|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khơi thông 'dòng sông sữa'

10:03 | 03/09/2019
Chia sẻ
Việt Nam không phải quốc gia có nhiều lợi thế về chăn nuôi bò sữa. Nhưng sản phẩm sữa chế biến của nước ta vẫn xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ và Nhật Bản.

Với thị trường Trung Quốc, liệu rằng các doanh nghiệp Việt có chinh phục thành công?

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã chia sẻ với Báo NNVN vấn đề này.

Khơi thông 'dòng sông sữa' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi. Ảnh: Minh Phúc.

Thưa ông, theo Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nước bạn chỉ nhập khẩu chính ngạch sữa tươi có nguồn gốc từ Việt Nam. Vậy năng lực của ngành chăn nuôi trong nước có thể đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu hay không?

Trước hết, phải khẳng định rằng ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt. Theo mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 10 ngày 16/1/2008, sản lượng sữa sẽ đạt 1 triệu tấn vào năm 2020.

Nhưng đến nay, quy mô tổng đàn bò sữa của chúng ta là trên 300.000 con, sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn. 

Năng suất sữa bình quân toàn đàn đạt khoảng 5.300 tấn/chu kỳ, cao nhất trong các nước Asean và ngang tầm với nhiều nước phát triển ở châu Á. Đặc biệt, tại các trang trại bò sữa của Mộc Châu, TH True Milk, Vinamilk… năng suất sữa đạt tới 7.000 đến 9.000 tấn sữa/chu kỳ với một con bò sữa.

Trước đây, chăn nuôi bò sữa chủ yếu tập trung ở Lâm Đồng, huyện Mộc Châu (Sơn La) và một số huyện ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, những quần thể đàn bò sữa rất lớn đã được hình thành ở các vùng đất có điều kiện khắc nghiệt như Nghĩa Đàn (Nghệ An), Thanh Hóa. Và hầu hết các tỉnh thành đều có xu hướng đẩy mạnh phát triển đàn bò như Tuyên Quang, Hà Nam, Gia Lai, Bình Định, Tây Ninh…

Từ hình thức chăn nuôi chủ yếu trong các nông trường, đến nay, các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa phát triển rất mạnh. Cùng với đó là sự xuất hiện của các trang trại bò sữa hạt nhân của doanh nghiệp lớn. Như vậy, chúng ta đã phát triển đầy đủ các loại hình chăn nuôi bò sữa.

Khơi thông 'dòng sông sữa' - Ảnh 2.

Khu nuôi bò sữa tại Công ty CP Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình Ảnh: Minh Phúc.

Việt Nam không có lợi thế về những đồng cỏ rộng lớn, khí hậu lại rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông. Vậy khi chúng ta tăng nhanh quy mô đàn bò sữa, thì giải bài toán nguyên liệu thức ăn như thế nào?

Các cơ sở chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam đều đang áp dụng những công nghệ rất hiện đại, từ công nghệ chọn giống, công nghệ dinh dưỡng đến công nghệ chuồng trại. Chúng ta không chỉ phụ thuộc vào đồng cỏ xanh mà đã chế biến thức ăn hỗn hợp chăn nuôi bò sữa bằng công nghệ TMR. 

Phương pháp này tạo ra một khẩu phần ăn đồng nhất và cân bằng về dưỡng chất, giúp nâng cao khả năng hấp thụ dinh dưỡng và chất lượng sữa.

Đối với công nghệ chuồng trại, chúng ta cũng ứng dụng các thiết bị vừa làm mát mùa hè, vừa làm ấm mùa đông; công nghệ đệm lót sinh học, qua đó tránh tình trạng viêm móng bò sữa. Khâu vắt sữa đã ứng dụng gần như 100% máy móc. Kể cả hộ nuôi 5 - 10 con cũng dùng máy vắt sữa mini để đảm kiểm soát chất lượng sữa nguyên liệu.

Tất cả những yếu tố trên đã tạo đà quan trọng tạo ra cú nhảy vọt cho ngành chăn nuôi bò sữa cả về quy mô lẫn năng suất, chất lượng. Trong một thập kỷ qua, chúng ta nâng sản lượng sữa từ 51.000 tấn lên 1 triệu tấn (tăng 18,6 lần).

Điểm bất lợi của Việt Nam là giá thành sản xuất sữa tươi nguyên liệu cao. Vậy, làm sao có thể cạnh tranh được tại thị trường Trung Quốc - nơi hàng trăm doanh nghiệp trên thế giới đã chiếm lĩnh từ trước?

