|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những đợt cổ tức khủng nhất năm: Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát sẽ phát hành mới hàng tỷ cổ phiếu

12:21 | 23/05/2021
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức trong năm nay như Hòa Phát, Vietcombank, VietinBank, tức là vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng. Vingroup và Vinhomes cũng có kế hoạch cổ tức khủng.

Năm 2020 đầy rẫy những khó khăn vì đại dịch nhưng một số doanh nghiệp vẫn vươn lên ghi nhận lợi nhuận siêu to khổng lồ. Năm 2021 chính là thời gian để phân chia cho cổ đông số lãi của 2020 cũng như nguồn tích lũy từ các năm trước đó.

Một số doanh nghiệp chọn trả cổ tức bằng tiền mặt, một số chọn trả bằng cổ phiếu, hoặc hỗn hợp cả hai loại.

Các ngân hàng ồ ạt tăng vốn: VietinBank, Vietcombank, MB, SHB, ...

Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 27,6%. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành mới là hơn 1,02 tỷ đơn vị, tức là vốn điều lệ sẽ tăng thêm khoảng 10.200 tỷ đồng lên 47.300 tỷ.

Trong quá khứ, Vietcombank từng phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác ngoại, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu nhưng chưa từng trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, đại hội cổ đông vừa qua cũng phê duyệt phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ sau chia cổ tức (tức là 8,29% vốn hiện nay, khi chưa trả cổ tức). Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể gồm cổ đông hiện hữu. Tổng khối lượng chào bán là 307,6 triệu cổ phiếu, tức là vốn điều lệ sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng.

Ngày chốt quyền và ngày thực hiện trả cổ tức hiện chưa được công bố.

Những đợt cổ tức khủng nhất năm: Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát sẽ phát hành mới hàng tỷ cổ phiếu - Ảnh 1.

Logo quảng cáo của Vietcombank ở trước Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. (Ảnh: Đức Quyền).

Một nhà băng lớn khác là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) đã lập hai phương án cổ tức khủng.

Theo phương án 1, VietinBank sẽ trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 29,07%, tức là cần phát hành hơn 1,08 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ sau chia sẽ tăng hơn lên trên 48.000 tỷ.

Sau đó, VietinBank sẽ tiếp tục trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,65% tính theo vốn điều lệ mới, tức là nhà băng này sẽ cần chi 2.400 tỷ đồng tiền mặt và phát hành mới 608 triệu cổ phiếu CTG.

Cổ đông Nhà nước đang sở hữu hơn 64% vốn của VietinBank nên sẽ được nhận phần lớn số cổ phiếu và tiền mặt trong đợt cổ tức tới.

Với phương án 1 này, VietinBank sẽ phát hành tổng cộng 1,69 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 16.900 tỷ đồng.

Ở phương án 2, VietinBank sẽ trả cổ tức năm 2020 khi vẫn chưa hoàn thành việc trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 bằng cổ phiếu. Con số cụ thể là 5% bằng tiền mặt và 17,78% bằng cổ phiếu tính theo vốn điều lệ hiện nay là 37.234 tỷ đồng, tức là VietinBank sẽ phát hành thêm gần 662 triệu cổ phiếu CTG và chi 1.862 tỷ đồng tiền mặt.

Năm 2020, Vietcombank báo lãi trước thuế hơn 23.000 tỷ, tương đương với năm trước. VietinBank lãi trên 17.000 tỷ, tăng trưởng 49%. Đây cũng là hai cái tên dẫn đầu bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng năm vừa qua.

Đứng ở vị trí số 3 là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) với số lãi trước thuế 15.800 tỷ. Năm 2021, Techcombank không có ý định trả cổ tức hay phát hành cho cổ đông chiến lược.

Những đợt cổ tức khủng nhất năm: Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát sẽ phát hành mới hàng tỷ cổ phiếu - Ảnh 3.

Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng trong năm 2021. (Nguồn: SSI).

Một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ như: Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã: MBB) dự kiến trả cổ tức 35%, tức phát hành thêm gần 980 triệu cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Quốc tế (Mã: VIB) định trả cổ tức 40%, tức phát hành thêm gần 444 triệu cổ phiếu.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB) đã hoàn tất phát hành 175 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 10%, nâng vốn điều lệ lên 19.260 tỷ đồng. Sắp tới, SHB sẽ tiếp tục trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu.

