|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Samsung từ xưởng làm mì vùng thôn quê thành đế chế đa ngành toàn cầu

11:34 | 25/10/2020
Chia sẻ
Samsung khi mới thành lập năm 1938 chỉ là một xưởng làm mì ở phía đông nam Hàn Quốc. Dưới sự lãnh đạo của hai cha con Lee Byung-Chull và Lee Kun-hee, Samsung ngày nay đã là một tập đoàn toàn cầu hoạt động trong nhiều ngành như điện tử, bán dẫn, công nghiệp nặng, hóa chất, ...
Samsung từ xưởng làm mì thôn quê thành đế chế đa ngành toàn cầu - Ảnh 1.

Tòa nhà văn phòng Samsung Galaxy. (Ảnh: Samsung)

Tập đoàn Samsung được biết đến nhiều nhất thông qua Samsung Electronics - công ty con trong lĩnh vực điện tử. Tuy nhiên ngoài sản xuất TV, điện thoại, máy tính, … Samsung còn hoạt động trong hàng loạt ngành kinh doanh khác từ đồ gia dụng, bảo hiểm, xây dựng, đóng tàu, vận tải biển, …

Cái tên Samsung đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, được Interbrand định giá 61,1 tỉ USD năm 2019. Cũng trong năm ngoái, Samsung chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Tuy vậy, xuất phát điểm của Samsung cũng nhỏ bé và khiêm tốn như bao doanh nghiệp khác.

Xưởng làm mì và nhà máy dệt của nhà sáng lập Lee Byung-Chull

Năm 1938, ông Lee Byung-Chull (Lý Bình Triết) mở một sản xuất và buôn bán mì tại tỉnh Daegu, đông nam Hàn Quốc. Ban đầu xưởng mì này có khoảng 40 nhân viên, chuyên bán mì sang các tỉnh lân cận cũng như xuất sang Trung Quốc.

Theo Britannica, sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), ông Lee Byung-Chull mở rộng hoạt động sang lĩnh vực dệt may và xây dựng nên xưởng dệt len lớn nhất Hàn Quốc. Ông tập trung vào quá trình công nghiệp hóa với mục tiêu giúp đất nước hồi phục sau chiến tranh.

Trong thời gian này, công ty của ông được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ thương mại của chính phủ. Mục tiêu của Hàn Quốc lúc đó là giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn, tránh sự cạnh tranh của đối thủ nước ngoài để các công ty trong nước có thể phát triển thành những tập đoàn hùng mạnh.

Trong thập niên 1970, Samsung mở rộng hoạt động sang toàn bộ chuỗi cung ứng ngành dệt may, tự chủ từ nguyên liệu thô tới sản phẩm cuối cùng để cạnh tranh tốt hơn. Các công ty con trong những lĩnh vực khác như Samsung Heavy Industries (công nghiệp nặng) Samsung Shipbuilding (đóng tàu), Samsung Precision Company (xử lí kim loại) cũng được thành lập. Ngoài ra, Samsung còn bước chân vào các lĩnh vực hóa chất, hóa dầu, …

Năm 1969, Samsung lấn sân sang lĩnh vực điện tử với sản phẩm đầu tiên là một chiếc TV đen trắng. Trong những năm 1970, Samsung bắt đầu xuất khẩu đồ điện tử.

Samsung từ xưởng làm mì thôn quê thành đế chế đa ngành toàn cầu - Ảnh 2.

Ổ cứng SSD dung lượng 1TB của Samsung. (Ảnh: Samsung)

Giai đoạn cuối 1970 – đầu 1980 chứng kiến Samsung mở rộng nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ. Các công ty con trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử được tách riêng.

Năm 1978, công ty con trong ngành vũ trụ được thành lập. Năm 1985, Samsung Data Systems (nay là Samsung SDS) ra đời để phục vụ nhu cầu phát triển hệ thống ngày càng cao của các doanh nghiệp. Nhờ vậy, Samsung nhanh chóng trở thành cái tên dẫn đầu ngành dịch vụ công nghệ thông tin.