Chúng ta không có lợi thế về nguồn nguyên liệu sữa tươi giá rẻ, nhưng chúng ta có lợi thế về công nghiệp chế biến. Có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu Asean về công nghệ chế biến sữa.

Vì phần lớn các nhà máy chế biến sữa của nước ta đều mới được đầu tư trong 5 - 7 năm gần đây, với suất đầu tư rất lớn. Gần như toàn bộ đều được nhập khẩu từ những nước có ngành công nghiệp chế biến sữa tốt nhất thế giới như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ.

Ví dụ như Mộc Châu Milk, họ đầu tư hàng chục triệu USD cho công nghệ chế biến sữa, từ nhập khẩu các tanh để thu mua sữa nguyên liệu; thiết bị kiểm soát chất lượng sữa nguyên liệu, đánh giá các chỉ tiêu về thủy phần, các tế bào vi sinh, tỷ lệ mỡ sữa, protein trong sữa…, qua đó phân loại để định giá sản phẩm trong khung giá từ 12.500 - 14.000 đồng/lít.

Khơi thông 'dòng sông sữa' - Ảnh 3.

Đàn bò sữa được chăm sóc tại trang trại của Mộc Châu Milk (Sơn La).

Tất cả hộ dân nằm trong chuỗi giá trị đều phải phấn đấu thực hành quy trình chăn nuôi tốt, đạt được chất lượng sữa loại 1.

Do đó, tỷ lệ thu mua được sữa loại 1 rất cao (trên 80%). Theo tôi, cái hay lớn của ngành sữa là hình thành được chuỗi liên kết khép kín, đứng đầu là các doanh nghiệp chế biến sữa. Họ thu mua sữa của nông dân, cung ứng con giống tốt, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc.

Vậy đâu là đặc trưng để tạo nên thương hiệu của sữa Việt Nam trên trường quốc tế?

Chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng, các sản phẩm sữa chế biến của nước ta rất đa dạng. Mỗi doanh nghiệp có tới hàng chục loại khác nhau, từ sữa cô đặc, sữa bột, sữa tiệt trùng, phomai, sữa chua… 

Đặc biệt, nền nông nghiệp nhiệt đới mang đến cho chúng ta những đặc sản với hương vị rất đặc trưng. Đây là nguyên liệu phụ trợ tuyệt vời cho ngành chế biến sữa. Ví dụ, khi đưa hương vị sầu riêng, cà phê, nha đam, mít, mắc ca, óc chó, xoài… trong các sản phẩm sữa chua, nếu ai ăn quen sẽ bị “nghiện”.

Nhờ có hương vị đặc trưng và đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao, sản phẩm sữa của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có những thị trường rất khó tính như Mỹ, Nhật Bản.

Vậy ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu sữa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc?

Chúng ta biết rằng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. Quốc gia này có 1,4 tỷ dân nhưng lượng sữa bình quân đầu người cực thấp (khoảng 3 lít/năm). Trong khi đó, tại các nước châu Á phát triển, lượng sữa bình quân đầu người là 70 lít/năm; các nước châu Âu bình quân khoảng 120 lít/người/năm.

Khơi thông 'dòng sông sữa' - Ảnh 4.

Đàn bò A2 đang được chăm sóc tại Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa.

Như vậy, thị trường Trung Quốc vừa đông dân vừa có trình độ sản xuất sữa thấp. Nhu cầu của họ đang rất lớn. Đặc biệt, người Trung Quốc rất thích sử dụng sữa của Việt Nam vì hợp khẩu vị. Bằng chứng là khi sang Việt Nam, khách du lịch Trung Quốc mua rất nhiều sản phẩm từ sữa để làm quà cho người thân.

Xin cảm ơn ông!

"Dự kiến vào tháng 10 tới đây, lô sữa đầu tiên của Việt Nam sẽ được thông quan chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trước mắt, chúng ta lựa chọn 5 doanh nghiệp để "khơi thông dòng sông sữa" của Việt Nam qua biên giới phía Bắc.

Đây là những doanh nghiệp chế biến sữa rất lớn, đã xây dựng chuỗi khép kín từ trang trại đến chế biến sản phẩm như Vinamilk, TH Group, Nutifood, Mộc Châu, Cty CP Sữa quốc tế. Hy vọng những lô sữa này sẽ đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của Trung Quốc, đồng thời truy xuất được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng".

(Ông Nguyễn Xuân Dương)


MINH PHÚC - HƯNG GIANG

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.