|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thách thức lớn nhất của Samsung đến từ chính gia tộc họ Lee

10:25 | 09/02/2021
Chia sẻ
Các nỗ lực trao quyền thừa kế cho thành viên gia tộc sáng lập đã khiến Samsung bỏ lỡ các cơ hội quan trọng. Samsung phải chịu cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ sừng sỏ trong lúc người lãnh đạo hao tâm tổn trí vì các bê bối pháp lý.
Thách thức lớn nhất của Samsung đến từ chính gia tộc họ Lee - Ảnh 1.

Những người biểu tình phản đối hối lộ giơ áp phích hình cha con ông Lee Kun-hee và Lee Jae-hong năm 2008. (Ảnh: Getty Images).

Sáng 26/1, thông điệp hiếm hoi từ "thái tử Samsung" Lee Jae-yong xuất hiện trên bảng tin nội bộ tại trụ sở Seoul sau khi ông bị kết án 2,5 năm tù vì hối lộ

"Tôi vô cùng xin lỗi. Samsung nên tiến lên phía trước mặc cho tình hình của tôi… Chúng ta cần phải giữ lời hứa với người dân", ông Lee viết.  

Thông điệp này ngay lập tức gợi nhắc nhân viên của công ty về quá khứ. Tháng 4/2008, cha của ông Lee – cố Chủ tịch Lee Kun-hee công khai từ chức sau vụ bê bối trốn thuế. Người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc thề rằng ông đang "rời đi với tất cả tội lỗi trong quá khứ".

Lời nhắn nhủ từ trại giam không phải là điểm tương đồng duy nhất với quá khứ. Các bản án dành cho cha con ông Lee đều bắt nguồn từ cáo buộc về các giao dịch tài chính phức tạp và mờ ám nhằm trao quyền kiểm soát đế chế Samsung từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia tộc sáng lập, Financial Times cho biết. 

Phản ứng của thị trường tháng trước cũng tương tự năm 2008: Giá cổ phiếu Samsung gần như không thay đổi. Ngân hàng và nhà đầu tư quan tâm hơn nhiều đến chu kỳ nhu cầu và giá cả chip máy tính, smartphone và màn hình. Samsung là nhà sản xuất lớn nhất của cả ba mặt hàng này.

"Việc ông Lee bị bắt giam không tạo ra thay đổi gì với nhà đầu tư," nhà phân tích giấu tên của một trong những công ty chứng khoán lớn nhất của Seoul cho biết.

Thách thức lớn nhất của Samsung đến từ chính gia tộc họ Lee - Ảnh 2.

*Lưu ý: Cổ phần sở hữu chỉ tính đến cổ phiếu thường, không bao gồm cổ phiếu ưu đãi. Số liệu đến 30/9/2020.

Kể từ khi thành lập năm 1938, Samsung đã đóng vai trò độc đáo trong xã hội và thương trường Hàn Quốc. Dưới thời cố Chủ tịch Lee Kun-hee, Samsung trở thành một trong những nhà sản xuất đồ điện tử gia dụng và thiết bị công nghệ cao lớn nhất thế giới.

Khó có khả năng áp lực chính trị sẽ khiến "thái tử" Lee Jae-yong đánh mất ngôi vị của mình. Các lãnh đạo chaebol hiếm khi từ bỏ quyền lực, họ sẽ tiếp tục cai quản đế chế ngay cả khi ngồi sau song sắt. Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi chưa được giải đáp dành cho chính Samsung, nhà đầu tư và người dân Hàn Quốc.

Trong tương lai, liệu gia tộc Lee sẽ một lần nữa cố gắng trao quyền kế vị cho người thân? Hay chính phủ Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in đã buộc được các chaebol thay đổi thái độ quản lý? Nếu vậy, điều này sẽ đánh dấu tiến bộ của giới chính trị gia cánh tả và nhà đầu tư chủ động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng chính trị của Samsung và mạng lưới sở hữu chéo, khiến quản trị của công ty trở nên minh bạch hơn.

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn cả là: liệu trò chơi kéo dài hàng thập kỷ của các màn đấu đá nội bộ, tranh chấp pháp lý và chiêu trò chính trị có gây thiệt hại lâu dài cho khả năng cạnh tranh toàn cầu của Samsung không?

Các thị trường chủ yếu mà Samsung đang cạnh tranh đều ẩn chứa thách thức sống còn từ những đối thủ ngoại quốc với chiếc ví dày. Cách ông Lee đối phó với chúng sẽ quyết định liệu Samsung có sống sót nổi quá đời thứ ba hay không.

Ông Park Ju-geun, Chủ tịch công ty nghiên cứu CEO Score nhận xét: "Samsung đang đứng ở ngã rẽ quan trọng. Thách thức gia tăng cả ở bên trong lẫn bên ngoài công ty… Gia tộc họ Lee cần phải cải tổ".

Cai quản đế chế

Ông Lee đang thụ án tại Trung tâm giam giữ Seoul ở một góc đồi hẻo lánh ở ngoại ô phía nam thủ đô Hàn Quốc. Trong 18 tháng ông Lee bóc lịch, đội ngũ luật sư của ông sẽ sẵn sàng xếp hàng dài đến thăm nhà tù. Bản án của ông Lee là 30 tháng, nhưng trước đó ông đã chấp hành 1 năm tù giam rồi được thả tự do vào tháng 2/2018.