Samsung cũng thành lập hai trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm mở rộng chuyên môn trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, hóa chất polymer, công cụ kĩ thuật gen, viễn thông, vũ trụ và công nghệ nano.

Cải cách dưới thời Lee Kun-hee

Năm 1987, nhà sáng lập Lee Byung-Chull qua đời, con trai út của ông là Lee Kun-hee (sinh năm 1942) đảm nhiệm chức Chủ tịch Samsung thay cha. Từ năm 1971, ông Lee Kun-hee đã được cha chọn làm người thừa kế cơ nghiệp.

Hôm nay 25/10/2020, ông Lee Kun-hee qua đời. Người con cả - cũng là con trai duy nhất của ông là Phó Chủ tịch Lee Jae-yong từ lâu đã được coi là người thừa kế tập đoàn Samsung.

Ông Lee Kun-hee từng nói: "Nếu con của nhà sáng lập một tập đoàn kế thừa quyền điều hành tập đoàn đó, chúng cần được sự công nhận của xã hội".

Phó Chủ tịch Lee Jae-yong đã tuyên bố sẽ không trao quyền điều hành Samsung cho con cái của mình.

Samsung từ xưởng làm mì thôn quê thành đế chế đa ngành toàn cầu - Ảnh 3.

Ông Lee Kun-hee (trái) và con trai cả Lee Jae-yong (phải). (Ảnh: Pulse News Korea)

Trong thập niên 1990, Samsung tiếp tục mở rộng trên thị trường điện tử toàn cầu. Tuy gặt hái được nhiều thành công nhưng Samsung cũng vướng phải nhiều vụ bê bối ảnh hưởng tới hoạt động công ty, trong đó có nhiều cáo buộc hối lộ và vi phạm bản quyền.

Dù vậy, công ty tiếp tục đạt nhiều thành tựu về công nghệ và chất lượng sản phẩm, nhiều mặt hàng của Samsung – từ linh kiện bán dẫn tới màn hình – lọt vào top 5 thị phần toàn cầu.

Tháng 6/1993, Chủ tịch Lee Kun-hee bất ngờ thực hiện một cuộc cải cách xuyên suốt từ tầng lớp lãnh đạo tới những nhân viên cấp thấp của Samsung để nâng tầm năng lực cạnh tranh tập đoàn.

Vị chủ tịch này cho rằng Samsung khi đó là doanh nghiệp lớn nhất châu Á bên ngoài Nhật Bản nhưng vẫn chỉ là một thế lực "hạng hai" theo tiêu chuẩn toàn cầu. Vì vậy ông yêu cầu tất cả cấp dưới "phải thay đổi mọi thứ, ngoại trừ gia đình".

Theo Britannica, ông cho rằng sự yếu kém của Samsung bắt nguồn từ xã hội Hàn Quốc, bao gồm hệ thống giáo dục quá chú trọng vào học thuộc lòng và kiểu lãnh đạo độc đoán. Chủ tịch Lee Kun-hee yêu cầu cải cách toàn diện. 

Theo chiến lược "quản trị mới", Samsung nhấn mạnh tất cả nhân viên cấp dưới phải chỉ ra những sai sót của lãnh đạo. Tập đoàn này cũng đặt chất lượng lên trên số lượng, đưa thêm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cấp cao và gạt bỏ thói quan liêu.

Samsung từ xưởng làm mì thôn quê thành đế chế đa ngành toàn cầu - Ảnh 4.

Sản phẩm Samsung Galaxy Note 20. (Ảnh: Samsung)

Trong những năm 2010, Samsung phát triển mạnh dòng điện thoại thông minh Galaxy được người tiêu dùng đánh giá cao và thường xuyên đứng top smartphone bán chạy nhất thế giới.

Năm 2006, Samsung là hãng sản xuất TV hút khách nhất toàn cầu. Từ năm 2010, dòng sản phẩm Galaxy mở rộng sang phân khúc máy tính bảng với sự ra đời của chiếc Galaxy Tab.

Năm 2019, Samsung có khoảng 490.000 nhân viên ở hơn 80 quốc gia trên toàn cầu. Tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai được xây dựng bởi công ty xây dựng của Samsung.

Song Ngọc