|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dấu ấn sự nghiệp đầy thăng trầm của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee

12:14 | 25/10/2020
Chia sẻ
Trong những năm tháng điều hành Samsung, ông Lee Kun-hee đã biến một tập đoàn "hạng hai" trở thành một trong những công ty có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, cùng với đó là những "vết nhơ" trong sự nghiệp như những lần bị kết tội hối lộ và trốn thuế.
Dấu ấn sự nghiệp đầy thăng trầm của ông Lee Kun-hee - Ảnh 1.

Ông Lee Kun-hee, Chủ tịch Tập đoàn Samsung vào năm 2010. (Ảnh: Reuters)

Ông Lee Kun-hee sinh ngày 9/1/1942 tại tỉnh Gyeongsang Nam (Hàn Quốc).

Ông là con trai thứ ba của Lee Byung Chull, người sáng lập ra Tập đoàn Samsung vào năm 1938. Ông theo học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học George Washington (Washington D.C, Mỹ).

Năm 1968, ông Lee Kun-hee gia nhập Samsung, lúc bấy giờ công ty đang hoạt động trong lĩnh vực điện tử, máy móc, hóa chất và dịch vụ tài chính. Năm 1987, hai tuần sau ngày mất của cha, ông Lee Kun-hee chính thức trở thành chủ tịch của Samsung. Tuy nhiên ông giao cho cấp dưới nắm quyền điều hành tập đoàn, theo thông tin từ Britannica.

Tháng 6/1993, ông đã khởi động một cuộc cách mạng triệt để từ cấp quản lí cao nhất để biến Samsung (lúc đó là tập đoàn châu Á lớn nhất bên ngoài Nhật Bản) có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ông tuyên bố Samsung là tập đoàn "hạng hai" theo tiêu chuẩn quốc tế, kêu gọi mỗi nhân viên "hãy thay đổi mọi thứ, trừ gia đình". Theo phong cách "quản lí mới", Samsung nhấn mạnh việc cấp dưới chỉ ra lỗi của cấp trên, sản phẩm phải đề cao chất lượng thay vì số lượng, đề bạt phụ nữ vào hàng ngũ điều hành cấp cao và loại bỏ các hành vi quan liêu.

Ông Lee Kun-hee đã thúc đẩy Samsung tham gia vào nhiều hoạt động mới, chẳng hạn như sản xuất ô tô. Với khoản đầu tư lớn, ông đã đặt mục tiêu sản xuất 20% sản phẩm của Samsung bên ngoài Hàn Quốc vào năm 2000. 

Để thực hiện mục tiêu này, ông chỉ đạo xây dựng một khu phức hợp sản xuất điện tử ở Wynyard (Anh) và các nhà máy bán dẫn ở cả Austin (Texas, Mỹ) và Tô Châu (Trung Quốc).

Ông cũng mua lại các công ty như nhà sản xuất máy tính AST Research của Mỹ, Rollei Camera ở Đức và Lux - nhà sản xuất các sản phẩm âm thanh của Nhật Bản. Dưới dự dẫn dắt của ông, năm 1996, Samsung Electronics được xếp hạng là nhà xuất khẩu chip nhớ hàng đầu thế giới với tổng doanh thu của toàn tập đoàn năm 1995 đạt 87 tỉ USD, tương đương khoảng 19% GDP của Hàn Quốc.

Năm 1996, ông Lee Kun-hee cùng 10 doanh nhân nổi tiếng khác của Hàn Quốc vướng vào một vụ bê bối chính trị xung quanh vụ hối lộ tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Roh Tae Woo. Ông bị kết án tù hai năm nhưng được hoãn thi hành án trong ba năm. Sau này, ông được ân xá bởi một vị tổng thống khác là ông Kim Young Sam.

Dấu ấn sự nghiệp đầy thăng trầm của ông Lee Kun-hee - Ảnh 2.

Ông Lee Kun-hee trả lời báo giới tại trụ sở Tập đoàn Samsung ở Hàn Quốc vào tháng 12/2010. (Ảnh: Lee Jae Won/Reuters)

Vào cuối những năm 1990, Lee Kun-hee đã "chèo lái con thuyền Samsung" vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Vào đầu thế kỉ 21, Samsung là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2008, ông Lee Kun-hee lại bị truy tố về tội tham ô, hối lộ và trốn thuế, ngay sau đó, ông đã từ chức chủ tịch Samsung. Tháng 7 cùng năm đó, ông bị kết tội trốn thuế, phạt khoảng 80 triệu USD và kết án ba năm tù nhưng cho hoãn thi hành án. 

Theo Britannica, vào tháng 12/2009, ông một lần nữa được chính phủ Hàn Quốc ân xá.

Tháng 3/2010, các lãnh đạo của Tập đoàn Samsung đã đưa ông Lee Kun-hee lên làm Chủ tịch Samsung Electronics, công ty con lớn nhất của tập đoàn. Cuối năm đó, ông trở lại làm Chủ tịch của Tập đoàn Samsung.

Tuy nhiên, vào năm 2014, ông mất khả năng lao động sau một cơn đau tim. Mặc dù Lee Kun-hee vẫn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhưng con trai cả của ông là Lee Jae-Yong mới là người lãnh đạo thực tế của Tập đoàn Samsung. Năm 2018, truyền thông đưa tin rằng ông Lee Kun-hee một lần nữa bị điều tra vì tội trốn thuế.

Ngày 25/10/2020, ông Lee Kun-hee qua đời ở tuổi 78. Trong gần 30 năm dưới sự lãnh đạo của ông Lee Kun-hee, Samsung đã trở thành thương hiệu toàn cầu và là nhà sản xuất điện thoại thông minh, TV và chip lớn nhất thế giới. Sản phẩm điện thoại thông minh của hãng cạnh tranh với các đối thủ xứng tầm thế giới như Apple của Mỹ hay Huawei của Trung Quốc.

Tường Vy