Theo Financial Times, các tài phiệt Hàn Quốc bị bỏ tù vì tội danh tài chính khét tiếng với việc quản lý đế chế kinh doanh từ sau song sắt. Về mặt kỹ thuật, mỗi tuần phạm nhân chỉ được gặp người ngoài một lần, mỗi lần 10 phút. Tuy nhiên phạm nhân của thể gặp gỡ luật sư bất cứ lúc nào vào các ngày trong tuần với rất ít hạn chế.

Cựu nghị sĩ Chae Yi-bai nói rằng dữ liệu từ Bộ Tư pháp cho thấy ông Lee đã gặp gỡ luật sư 439 lần trong vòng 353 ngày ông ngồi tù gần đây nhất.

Giáo sư kinh tế Park Sang-in tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Các tài phiệt dành phần lớn thời gian trong ngày tại phòng họp của nhà tù. Phòng họp gần như trở thành văn phòng của họ".

"Dù sao thì hoạt động hàng ngày của công ty cũng được quản lý bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp... Việc ngồi tù không tạo ra sự khác biệt lớn với các nhà tài phiệt".

Thách thức lớn nhất của Samsung đến từ chính gia tộc họ Lee - Ảnh 3.

Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết các doanh nghiệp "quan ngại sâu sắc" về tác động của việc bỏ tù ông Lee Jae-yong đến khả năng Samsung giúp đỡ thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi COVID-19. Các chính trị gia bảo thủ đối lập kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in ân xá cho người thừa kế Samsung.

Ông Sea-jin Chang, chuyên gia về lịch sử doanh nghiệp châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore nói rằng ông Lee đã tạo ra thay đổi, hướng tới phong cách quản lý giống với châu Âu hơn, tăng cường dựa vào các nhà quản lý chuyên nghiệp. Đây là sự điều chỉnh đáng kể so với phong cách lãnh đạo độc đoán của cha ông là Lee Kun-hee.

Ông Lee đã hứa sẽ không trao quyền lãnh đạo Samsung cho con cái. Nhiều lỗ hổng pháp lý cho phép ông nối nghiệp từ cha mình đã bị đóng lại.

"Các cơ chế mà Samsung sử dụng để chuyển cổ phần cho Lee Jae-yong vào những năm 1990 và 2000 rất khó để thực hiện trong Hàn Quốc ngày nay", ông Geoffrey Cain, tác giả cuốn "Sự trỗi dậy của Samsung" cho biết.

Thách thức lớn nhất của Samsung đến từ chính gia tộc họ Lee - Ảnh 4.

Khó khăn của Samsung

Theo Financial Times, Apple tạo ra 50 tỷ USD hàng năm từ các dịch vụ trả phí như nghe nhạc, stream video và game, tất cả đều gắn với các chương trình do công ty tự phát triển. Trong khi đó, doanh thu của Samsung từ các dịch vụ tương tự nhỏ đến mức không đáng để nhắc đến trong báo cáo tài chính. 

Dịch vụ chỉ là một lĩnh vực Samsung gặp trở ngại. Trong thị trường sản xuất chip nhớ cho các công ty khác, Samsung đang phải chạy đua để bắt kịp với bước tiến của công ty Đài Loan TSMC.

Trong ngành chip nhớ và màn hình điện tử, Samsung có vị thế mạnh mẽ hơn. Nhưng những ngành này lại dễ bị xâm nhập bởi các đối thủ mới. Một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm Yangtze Memory Technologies và BOE Technology đang nhanh chóng tạo lập vị thế.

Tại những lĩnh vực tăng trưởng trong tương lai như sự chuyển đổi sang xe tự lái, Samsung chỉ có chỗ đứng nhỏ nhờ vào thương vụ mua lại tập đoàn công nghệ ô tô Harman của Mỹ trị giá 8 tỷ USD năm 2016. Nhưng ngành ô tô đang ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt bởi các tập đoàn công nghệ như Google, Amazon và Baidu.

Nhiều nhà phân tích lưu ý rằng Samsung không có thương vụ mua lại nào lớn trong suốt 4 năm qua dù đây là giai đoạn công nghệ biến đổi nhanh chóng.

Theo mô hình chaebol, quyết định cuối cùng về chiến lược tập đoàn và các khoản đầu tư lớn luôn nằm trong tay người đứng đầu. Kể từ năm 2014, trọng trách này thuộc về ông Lee. Nhưng các rắc rối pháp lý đã chiếm quá nhiều thời gian và công sức của ông, cản trở khả năng của công ty trong việc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện.

Giáo sư Park nhận xét: "Nếu từ bỏ ý tưởng "một Samsung", Lee Jae-yong có thể điều hành các đơn vị công nghệ và giao phần còn lại của tập đoàn cho các chị em ông ta". 

Tác giả Cain nói: "Lee Jae-yong đang chịu áp lực cực kỳ lớn từ công chúng để lãnh đạo công ty và giúp đỡ đất nước. Tôi nghĩ ông ta muốn được biết đến vì đã làm nên điều vĩ đại ở Samsung". 

Giang

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.