Những cuộc họp kéo dài tới 10 tiếng và phong cách lãnh đạo quyết liệt của cố Chủ tịch Samsung
Korea Times đưa tin, hồi tháng 1/1993, Lee Kun-hee cảm thấy tức giận với bản thân vì ông đã tiếp quản Samsung từ cha 5 năm, nhưng chưa tạo ra dấu ấn rõ nét. Ông triệu tập một nhóm nhà điều hành của tập đoàn, yêu cầu họ cùng ông tới một siêu thị của Best Buy ở thành phố Los Angeles để tìm hiểu vị thế của thương hiệu Samsung trên thị trường.
Người tôn thờ cảm giác lo lắng
Ở siêu thị của Best Buy tại Los Angeles, họ thấy một tivi của Samsung nằm trên kệ ở góc siêu thị, với bụi phủ kín dù giá rẻ hơn gần 100 USD so với tivi của Sony.
Nhóm nhà quản lí thảo luận sôi nổi trong một cuộc họp kéo dài tới 9 giờ. Sau cuộc họp, Kun-hee quyết định thay đổi chiến lược để Samsung giành thị phần bằng chất lượng, chứ không phải bằng số lượng.
Cuộc đời Lê Kun-hee, người qua đời hôm 25/10 ở tuổi 78 sau khi vào bệnh viện vì đau tim năm 2014, là những chuỗi ngày, tháng trải qua cảm giác khủng hoảng. Cảm giác ấy vẫn thấm vào phong cách lãnh đạo của đội ngũ điều hành tập đoàn Samsung ngày nay, giúp họ thúc đẩy sự đổi mới và tránh tâm lí tự mãn.
Trong những năm giữa thập niên 90, Lee Kun-hee thu hồi những điện thoại di động và máy fax chất lượng kém với tổng giá trị 50 triệu USD, rồi đốt chúng.
Phong cách lãnh đạo quyết liệt và chiến lược ưu tiên chất lượng đã giúp Lee Kun-hee phát triển công ty mì ăn liền của cha thành một đế chế có giá trị vốn hóa lên tới 375 tỉ USD vào tháng 5/2020. Tập đoàn tham gia vào hàng chục ngành - từ điện tử, bảo hiểm, đóng tàu tới xây dựng.
Samsung Electronics đã phát triển từ một nhà sản xuất tivi hạng hai thành hãng công nghệ lớn nhất thế giới về doanh thu. Họ lần lượt vượt qua các đối thủ sừng sỏ như Sony, Sharp, Panasonic về chip nhớ, tivi và màn hình, chấm dứt thời kì thống trị thị trường điện thoại của Nokia và đánh bại Apple trên thị trường điện thoại thông minh.
Trong một bài viết vào năm 1997, Chủ tịch Lee Kun-hee hồi tưởng cảm giác tức giận của ông trước đội ngũ điều hành Samsung.
"Môi trường kinh doanh bên ngoài rất khắc nghiệt, song những nhà điều hành của tập đoàn không hề cảm thấy lo lắng. Dường như mọi người đã chịu khuất phục trước thói tự mãn. Tôi phải chấn chỉnh họ và liên tục nhắc nhở các nhà quản lí rằng cảm giác lo lắng là thứ họ cần có", ông viết.
Năm 2013, tạp chí Forbes xếp Lee Kun-hee ở vị trí số hai trong danh sách những người quyền lực nhất Hàn Quốc, chỉ sau Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Phong cách lãnh đạo quyết liệt
4 tháng sau chuyến bay tới Los Angeles cùng các thuộc cấp, Kun-hee lại đưa họ tới một khách sạn ở thành phố Frankfurt (Đức), nơi ông công bố kế hoạch cải cách bộ máy quản lí. Kế hoạch ấy đòi hỏi các nhà điều hành phải "thay đổi mọi thứ, trừ vợ và con".
Các cuộc họp với Chủ tịch của bộ máy quản lí luôn căng thẳng, có thể kéo dài tới 10 giờ, và các nhà quản lí không dám thực hiện những động tác cần thiết như uống nước vì họ sợ phải ngắt lời Chủ tịch Kun-hee khi xin phép vào toilet.
Sự nhạy bén kinh doanh của Kun-hee khiến ông trở thành đề tài để mọi người dân Hàn Quốc ngưỡng mộ và đồn đoán. Nhưng đế chế kinh doanh của ông là đối tượng để nhiều người, bao gồm cả cổ đông, chỉ trích vì lạm dụng ảnh hưởng kinh tế, coi trọng thứ bậc quản lí, tình trạng không minh bạch trong quản trị, hành vi chuyển tài sản đáng ngờ giữa các thành viên trong gia tộc Lee.
Đa số người dân Hàn Quốc coi Lee Kun-hee là độc đoán, ghê gớm, và sự hiện diện của ông trong tập đoàn cũng mang lại cảm giác tương tự.
Bloomberg từng đưa tin rằng, trong một lần Lee Kun-hee thị sát một nhà máy, các nhà quản lí nhà máy dặn công nhận rằng họ không nên nhìn qua cửa sổ hay khe cửa để quan sát Chủ tịch, vì ông không muốn người khác nhìn ông từ trên xuống.
Mọi người cũng phải đậu ô tô ở bãi đỗ phía sau nhà máy để Chủ tịch không phải thấy những chiếc xe cũ và xấu. Ban quản lí nhà máy yêu cầu đặt kẹo cao su bạc hà trong các toilet để công nhân làm sạch hơi thở hôi hám của họ, và trải thảm đỏ từ cổng nhà máy để đón Chủ tịch.