|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những ‘cổ phiếu quốc dân’ theo năm tháng: Một thời FLC, ROS; nay là HPG, STB

07:32 | 23/05/2021
Chia sẻ
Khẩu vị của nhà đầu tư Việt Nam trong những năm qua đã thay đổi rõ rệt, chuyển từ các cổ phiếu xây dựng - bất động sản như FLC, ROS, HQC, ITA, ... sang nhóm ngân hàng STB, MBB, TCB, CTG, hay nhóm thép HPG, HSG và họ Vingroup gồm VIC, VRE, VHM.

Khối lượng: FLC giữ ngôi đầu 4 năm liền, HPG dần thăng hạng

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), cổ phiếu Tập đoàn FLC đã 7 năm liền có mặt trong top 10 mã có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn, từ 2014 đến 2020. Trong đó, FLC nắm chắc ngôi quán quân từ 2014 đến 2017, sau đó tụt dần xuống vị trí thứ 2, rồi thứ 4 trong mấy năm gần đây.

Năm ít nhất là 2019 cũng có tới hơn 1,7 tỷ cổ phiếu FLC được sang tay. Vào năm nhiều nhất là 2017 thì khối lượng giao dịch của riêng mã này lên tới 4,1 tỷ đơn vị.

Vốn điều lệ của FLC không quá lớn so với các cổ phiếu khác, hiện nay khoảng 7.100 tỷ đồng tương đương với 710 triệu cổ phiếu lưu hành. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi trên thị trường là khá cao, ít cổ đông nội bộ và cổ đông lớn.

Những ‘cổ phiếu quốc dân’ theo năm tháng: Một thời FLC, ROS; nay là STB, HPG - Ảnh 1.

Những cổ phiếu thường xuyên nằm trong top thanh khoản HOSE: FLC, ITA, HQC, HAG, MBB, STB, HPG.

Năm 2019 khi FLC đứng ở vị trí thứ hai, cổ phiếu ROS của người anh em là Công ty Xây dựng FLC Faros đã giành ngôi đầu với khối lượng giao dịch xấp xỉ 4 tỷ đơn vị, tương đương 9,9% tổng thanh khoản toàn thị trường. Năm 2020, ROS tiếp tục đứng trên FLC.

Trong suốt năm 2019 và ba tháng đầu năm 2020, Tập đoàn FLC và Xây dựng FLC Faros có chung Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất là ông Trịnh Văn Quyết. Từ tháng 4/2020, ông Quyết đã thoái vốn khỏi FLC Faros và không còn là chủ tịch của công ty xây dựng này.

2019 và 2020 cũng là giai đoạn mà cổ phiếu ROS không còn giữ được mức giá đỉnh cao trên 200.000 đồng/cp của năm 2017 mà đã tụt xuống dưới 20.000 rồi dưới 10.000 đồng/cp. Khi giá giảm giảm xuống, khối lượng mua bán thường tăng lên.

Trong top 10 khối lượng giao dịch trên HOSE qua các năm còn có nhiều cổ phiếu khác với thị giá dưới 10.000 đồng/cp như ITA, HQC, OGC, DLG, ....

HPG lên ngôi

Một xu thế đáng chú ý trong những năm gần đây là sự trỗi dậy của cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG). Từ vị trí số 7 năm 2017, HPG đã dần leo lên số 6, số 3 và gần đây nhất là ngôi quán quân 2020 về khối lượng mua bán. Trong năm ngoái đã có 3,42 tỷ cổ phiếu HPG được giao dịch, chiếm 4,06% toàn thị trường.

Nhóm ngân hàng thể hiện mình

Bám sát ở vị trí số 2 trong năm 2020 là STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) với khối lượng giao dịch chỉ kém HPG vỏn vẹn 1 triệu đơn vị, chiếm 4,05% toàn thị trường.

Các ngân hàng ngày càng hiện diện đông đảo trong top 10 thanh khoản. Nếu các năm từ 2014 đến 2017 chỉ có không quá một cổ phiếu ngân hàng thì đến 2018 đã có ba đại diện là STB, MBB (Ngân hàng Quân đội) và VPB (VPBank). 

Đến 2019 có 5 cái tên là MBB, STB, CTG (VietinBank), TCB (Techcombank) và EIB (Eximbank). Năm 2020 cũng có 4 cổ phiếu ngân hàng trong top 10 là STB, TCB, MBB và CTG.

Những ‘cổ phiếu quốc dân’ theo năm tháng: Một thời FLC, ROS; nay là STB, HPG - Ảnh 2.

Cổ phiếu các ngân hàng như VietinBank, Techcombank, Sacombank, ... ngày càng được nhà đầu tư ưa chuộng. (Ảnh minh họa: Đức Quyền).

Có thể thấy, các cổ phiếu nhóm ngân hàng và thép, với vốn hóa lớn tới hàng trăm nghìn tỷ đồng và giá mỗi đơn vị tương đối cao đang dần thay thế cổ phiếu penny, midcap với giá thấp trong top khối lượng giao dịch của HOSE, thể hiện sự thay đổi trong khẩu vị của nhà đầu tư.

