|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành bán dẫn Nhật Bản 'được mùa' giữa bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu

23:23 | 12/03/2021
Chia sẻ
Giữa lúc tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu đang gây gián đoạn cho nhiều ngành, từ điện tử gia dụng đến ô tô, thì một số nhà cung cấp ở Nhật Bản vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

 Xu hướng ở nhà trong thời kỳ dịch COVID-19 đang thúc đẩy doanh số các mặt hàng máy tính cá nhân (laptop) điện thoại thông minh (smartphone) và trò chơi điện tử, từ đó dẫn đến sự thiếu hụt các sản phẩm bán dẫn được sử dụng trong các ngành khác. 

Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn đã buộc phải cắt giảm sản lượng. Theo ước tính của IHS Markit, ngành này có thể thiệt hại 60 tỷ USD doanh thu trong năm 2021 trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà cung cấp sản phẩm bán dẫn tại Nhật Bản có thể sẽ được hưởng lợi từ tình hình này.

Công ty Towa chuyên sản xuất máy làm khuôn bán dẫn là một trong những nhà cung cấp công nghệ đúc hàng đầu thế giới. Towa sử dụng phương pháp hút chân không để gắn chip, và công nghệ này được ứng dụng cho các thiết bị điện tử của ô tô.

Trong tài khóa 2020, 87% doanh thu của Towa đến từ mảng sản xuất sản phẩm bán dẫn. Lợi nhuận hoạt động của công ty này đã đạt 1,2 tỷ yen (tương đương hơn 11 triệu USD) trong quý IV/2020 và chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng đến 78% trong năm ngoái.

Ngành bán dẫn Nhật Bản 'được mùa' giữa bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bloomberg.

Bên cạnh đó, Lasertec Corp. là công ty chuyên sản xuất các công cụ để kiểm tra và đo lường các thiết bị che sáng (photomask) được dùng để chuyển các mẫu mạch lên trên đĩa bán dẫn. Đây cũng là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất các máy kiểm tra để xác thực các thiết kế chip trước khi đưa vào sản xuất bằng kỹ thuật in khắc cực tím (EUV).

Lasertec hiện có các văn phòng nước ngoài ở Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Singapore (Xin-ga-po). Trong đó, doanh thu ở thị trường châu Á, trừ Nhật Bản, chiếm đến 65% tổng doanh thu của công ty này.

Ông Masahiro Wakasugi, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết Lasertec sẽ đóng một vai trò then chốt trong công nghệ in khắc cực tím, vốn được các “ông lớn” như TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc sử dụng để sản xuất chip cho iPhone.

Trong nửa đầu tài khóa 2021, cả doanh thu, lợi nhuận và lượng đơn đặt hàng của Lasertec đều ghi nhận các mức cao kỷ lục. Công ty này cũng nâng dự báo lợi nhuận hoạt động của mình trong tài khóa kết thúc vào tháng Hai lên 20 tỷ yen. Giá trị cổ phiếu của Lasertec đã tăng đến 118% trong năm 2020.

Công ty Advantest Corp. sản xuất các thiết bị thử nghiệm bán dẫn và các công cụ đo lường điện tử để kiểm tra chất lượng chip. Advantest Corp. chiếm đến hơn 50% thị phần toàn cầu năm 2019.

Doanh thu ròng của Advantest đã tăng từ 162 tỷ yen năm 2016 lên 276 tỷ yen trong tài khóa 2020, và công ty này đặt mục tiêu doanh thu đạt từ 300-400 tỷ yen vào năm 2027, với tỷ suất lợi nhuận 22%, bằng cách mở rộng hoạt động kinh doanh, thay vì chỉ tập trung vào thiết bị thử nghiệm bán dẫn. Doanh thu tại thị trường châu Á, trừ Nhật Bản, chiếm khoảng 86% doanh thu công ty.

Trong tài khóa 2020, mảng bán dẫn chiếm đến hơn 70% doanh thu của Advantest, và giá cổ phiếu của công ty này đã tăng 25%.

Trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Rorze Corp. là công ty chuyên chế tạo và bán các hệ thống tự động trong sản xuất các sản phẩm bán dẫn. Sản phẩm chính của công ty này là người máy (robot) chuyển đĩa bán dẫn và thiết bị che sáng để hỗ trợ cho các dây chuyên sản xuất mà giảm thiểu khả năng nhiễm bẩn.

Các sản phẩm tự động liên quan đến chip chiếm đến hơn một nửa doanh thu của Rorze. Lợi nhuận hoạt động của công ty trong quý kết thúc vào tháng 11/2020 đạt 2,7 tỷ yen. Rorze đã hoàn tất việc xây dựng văn phòng và nhà máy mới ở Hàn Quốc hồi tháng Hai vừa qua, và cổ phiếu của công ty này tăng đến 53% trong năm 2020.

Khánh Ly