Hòa Phát chia quà sau năm lãi lớn

Năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát báo lãi sau thuế 13.506 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch và tăng 78% so với thực hiện năm trước.

Đại hội cổ đông thường niên ngày 22/4 vừa qua đã phê duyệt kế hoạch cổ tức 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu. Ngày chốt quyền là 1/6 tới đây.

Với hơn 3,31 tỷ cổ phiếu HPG đang lưu hành, Hòa Phát sẽ cần chi 1.657 tỷ đồng và phát hành mới 1,16 tỷ cổ phiếu để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông. Cổ tức tiền mặt sẽ được thanh toán vào ngày 11/6. Cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được phát hành vào tháng 5-7/2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Gia đình Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đang nắm giữ gần 35% vốn điều lệ của Hòa Phát nên sẽ được nhận khoảng 580 tỷ đồng và 406 triệu cổ phiếu mới.

Xét theo tỷ lệ phần trăm, 2020 là năm có tỷ lệ cổ tức cao thứ 3 của Hòa Phát, sau mức 60% của năm 2009 và 50% của năm 2007 và 2016. 

Tính theo giá trị tiền mặt và số cổ phiếu phát hành, đây là đợt cổ tức lớn nhất lịch sử doanh nghiệp đầu ngành thép này.

Những đợt cổ tức khủng nhất năm: Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát sẽ phát hành mới hàng tỷ cổ phiếu - Ảnh 4.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết Hòa Phát sẽ phấn đấu duy trì cổ tức 40% cho năm 2021, tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu cụ thể sẽ được quyết định sau.

Họ Vingroup trả cổ tức khủng

Cả Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và công ty con là Vinhomes đều đã thông báo kế hoạch chia cổ tức năm 2020.

Theo đó, Vingroup sẽ trả bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,5%, tức là cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận thêm 125 cổ phiếu VIC mới. 

Hiện nay, số cổ phiếu VIC có quyền biểu quyết là hơn 3,38 tỷ đơn vị, tức là Vingroup sẽ cần phát hành thêm gần 423 triệu cổ phiếu VIC. Ngoài ra, tập đoàn này còn hơn 62,3 triệu cổ phiếu ưu đãi không có quyền nhận cổ tức. Vốn điều lệ sau khi phát hành dự kiến là 38.676 tỷ đồng.

Vinhomes thì dự định chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 45% vốn điều lệ, trong đó trả bằng cổ phiếu 30% và bằng tiền mặt 15%.

Hiện nay, số cổ phần VHM đang lưu hành là xấp xỉ 3,29 tỷ đơn vị (không kể cổ phiếu quỹ). Vì vậy, Vinhomes sẽ cần phát hành mới xấp xỉ 987 triệu cổ phiếu và chi hơn 4.900 tỷ đồng để hoàn tất đợt cổ tức sắp tới. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ tăng từ 32.895 tỷ lên 42.764 tỷ đồng.

Không chỉ phương án cổ tức mà cả kế hoạch kinh doanh của Vinhomes cũng lớn hơn nhiều so với công ty mẹ Vingroup.

Năm 2021, Vinhomes dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm ngoái và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, Vingroup dự kiến lãi 4.500 tỷ, bằng khoảng 1/8 Vinhomes.

Những đợt cổ tức khủng nhất năm: Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát sẽ phát hành mới hàng tỷ cổ phiếu - Ảnh 5.

Nhiều công ty bất động sản có kế hoạch tăng vốn khủng trong năm 2021. (Nguồn: SSI).

Ngoài Vinhomes và Vingroup, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2021 thông qua phát hành mới và trả cổ tức, cụ thể như Novaland (Mã: NVL), Nam Long (Mã: NLG), Năm Bảy Bảy (Mã: NBB), ...

Chứng khoán SSI cho rằng tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể nên việc tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu của hai ngành ngân hàng và bất động sản từ nay cho đến cuối năm 2021.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán như Bản Việt (VCSC) hay VNDirect dự định tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, SSI và HSC cũng muốn tăng vốn thêm hàng nghìn tỷ đồng. 

Đức Quyền - Song Ngọc