Tổng cộng 10 mã top đầu chiếm 31% khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn HOSE năm 2020.

Giá trị: Ngân hàng và họ Vingroup dần chiếm ưu thế

Hàng tiêu dùng thiết yếu: Không thể thiếu VNM và MSN

Hai cổ phiếu trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu là VNM của Vinamilk và MSN của Tập đoàn Masan đã liên tục góp mặt trong top 10 giá trị giao dịch lớn nhất HOSE từ 2014 đến 2020.

VNM từng giành ngôi đầu vào năm 2016, trong khi thành tích cao nhất của MSN là top 4 vào năm 2018.

Những ‘cổ phiếu quốc dân’ theo năm tháng: Một thời FLC, ROS; nay là STB, HPG - Ảnh 3.

HPG, VHM chia nhau vị trí số 1 và 2

Năm 2020, HPG không chỉ dẫn đầu về khối lượng mà còn là quán quân về giá trị giao dịch với quy mô mua bán lên tới gần 97.000 tỷ đồng, cao hơn 43% so với á quân là cổ phiếu VHM của Vinhomes.

Năm 2018, HPG từng đứng số 1 với giá trị giao dịch hơn 67.000 tỷ. Trong 7 năm gần đây, HPG có 6 năm góp mặt trong top 10.

Ngân hàng thêm đông đảo

Năm 2014, trong top 10 giá trị giao dịch không có cổ phiếu ngân hàng nào. Năm 2015 có hai cái tên là BID (BIDV) và MBB. 

Tới năm 2020, nhóm ngân hàng đã có 5 đại diện trong top 10 là TCB, CTG, STB VPB và MBB. Ngoại trừ VPB, 4 cái tên còn lại cũng xuất hiện trong top 10 khối lượng giao dịch cùng năm.

FLC và ROS không còn trong top đầu

Ngày 1/9/2016, FLC Faros đưa 430 triệu cổ phiếu ROS lên niêm yết tại HOSE. Tuy chỉ giao dịch trong 4 tháng cuối năm nhưng ROS vẫn lập kỳ tích lọt vào top 10 giá trị mua bán toàn sàn.

Sang năm 2017 khi được tính đủ ngày đủ tháng, ROS dễ dàng vươn lên giữ ngôi đầu với giá trị giao dịch đạt gần 103.000 tỷ đồng, cao hơn 57% so với cái tên số 2 là VNM và chiếm 10% tổng thanh khoản HOSE. 2017 cũng là năm mà giá của ROS lên đỉnh 214.000 đồng/cp (giá trước điều chỉnh).

Năm 2018, cổ phiếu ROS xuống dốc, giá trị giao dịch không còn được như xưa và ra khỏi top 10. 

Năm 2019, ROS bất ngờ giành lại ngôi quán quân khi thanh khoản tăng vọt. Đây cũng là năm mà Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bán 70 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu tại FLC Faros từ 67,34% xuống còn 55,01%. Năm 2020, ROS một lần nữa vắng bóng trong top 10 giá trị giao dịch.

Những ‘cổ phiếu quốc dân’ theo năm tháng: Một thời FLC, ROS; nay là HPG, STB - Ảnh 4.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: Đức Quyền).

Cổ phiếu của Tập đoàn FLC từng hai lần đứng đầu bảng xếp hạng trong năm 2014 và 2015 nhưng rồi tụt xuống vị trí 7 và thứ 5 trong các năm 2016, 2017. Từ 2018 đến 2020, FLC không còn góp mặt trong top 10.

Sự xuất hiện của họ Vingroup

Tháng 5/2018, Vinhomes - công ty con của Tập đoàn Vingroup - đưa 2,68 tỷ cổ phiếu VHM lên sàn HOSE niêm yết, đồng thời huy động 1,4 tỷ USD. Đây là thương vụ IPO lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam cho đến nay.

Ngay trong năm đầu lên sàn, VHM đã đứng thứ 7 về giá trị mua bán dù chỉ giao dịch trong gần 7 tháng. Cổ phiếu công ty mẹ VIC xếp thứ 2, chỉ sau HPG. 

Sang năm 2019, VIC đứng thứ 6 còn VHM vươn lên số 2. Một cổ phiếu họ Vingroup khác là VRE của Vincom Retail cũng góp mặt trong top 10. 

Năm 2020, VHM tiếp tục giữ ngôi á quân. VRE và VIC rời khỏi top 10 khi nhiều mảng hoạt động bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Trong top 10 giá trị giao dịch năm 2020 có hai mã cổ phiếu thép (HPG và HSG), hai mã thực phẩm, hàng tiêu dùng (VNM, MSN), một mã bất động sản (VHM) và 5 mã ngân hàng (TCB, CTG, STB, VPB, MBB). Tổng cộng 10 mã này chiếm 32,44% tổng giá trị giao dịch cổ phiếu toàn HOSE.

Song Ngọc