|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vợ, con của cố Chủ tịch Samsung phải nộp gần 9 tỉ USD để thừa kế số cổ phiếu ông để lại

18:42 | 25/10/2020
Chia sẻ
Giá trị số cổ phần mà Chủ tịch Samsung nắm đạt hơn 16 tỉ USD vào ngày ông qua đời, và những người thừa kế sẽ phải nộp thuế gần 9 tỉ USD để nhận số cổ phiếu ấy.

Là người giàu nhất Hàn Quốc nhờ nắm cổ phần trong tập đoàn Samsung, Chủ tịch Lee Kun-hee để lại số cổ phiếu trị giá khoảng 18,2 nghìn tỉ won (16,1 tỉ USD) khi ông qua đời hôm 25/10, theo Korea Times.

Vị tỉ phú quá cố sở hữu nhiều cổ phiếu của Samsung - bao gồm 4,18% cổ phần Samsung Electronics, 20,76% cổ phần công ty bảo hiểm Samsung Life, 2,88% cổ phần Samsung C&T. Tổng giá trị số cổ phiếu ấy là 16,1 tỉ USD theo giá chốt phiên giao dịch hôm 23/10.

Con trai ông, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong, đang là người giàu thứ hai ở Hàn Quốc với số cổ phiếu có tổng trị giá khoảng 7,2 nghìn tỉ won.

Vợ, con của cố Chủ tịch Samsung phải nộp gần 9 tỉ USD để thừa kế số cổ phiếu ông để lại - Ảnh 1.

Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-hee, và phu nhân Hong Ra-hee. (Ảnh: CNN)

Với cái chết của Chủ tịch Samsung, những người thừa kế của ông - gồm vợ Hong Ra-hee, con trai Lee Jae-yong, con gái Lee Boo-jin và Lee Seo-huyn - sẽ phải nộp khoản thuế thừa kế tài sản lên tới 10.000 tỉ won (8,86 tỉ USD) đối với số cổ phiếu mà ông để lại.

Luật thừa kế Hàn Quốc qui định người thừa kế phải nộp thuế ở mức 60% giá trị cổ phiếu mà họ thừa hưởng và 50% giá trị các loại tài sản khác. Giới quan sát dự đoán các thành viên trong gia tộc Lee sẽ trả dần tiền thuế thừa kế trong tối đa 5 năm vì luật cho phép họ làm vậy.

Chào đời ngày 9/1/1942 ở thành phố Deag (đô thị trực thuộc trung ương lớn thứ tư ở Hàn Quốc), ông Lee Kun-hee lớn lên ở Uiryeong, một huyện nông thôn, theo thông tin từ Samsung. 

Năm 1938, cha của ông, Lee Byung-chull, mở một cửa hàng thực phẩm 4 tầng ở Deagu. Ở độ tuổi thiếu niên, Kun-hee mê phim, ô tô. Ông học vật và chơi bóng bầu dục ở trường. Lớn lên, ông học kinh tế ở Đại học Waseda (Nhật Bản) rồi học quản trị kinh doanh ở Đại học George Washington (Mỹ).

Năm 1971, Lee Byung-chull chọn con trai út, Lee Kun-hee, là người kế vị ông lãnh đạo Samsung. Năm 1974, Samsung chuyển sang mảng bán dẫn sau khi mua 50% cổ phần của công ty bán dẫn Hankook Semiconductor. Từ tình trạng lỗ triền miên, Hankook Semiconductor có lãi vào năm 1988 nhờ loại chip nhớ truy cập ngẫu nhiên.

Sau khi cha mất vào năm 1987, Lee Kun-hee chính thức tiếp quản Samsung, trở thành Chủ tịch tập đoàn. Để tạo đột phá, ông chủ trương thay đổi từ cấp lãnh đạo, với phương châm "đổi mới mọi thứ, trừ vợ và con".

Ông yêu cầu mọi người bắt đầu làm việc từ 7h sáng, thay vì 8h30 như trước đây, để họ có thể thấm nhuần tinh thần cải cách trong cả giấc ngủ.

Năm 1995, ông tập trung 2.000 nhân viên để xem ông đốt 150.000 sản phẩm - gồm điện thoại di động, máy fax và các sản phẩm khác vì chúng không đạt tiêu chuẩn chất lượng mà tập đoàn đề ra. Tổng giá trị của số sản phẩm ấy lên tới 50 triệu USD.

Sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp của Lee Kun-hee đã phát huy tác dụng. Samsung Electronics vượt qua Sony (Nhật Bản) để trở thành doanh nghiệp bán nhiều tivi màn hình phẳng nhất thế giới vào năm 2006. Trong cùng năm đó, giá trị thị trường của Samsung vượt mức 100 tỉ USD.

Nhạc Phong