Samsung gồng mình bảo vệ bí mật công nghệ trước sự áp sát từ các đối thủ Trung Quốc
Tháng 11 năm ngoái, hai cựu nhân viên Samsung, trong đó một người là cựu nghiên cứu viên cao cấp tại Samsung Display, đã phải ra hầu tòa tại quận Suwon (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) vì cáo buộc tuồn bí mật công nghệ của Samsung ra ngoài.
"Thiệt hại kinh tế sẽ lớn đến đâu nếu bản vẽ này rơi vào tay Trung Quốc?", nữ công tố viên gặng hỏi hai bị cáo.
Theo Nikkei, hai bị cáo bị Văn phòng Công tố quận Suwon bắt giữ vào tháng 8 năm ngoái với cáo buộc cố gắng tuồn công nghệ sản xuất tấm nền OLED của Samsung cho đối thủ tại Trung Quốc. Hành vi của hai bị cáo vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ công nghệ công nghiệp của Hàn Quốc.
Cáo trạng của các công tố viên nêu rõ, hai bị cáo đã hợp tác cùng một nhà sản xuất thiết bị Hàn Quốc để phát triển máy chế tạo màn hình dựa trên công nghệ của Samsung nhằm bán cho một công ty Trung Quốc. Bị cáo thứ ba, quản lý của hãng sản xuất thiết bị liên quan, cũng đang bị xét xử.
Chính phủ và Samsung cùng hiệp lực
Rõ ràng, vụ xét xử tại quận Suwon không tốn nhiều giấy mực bằng vụ việc Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong bị tù giam vì tội hối lộ. Song, những vấn đề được nêu ra tại Suwon lại có thể đóng vai trò sống còn với tương lai của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc.
Trong năm tài khóa 2020, Samsung Electronics chạm mốc vốn hóa thị trường khoảng 556.000 tỷ won (tương đương 486,5 tỷ USD), doanh thu đạt 214,3 tỷ USD và lợi nhuận hoạt động khoảng 32,6 tỷ USD. Ông lớn Hàn Quốc dẫn đầu thị phần toàn cầu ở nhiều mảng, từ điện thoại thông minh và TV đến chip nhớ.
Tuy nhiên, thành công của Samsung lại khiến họ trở thành mục tiêu của các đối thủ Trung Quốc, những công ty nuôi tham vọng thâu tóm bí mật công nghệ của gã khổng lồ này khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Giữ vững thành công liên tục và bảo vệ bí mật công nghệ của Samsung là vấn đề có tầm quan trọng cấp quốc gia đối với Seoul. Trên thực tế, cuộc điều tra dẫn đến vụ bắt giữ hai cựu nhân viên Samsung bắt nguồn từ một cuộc kiểm tra bí mật của Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS).
Chính phủ Hàn Quốc coi các công nghệ liên quan đến tấm nền OLED là "công nghệ cốt lõi của quốc gia" và NIS có một chương trình riêng để đảm bảo các công nghệ này không rơi vào tay nước ngoài.
Nếu bị tuyên có tội, các bị cáo phải đối mặt với ít nhất ba năm tù. Song, dù Hàn Quốc đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc với các vụ rò rỉ công nghệ thì số trường hợp gián điệp doanh nghiệp vẫn chưa giảm bớt.
Trong 5 năm tính đến 2019, Hàn Quốc báo cáo 123 vụ rò rỉ bí mật công nghệ, báo cáo của NIS cho hay. Trong số đó, 83 vụ tuồn công nghệ đến Trung Quốc và khá nhiều vụ trong số này liên quan đến công nghệ ở các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất mạnh, ví dụ như chất bán dẫn, tấm màn hình và đóng tàu.
Đối mặt với nguy cơ rò rỉ, Samsung không đứng yên. Gã khổng lồ Hàn Quốc bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp từ trung tâm xưởng làm việc đến các thiết bị mà hãng sản xuất ra.
Cụ thể, Samsung đã vô hiệu hóa chức năng ghi âm và camera trên điện thoại thông minh của nhân viên tại các phòng thí nghiệm và nhà máy.
Tại một phòng thí nghiệm, giấy in được sử dụng trong máy photocopy có chứa lá kim loại, một bộ phận của hệ thống phát hiện nhằm ngăn nhân viên in thông tin nhạy cảm ra ngoài mà không được phép. Chuông báo động sẽ vang lên nếu tờ giấy rời khỏi tòa nhà.
Ngoài ra, dù chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi doanh nghiệp áp dụng các biện pháp làm việc tại nhà trong thời kỳ dịch bệnh, Samsung vẫn kiên quyết không cho nhân viên mang tài liệu có thông tin kỹ thuật ra khỏi văn phòng.
Trung Quốc chiêu dụ cựu nhân viên Samsung
Dù Samsung có cố gắng thực hiện các biện pháp phòng ngừa triệt để đến đâu, họ vẫn có đến 287.000 nhân viên trên khắp thế giới và những người này đều có thể dễ dàng chuyển việc.
