Samsung lên tiếng, tình trạng thiếu cung chất bán dẫn đến mức báo động?
Trong cuộc họp cổ đông thường niên tại Seoul, đồng CEO Koh Dong-jin cho biết Samsung - một trong những nhà sản xuất chip và thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, dự đoán cuộc khủng hoảng nguồn cung chất bán dẫn sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ trong quý tới. Samsung cũng đang cân nhắc hoãn ra mắt sản phẩm Galaxy Note mới trong năm nay.
Trong nhiều tuần qua, nhiều gã khổng lồ ngành công nghệ như Continental AG, Renesas Electronics và Innolux đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt chất bán dẫn kéo dài do nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm từ ô tô đến máy chơi game tăng chưa từng có trong đại dịch COVID-19.
Tuần này, Volkswagen AG cho biết sản lượng ô tô của hãng đã giảm khoảng 100.000 chiếc trên toàn cầu. Tại Bắc Mỹ, tình trạng thiếu hụt chip và thời tiết khắc nghiệt khiến hoạt động sản xuất của Toyota Motor và Honda Motor sa sút.
Khá nhiều người lo sợ tình trạng thiếu cung chất bán dẫn, ban đầu gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp ô tô, có thể làm đứt gãy ngành công nghiệp điện tử nói chung, Bloomberg cho hay.
Chỉ tính riêng lĩnh vực ô tô, thiệt hại về doanh thu của các nhà sản xuất lớn tại Bắc Mỹ, Nhật Bản/Hàn Quốc, Nam Á, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể lên đến 61 tỷ USD trong năm nay.
CEO Koh Dong-jin, người giám sát mảng IT và di động của Samsung, bày tỏ: "Cán cân cung - cầu của chất bán dẫn trên toàn cầu đang mất cân bằng nghiêm trọng".
"Song, bất chấp môi trường kinh doanh khó khăn, ban lãnh đạo của Samsung đang gặp mặt đối tác nước ngoài để giải quyết vấn đề. Nhưng khó mà nói tình trạng thiếu cung chất bán dẫn đã được giải quyết triệt để", ông Koh lưu ý.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn như Samsung và TSMC (Đài Loan) đang đi đầu trong việc giải quyết tình trạng thiếu cung chất bán dẫn toàn cầu, vật liệu vốn là "xương sống" của rất nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng.
Tình trạng trên đã khiến nhiều nhà máy ô tô trên thế giới phải đóng cửa và giờ đây đe dọa nguồn cung của các sản phẩm khác. Mặc dù Samsung là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn chỉ xếp sau TSMC, hãng lại phụ thuộc vào các nhà cung ứng và nhà sản xuất bên ngoài cho một số bộ phận trên chip như quản lý nguồn và chip vô tuyến.
Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu khủng hơn dự đoán đối với điện thoại thông minh cũng khiến nguồn cung chip Snapdragon của Qualcomm căng như dây đàn. Qualcomm có thể thiết kế chip, nhưng lại phụ thuộc vào Samsung và TSMC để sản xuất thành phẩm. Song, năng lực sản xuất của TSMC hiện đang bị kéo căng.
Bloomberg dẫn lời nhà phân tích MS Hwang của Samsung Securities nhận định: "Nguồn cung chip của Qualcomm bị siết chặt, gây ảnh hưởng đến hầu hết các hãng công nghệ, ngoại trừ Apple".
"Máy tính cá nhân sẽ sớm chịu tác động do nguồn cung bảng mạch điều khiển màn hình thiếu hụt và doanh số TV cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi giá màn hình LCD tăng cao", ông Hwang cảnh báo thêm.
Vấn đề càng thêm phức tạp khi dây chuyền sản xuất của chính Samsung cũng bị trục trặc vào tháng trước. Cơ sở sản xuất quan trọng của Samsung tại thành phố Austin, bang Texas phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 2 do mất điện trên toàn bang và hiện chưa thể vận hành lại như cũ.
Song, tình trạng đình trệ tại nhà máy Austin nhiều khả năng sẽ tác động đến các dòng điện thoại và máy tính xách tay tầm trung của Samsung hơn là các mẫu chip hàng đầu hoặc chip máy chủ của hãng, ông Greg Roh - Phó Chủ tịch cấp cao của HMC Securities, dự đoán.
Công ty nghiên cứu Trendforce ước tính, tình trạng thiếu hụt chip tần số vô tuyến 5G của Qualcomm có thể làm sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu giảm 5% trong quý II năm nay.
Ông Avi Greengart, nhà phân tích kiêm nhà sáng lập của công ty tư vấn Techsponential, nhận định: "Nếu Samsung công khai nói về các sản phẩm trong tương lai thì bạn nên hiểu rằng sự mất cân bằng cung - cầu chất bán dẫn là rất nghiêm trọng".
Một số nhà phân tích lạc quan rằng tình trạng thiếu cung chất bán dẫn có thể được giải quyết trong những tháng tới. Song, nhiều người khác lo ngại rằng nguồn cung eo hẹp trong một số phân khúc nhất định có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành điện tử tiêu dùng và đẩy giá sản phẩm lên cao.