|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thuế thừa kế tài sản có thể tạo phép màu cho di sản cố Chủ tịch Samsung để lại

20:55 | 26/10/2020
Chia sẻ
Người con trai kế vị cố Chủ tịch Lee Kun-hee có thể tạo ra phép màu cho Samsung Electronics nhờ thuế thừa kế tài sản khổng lồ mà họ phải nộp.

Di sản của cố Chủ tịch Lee Kun-hee

Thương hiệu Samsung có thể xuất hiện khắp nơi trên thế giới, như bên trong hầu hết thiết bị điện tử như chip nhớ, chip lưu trữ và tấm màn hình. Đó là thành tựu của cố Chủ tịch Lee Kun-hee, người vừa qua đời hôm 25/10 do tuổi cao sức yếu và hưởng thọ 78 tuổi.

Năm 1994, bộ phận điện thoại di động của Samsung Electronics phải gấp rút chuẩn bị để công bố sản phẩm mới, khiến tỉ lệ lỗi của dòng điện thoại mới đạt đến 11,8%. Đến tháng 1/1995, biết được sự việc, ông Lee Kun-hee đã ra lệnh thay thế tất cả số điện thoại lỗi và hai tháng sau, 150.000 điện thoại bị lỗi chất đống tại nhà máy Samsung ở Gumi.

Khoảng 2.000 nhân viên đã tập trung để xem 10 công nhân khác dùng búa đập nát điện thoại, sau đó đốt hết các mảnh vỡ. Đây là một biện pháp gây sốc, song cuối cùng lại có hiệu quả cho Samsung. Hành động cứng rắn năm đó còn là biểu tượng cho quyết tâm xây dựng một thương hiệu hàng đầu thế giới của cố Chủ tịch Lee Kun-hee.

Ngày nay, Samsung là thương hiệu thiết bị điện tử phổ biến nhất thế giới, vượt qua đối thủ không đội trời chung của Nhật Bản là Sony.

Đà chuyển biến của Samsung trùng hợp hoặc thậm chí có thể gọi là đã giúp Hàn Quốc tiến lên thành một quốc gia dân chủ và cởi mở hơn. Năm 2018, Seoul đăng cai Thế vận hội mùa đông và thế giới đang trên đỉnh của một cuộc cách mạng máy tính và Internet.

Trong những năm 1990, Samsung còn nghiên cứu sâu vào mảng chip nhớ, một lĩnh vực kinh doanh mà Intel bứt ra từ một thập kỉ trước. Quyết định đó đã tạo nền tảng cho sức mạnh công nghệ của Samsung cho đến ngày nay.

Song từ góc độ quản lí, Bloomberg nhận thấy ông Lee Kun-hee và con trai Lee Jae-yong đang mải mê xây dựng Samsung thành một đế chế hướng nội. Hội đồng quản trị và điều hành của Samsung hầu như chỉ bao gồm người Hàn Quốc, trong khi người ngoài khó có cơ hội chen chân.

Khi nhà đầu tư Paul Elliot Singer của Elliott Management mua cổ phần trong công ty liên kết Samsung C&T, các công tố viên Hàn Quốc đã điều tra để tìm vi phạm liên quan đến các qui tắc công khai thông tin. Cuối cùng họ ngừng điều tra mà không đưa ra cáo trạng, nhưng quan điểm của họ dường như đã rõ.

Theo Bloomberg, chủ nghĩa hẹp hòi của Samsung (tương tự như hệ thống chaebol) không có lợi và có thể là rủi ro lớn nhất với tương lai của tập đoàn.

Trong quá khứ, các công ty công nghệ Mỹ có thể tồn tại và vượt qua khủng hoảng một phần nhờ vào đội ngũ quản lí đa dạng trên toàn cầu cũng như do họ luôn sẵn sàng tham khảo cố vấn bên ngoài.

Thuế thừa kế tài sản mở ra cánh cửa toàn cầu cho Samsung Electronics

Nếu người kế nhiệm của cố Chủ tịch Lee Kun-hee muốn củng cố tương lai của tập đoàn, thuế thừa kế tài sản khổng lồ của họ có thể là chất xúc tác. Theo Forbes, ông Lee Kun Hee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 20,7 tỉ USD, bao gồm nhiều bất động sản và chứng khoán.

Bloomberg: Samsung do cố Chủ tịch Lee Kun-hee nhào nặn chỉ là tên của thương hiệu - Ảnh 1.

Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. (Ảnh: Bloomberg)

Theo mức thuế thừa kế 50% của Hàn Quốc, con trai Lee Jae-yong của cố Chủ tịch Lee Kun-hee có thể nhận khoảng 10 tỉ USD sau khi đóng thuế.

Khoản tiền mặt mà Samsung sở hữu gấp ba lần con số 10 tỉ USD. Tuy nhiên, đó là tiền của cổ đông và ông Lee Jae-yong phải dùng tiền riêng để nộp thuế thừa kế. Gia đình Lee sẽ cần phải tự huy động vốn và bán cổ phiếu Samsung Electronics là giải pháp khả dĩ nhất.

Nếu kịch bản ấy xảy ra, thỏa thuận bán cổ phiếu bắt buộc có thể là dịp may đối với các cổ đông của Samsung và là cơ hội để xây dựng một tương lai mới.

Ông Lee Jae-yong còn có các lựa chọn thay thế như vay mượn từ số cổ phiếu do ông sở hữu hoặc bán tài sản khác của gia đình. Ngoài ra, Samsung có thể tăng cổ tức để bơm một lượng tiền mặt vào gia sản nhà họ Lee.

"Thái tử" Lee Jae-yong chỉ sở hữu khoảng 4,2% cổ phần của Samsung và duy trì quyền kiểm soát thông qua mối quan hệ với các nhà lãnh đạo công ty con, tương tự như cách làm của các gia tộc chaebol khác tại Hàn Quốc. Bán 2% cổ phần của ông Lee Jae-yong trên thị trường mở là kế hoạch khả thi, song phương án này cần nhiều thời gian và có thể làm giảm giá cổ phiếu.

Thay vào đó, gia tộc Lee nên mua bán trực tiếp với đối tác, một kịch bản có thể giúp công ty vươn ra toàn cầu hơn nữa.

Hiện tại, Samsung có 54% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn cổ phiếu nhóm này được giao dịch tại sàn chứng khoán Seoul. Chứng chỉ lưu kí giao dịch tại London của Samsung chỉ trị giá khoảng 24 tỉ USD, tương đương 7,5% vốn hóa của tập đoàn Hàn Quốc.

Trong khi đó, một nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu khác là TSMC (trụ sở tại Đài Loan) đang giao dịch chứng chỉ lưu kí tại New York, tổng giá trị đạt 94 tỉ USD (tức tương đương 23% vốn hóa của hãng).

Hoạt động kinh doanh của Samsung cũng đè nặng lên Hàn Quốc khi chỉ 15% doanh thu của tập đoàn đến từ thị trường nội địa, trong khi nền kinh tế Hàn Quốc đã lọt ra khỏi nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và chiếm chưa đầy 2% GDP thế giới.

Intel và Nvidia: hai lựa chọn không tồi cho Samsung

Theo Bloomberg, một giải pháp dễ dàng là niêm yết cổ phiếu Samsung trên sàn chứng khoán New York. Gia tộc Lee có thể bán bớt một lượng cổ phiếu cần thiết để thừa kế 10 tỉ USD tài sản và Samsung có thể huy động thêm vốn.

Phương án được khuyến khích hơn là mời gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia vào hãng ngũ cổ đông, và thậm chí là hội đồng quản trị của Samsung. Intel và Nvidia có thể là lựa chọn phù hợp.

Intel đang gặp khó khăn, nhưng tập đoàn bán dẫn Mỹ có rất nhiều tiền mặt và chắn chắn có thể huy động nhiều hơn. Intel cũng có khả năng tự cải tổ khi chịu áp lực, như khi doanh số bán máy tính để bàn chững lại, hãng đã chuyển sang sản xuất chip máy chủ để tồn tại. Cả hai có thể bắt tay để đối đầu kẻ thù không đội trời chung: TSMC.

Nvidia thậm chí còn là lựa chọn tốt hơn cả Intel. Hãng thiết kế chip này đang đi tiên phong toàn cầu nhờ sự chuyển dịch sang trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, Bloomberg nhận thấy triển vọng cho màn hợp tác Samsung - Nvidia rất mờ nhạt vì công ty thiết kế chip Mỹ đang có kế hoạch mua lại ARM.

Các ứng viên khác mà Samsung Electronics có thể tham khảo gồm Huawei Technologies hoặc thậm chí là Reliance Group của tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani.

Khi cả thế giới đang tưởng nhớ cố Chủ tịch Lee Kun-hee với thương hiệu Samsung mà ông để lại, đã đến lúc người thừa kế của ông bắt đầu gây dựng di sản riêng bằng cách xây dựng Samsung Electronics thành một tập đoàn toàn cầu.

Khả Nhân