Sản lượng sữa Việt Nam tăng gần gấp ba lần sau 7 năm
Tiềm năng lớn cho ngành sữa Việt Nam
Tại Diễn đàn Tầm nhìn và Đối thoại Hợp tác công tư (PPP) ngành hàng Chăn nuôi: "Thách thức và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết chăn nuôi bò sữa đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Diễn đàn Tầm nhìn và Đối thoại Hợp tác công tư (PPP) ngành hàng Chăn nuôi: "Thách thức và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa". Ảnh: ĐQ
Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỉ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa.
Tỉ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi, sản lượng sữa giai đoạn 2011 - 2018 tăng gấp gần ba lần lên hơn 930.000 tấn.
Năm | Sản lượng sữa (tấn) | Tốc độ tăng trưởng (%) |
2011 | 345.444 | 12,65 |
2012 | 381.741 | 10,51 |
2013 | 456.392 | 19,56 |
2014 | 549.533 | 20,41 |
2015 | 723.153 | 31,59 |
2016 | 795.144 | 9,96 |
2017 | 881.261 | 10,83 |
2018 | 936.003 | 6,21 |
Tiêu dùng sữa ở thị trường nội địa cũng tăng từ 18 lit/người/năm (năm 2013) lên 27,5 lít/người mỗi năm.
Theo ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, 8 tháng đầu năm nay, sản lượng sữa sản xuất trong nước tiếp tục tăng trưởng, trong đó sản phẩm sữa tăng trưởng tốt hơn sản phẩm sữa bột.
Chỉ số sản xuất của ngành chế biến sữa và các sản phẩm sữa tăng 8 tháng đầu năm từ 7,2% so với cùng kì năm 2018.
Ông Duy đánh giá cao tiềm năng sữa Việt Nam tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ hai thế giới, đứng sau Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa.
Dự báo năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 39,43 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750 nghìn tấn và khoảng 650 nghìn tấn sữa bột. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi đối với các doanh nghiệp ngành sữa đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo dự báo của Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO), nhu cầu nhập khẩu sữa của nước này sẽ còn tăng mạnh và sữa nhập khẩu có thể chiếm tới 45% tổng nhu cầu sữa của Trung Quốc vào năm 2025.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định ngành chăn nuôi, đặc biệt là ngành sữa có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển do nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng.
Áp lực hội nhập
Bên cạnh cơ hội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra một số thách thức mà ngành sữa phải đối mặt.
Cả nước hiện có 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt tiêu thụ trong nước, tuy nhiên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng thịt, sữa và sản phẩm sữa khá cao để phục vụ tiêu dùng trong nước.
Năng suất chăn nuôi trong nước có xu hướng giảm, giá thành vẫn cao. Chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỉ lệ cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cũng gây áp lực lớn đối với ngành sữa Việt Nam.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện trưởng Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn, hầu hết nước trong nhóm CPTPP hay EU đều là những cường quốc sản xuất sữa, trong đó có New Zealand, Australia. Nếu Việt Nam tham gia mở cửa nhanh như thế thì áp lực cạnh tranh rất lớn.