Ông Lê Hải Trà: 'Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường'
Sẽ nâng lô từ 100 lên 1.000 trên HOSE để chống nghẽn lệnh?
Câu chuyện "nghẽn lệnh, đơ hệ thống" của HOSE là tâm điểm của giới đầu tư chứng khoán Việt Nam trong nhiều tháng gần đây. Việc quá tải giao dịch mỗi khi giá trị khớp lệnh vượt 15.000 tỷ đồng đã tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư.
Để giải quyết tức thời việc quá tài hệ thống, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã nâng lô từ 10 cổ phần lên 100 cổ phần. Thời điểm đó, ông Lê Hải Trà, người phụ trách Hội đồng quản trị HOSE cho biết việc nâng lô từ 10 lên 100 đơn vị sẽ giảm khoảng 18% số lượng đặt lệnh trên thị trường. Mặc dù việc được áp dụng ngay từ phiên giao dịch đầu năm (4/1), tình trạng quá tải trên hệ thống tiếp tục diễn ra.
Trong bài phỏng vấn mới đây của Thời báo Tài chính, ông Lê Hải Trà - nay giữ vai trò mới là Tổng Giám đốc HOSE tiếp tục có những chia sẻ liên quan đến việc quá tải hệ thống của HOSE, trong đó có ý kiến liên quan đến khả năng nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu tại HOSE lên 1.000 cổ phiếu.
"Theo tính toán của HOSE, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp", ông Lê Hải Trà cho biết.
Cũng theo Tổng Giám đốc của HOSE, việc nâng lô lên 1.000 cổ phần sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.
"HOSE và cơ quan quản lý cũng đã tính tới việc, nếu áp dụng biện pháp nâng lô giao dịch sẽ cần phải giải quyết vấn đề giao dịch cổ phiếu lô lẻ cho nhà đầu tư. Hiện tại, hệ thống của HOSE không có bảng giao dịch lô lẻ. Cổ phiếu được CTCK tổ chức mua lại của khách hàng thường theo giá sàn cộng thêm phí.
Giao dịch lô lẻ cũng có thể tạo áp lực đối với CTCK khi thị trường trầm lắng, chưa kể thời gian hoàn tất giao dịch kéo dài do phải đảm bảo yếu tố pháp lý, đặc biệt là CTCK nước ngoài. Thay vì xây dựng một bảng giao dịch lô lẻ trên hệ thống giao dịch có thể gây mất ổn định và thời gian, bài toán này có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng những qui định đối với CTCK để việc mua lại/bán làm tròn lô của nhà đầu tư sát với giá thị trường hơn, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nhỏ lẻ.", ông Trà cho biết thêm.
Lo ngại của nhà đầu tư cá nhân
Đón nhận thông tin trên, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại nếu như việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 đơn vị chính thức được áp dụng.
"Nếu như nâng lô từ 100 lên 1.000 cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ khó để có thể giao dịch. Với tài khoản đầu tư chứng khoán chỉ vài chục triệu đồng sẽ khó có thể mua các bluechip có chất lượng tốt trên sàn như VNM, MWG, VIC, VJC, VCB...", một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.
Theo thống kê của người viết, tại thời điểm cuối tháng 2, thị giá bình quân của cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE là 29.130 đồng/cp. Trong đó, có 11 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp. Nếu như việc nâng lô chẵn lên 1.000 cổ phần được áp dụng, đồng nghĩa với việc các tài khoản của nhà đầu tư sẽ phải có trên 100 triệu đồng để có thể giao dịch.
Ở vùng giá thấp hơn, với các cổ phiếu có giá trên 40.000 đồng/cp, trên sàn HOSE cũng có đến 90 mã. Trong vùng giá 10.000 - 20.000 đồng/cp có 126 cổ phiếu.