng sau khi giảm lô tối thiểu, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ trong các cổ phiếu thuộc chỉ số Straits Times (STI) tăng 9% so với 6 tháng trước đó".

Italy: Áp dụng lô một

Sàn Chứng khoán Italy (Borsa Italiana) hạ lô giao dịch tối thiểu xuống chỉ còn một đơn vị cổ phiếu vào năm 2002. Nghiên cứu của Trường Quản lý Bath, Trường Kinh doanh Warwick và Trường Đại học Bocconi cho thấy việc áp dụng lô một này giúp làm giảm chi phí giao dịch và tăng sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.

Một tháng sau khi hạ lô tối thiểu xuống còn một đơn vị, giao dịch cổ phiếu online bật tăng 16%. Giáo sư Pietro Perotti của Đại học Bath nhận xét: "Hạn chế giao dịch bằng cách áp dụng lô lớn có thể giúp hệ thống của sở vận hành dễ dàng hơn. Tuy nhiên, loại bỏ các hạn chế này sẽ giúp thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ".

Tiến sĩ Arie Gozluklu đến từ Trường Kinh doanh Warwick nói: "Bằng chứng từ thị trường chứng khoán Italy cho thấy các sàn giao dịch sẽ được lợi nếu loại bỏ các hạn chế đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ với nguồn vốn eo hẹp".

Mỹ: Cho phép mua một mảnh nhỏ của một cổ phiếu

Tại các thị trường phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ và Anh, đã từ rất lâu rồi nhà đầu tư đã có thể đặt lệnh mua bán chỉ một đơn vị cổ phiếu duy nhất, không bị bó buộc bởi lô 10, 100 hay 1.000.

Trong thực tế, các nhân viên môi giới thường khuyên nhà đầu tư nhỏ lẻ đặt các lệnh có giá trị tối thiểu 500 – 1.000 USD cho "bõ" tiền phí bỏ ra. Một số công ty môi giới áp mức phí cố định, ví dụ 8 USD/giao dịch, bất kể giá trị của giao dịch đó lớn hay nhỏ. Vì vậy, việc đặt lệnh mua bán với giá trị quá nhỏ tuy hoàn toàn có thể nhưng lại không khôn ngoan.

Những năm gần đây, các ứng dụng giao dịch trực tuyến miễn phí như Robinhood ngày càng phổ biến, vì thế mà các giao dịch mua một vài cổ phiếu nhỏ cũng xuất hiện nhiều hơn.

Với những mã cổ phiếu hiện có giá đơn vị lên tới vài nghìn USD như Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Bank of America, Wells Fargo, Shopify, … thì chỉ một cổ phiếu thôi cũng đã đáng giá cả một gia tài với nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Nhiều mã cổ phiếu có giá cao như Apple, Tesla, ... đã thực hiện chia tách để giảm giá mỗi cổ phiếu xuống. Nếu chưa bao giờ chia tách, Apple sẽ có giá 28.000 USD/cp chứ không phải 125 USD/cp như hiện nay.

Nhiều khi, nhà đầu tư còn được phép mua một phần nhỏ của một cổ phiếu.

Ví dụ: Một cổ đông nhỏ của công ty giả định có tên Green Tea nhận được 10 USD cổ tức bằng tiền trong tài khoản chứng khoán, giá cổ phiếu Green Tea đang là 100 USD/cp. Nhà đầu tư này có thể dùng luôn 10 USD cổ tức nói trên để mua 0,1 cổ phiếu Green Tea, gia tăng sở hữu của mình. 

Công ty chứng khoán không tính phí giao dịch theo cách này và có trách nhiệm tính toán đúng tỷ lệ nắm giữ của cổ đông mua các "cổ phiếu phân mảnh".

Việt Nam: Nâng lô từ 10 lên 100, xem xét nâng tiếp lên 1.000

Tháng 12/2020, thanh khoản tại Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) lên cao đột biến, liên tục trên 10.000 tỷ đồng/phiên. Hệ thống của HOSE thường xuyên xảy ra tình trạng đơ, nghẽn, nhà đầu tư chỉ mua bán được vào phiên sáng, còn phiên chiều thì đa phần ngồi chơi xơi nước.

Giải pháp tình thế mà HOSE đưa ra là nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu, bắt đầu từ ngày 4/1/2021. Tuy nhiên, tình trạng đơ lệnh vẫn xảy ra liên tục trong khi thanh khoản thị trường không đổi.

Mới đây, trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE cho biết cơ quan này đang tính đến phương án nâng tiếp lô tối thiểu từ 100 lên 1.000, hy vọng có thể giảm 40 - 50% tổng số lượng lệnh giao dịch.

Mặc dù mới chỉ là ý tưởng nhưng phát biểu của ông Trà đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà đầu tư. 

Lo ngại đầu tiên là những người có vốn nhỏ và vừa sẽ gặp hạn chế rất lớn khi lựa chọn cổ phiếu, không thể mua các mã bluechip giá cao như MWG, VJC, VNM, SAB, VCB, ... 

Mỗi cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động) hiện có giá khoảng 135.000 đồng/cp, mua 1.000 cổ phiếu sẽ tốn 135 triệu đồng (chưa kể phí). 

Giả sử có đủ hơn trăm triệu đồng để mua MWG, VJC, ... thì cũng chưa chắc còn đủ tiền mua các mã khác để đa dạng hóa danh mục. Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải mua các mã cổ phiếu penny nhiều rủi ro.

Một băn khoăn khác là làm gì với các cổ phiếu lẻ vì chia cổ tức hoặc không có điều kiện nâng lên thành lô chẵn. Nếu đang nắm giữ 900 cổ phiếu VNM (Vinamilk) và không có tiền mua thêm 100 cp nữa, vậy nhà đầu tư sẽ phải bán hết 900 cổ phiếu này trước khi quy định lô 1.000 có hiệu lực? Hay là đợi đến đợt công ty chứng khoán mua cổ phiếu lô lẻ với giá sàn?

Theo thị giá hiện nay, 900 cổ phiếu VNM có tổng trị giá 93 triệu đồng, cao hơn GDP bình quân đầu người một năm của Việt Nam.

Song Ngọc - Đức Quyền