Ngoài ra, đối với các kỹ sư không thể trụ vững trong môi trường cạnh tranh gay gắt của Hàn Quốc thì chuyển sang làm cho một công ty Trung Quốc là lựa chọn rất hấp dẫn.
Theo các kỹ sư tại BOE Technology Group, hãng sản xuất bảng điều khiển lớn nhất Trung Quốc này hiện có khoảng 120 nhân sự người Hàn Quốc đang làm việc tại các nhà máy và phòng thí nghiệm của họ. Trong đó, hơn 50 cựu kỹ sư của Samsung đang đi đầu công trình nghiên cứu tấm nền OLED cho Apple.
Nikkei dẫn lời các kỹ sư BOE cho biết, nhiều người trong số 50 cựu nhân viên Samsung đã rời công ty khi ông lớn công nghệ Hàn Quốc ghi nhận doanh thu kém khả quan trong hai năm 2015 và 2016.
Nhà máy của BOE ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) có dây chuyền sản xuất được thiết lập giống như dây chuyền tại nhà máy chính của Samsung Display ở quận Asan, tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc.
BOE đang cung ứng màn hình OLED cho thị trường sửa chữa iPhone và mong muốn thành nhà cung ứng chính thức cho dòng iPhone mới trong năm nay. Được Bắc Kinh hậu thuẫn, tham vọng của BOE khiến công ty này trở thành mối đe dọa lớn với thị phần của Samsung trên toàn cầu.
Trên thực tế, không có luật pháp nào ngăn cản người Hàn Quốc bán sức lao động một cách tự do trên thị trường việc làm quốc tế, song những ai làm như vậy đều nhận thức rõ rằng lựa chọn của họ có thể vấp phải sự phản đối.
Áp lực khổng lồ đè lên vai nhân sự Hàn Quốc tại Trung Quốc
Các kỹ sư và người lao động Hàn Quốc làm việc tại Trung Quốc thường sử dụng bí danh để tránh bị chính quyền hoặc các đồng nghiệp cũ ở Hàn Quốc biết được. Khi về nước nghỉ ngơi hoặc cho dịp khác, họ thường quá cảnh tại Hong Kong (Trung Quốc) hoặc Thượng Hải.
Thậm chí, một kỹ sư của BOE cho biết anh thường tránh các chuyến bay thẳng vì sợ bị giam giữ do nghi ngờ làm rò rỉ công nghệ cốt lõi của đất nước trong quá trình kiểm tra nhập cảnh tại sân bay quốc tế Incheon.
Trường hợp của ông Chang Won-ki là một ví dụ rõ ràng. Năm 2020, giám đốc cấp cao của BOE đã tuyển ông Chang vào vị trí Phó Chủ tịch tại một nhà máy sản xuất tấm màn hình bán dẫn ở Trung Quốc - cũng chính là một chi nhánh của BOE.
Trước kia, ông Chang Won-ki là một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, từng đứng đầu liên doanh sản xuất màn hình tinh thể lỏng giữa Samsung và Sony.
Ông Chang rời công ty mới ngay sau khi báo chí Hàn Quốc đưa tin về việc bổ nhiệm và làm dấy lên lo ngại về rủi ro rò rỉ công nghệ.
"Tôi chấp nhận lời mời làm việc với điều kiện công ty mới không cạnh tranh với Samsung", ông Chang chia sẻ với báo chí địa phương. Song, ông cảm thấy áp lực vì ở Hàn Quốc, người ta hiểu lầm rằng ông đang tuồn công nghệ trong nước ra nước ngoài.
Chảy máu chất xám cũng đang dần xuất hiện trong lĩnh vực bán dẫn, địa hạt chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, là một trong các công ty đi đầu về tuyển dụng nhân sự nước ngoài.
Các công ty tuyển dụng cũng đang ra sức tiếp cận các kỹ sư tại trung tâm nghiên cứu công nghệ chip máy tính của Samsung ở thành phố Hwaseong (gần Seoul) kể từ khi căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung nóng lên.
Mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho Samsung đã được lãnh đạo tiền nhiệm của công ty, cố Chủ tịch Lee Kun-hee cảnh báo từ trước. "Trong 10 năm tới, hầu hết mảng kinh doanh và sản phẩm nổi tiếng của Samsung sẽ biến mất", ông Lee Kun-hee nhận định vào tháng 3/2010.
Tương lai của Samsung sẽ phụ thuộc vào người kế nhiệm Lee Jae-yong. Song, một số người lo ngại không biết liệu ông Lee Jae-yong có cùng tầm nhìn và kỹ năng lãnh đạo như cha mình hay không. Đồng thời, họ nghi hoặc về khả năng dẫn dắt Samsung của ông trong kỷ nguyên căng thẳng thương mại toàn cầu như hiện nay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/