|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ra mắt rầm rộ, Go-Viet vẫn chưa được cấp phép?

21:39 | 17/09/2018
Chia sẻ
Tuyên bố chiếm 35% thị phần TP.HCM sau 6 tuần thí điểm và đã ra mắt chính thức ngày 12/9, Go-Viet vẫn chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngày 12/9, Go-Viet chính thức ra mắt tại Hà Nội với 2 dịch vụ Go-Bike và Go-Send, trong khi 2 dịch vụ khác cũng được xem là lõi của đơn vị này là Go-Car và Go-Pay chưa được công bố thời gian hoạt động cụ thể.

Vướng giấy phép?

Ra mắt rầm rộ và tuyên bố chiếm 35% thị trường xe ôm công nghệ chỉ sau 6 tuần thử nghiệm tại TP.HCM, thế nhưng giấy phép của đơn vị này vẫn là dấu hỏi.

Với 2 dịch vụ Go-Bike và Go-Send, nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết thẩm quyền cấp phép thuộc Bộ Công Thương về thương mại điện tử.

ra mat ram ro go viet van chua duoc cap phep
Go-Viet chiêu mộ lái xe tại Hà Nội. Ảnh: Hiếu Công.

Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử và Thông tư 59/2015/TT-BTC của Bộ Công Thương quy định thương nhân phải đăng ký website và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Tính đến ngày 17/9, Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương niêm yết danh sách 59 doanh nghiệp đã được cấp phép ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Tuy nhiên, Go-Viet không có tên trong danh sách các đơn vị đã được cấp phép.

Trong khi đó, danh sách này có các ứng dụng đang cạnh tranh trực tiếp với Go-Viet trên thị trường gọi xe công nghệ như Grab, VATO và ứng dụng cung cấp dịch vụ giao nhận như Lala Food Delivery, Now của Foody, Viren (Công ty TNHH giao nhận vận chuyển Vina Rental)…

Zing.vn liên hệ với Go-Viet để tìm hiểu về vấn đề giấy phép, tuy nhiên đại diện hãng này cho biết sẽ trả lời sau.

Với dịch vụ gọi xe 4 bánh, Go-Viet dự kiến ra mắt Go-Car trong 4 tháng tới. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng. Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ giới hạn một số lượng nhất định doanh nghiệp được tham gia đề án thí điểm vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử.

ra mat ram ro go viet van chua duoc cap phep
Go-Viet đã ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ tại Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công

Năm 2016, có 9 doanh nghiệp được Bộ GTVT cho phép thí điểm là Grab, Uber, Công ty cổ phần Ánh Dương (Vinasun), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty Cổ phần Sun Taxi (S.Car), Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh (M.Car), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.Car).

Đầu năm 2018, sau khi kết thúc 2 năm thí điểm, Chính phủ cho phép gia hạn thời gian kéo dài đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014.

Bất cứ doanh nghiệp nào muốn tham gia vào lĩnh vực gọi xe công nghệ 4 bánh đều phải đợi đến khi có Nghị định 86 mới.

Tương tự, giấy phép với dịch vụ Go-Pay cũng là vấn đề nan giải. Đơn vị này sẽ cần được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước. Trao đổi với báo chí tại lễ ra mắt, đại diện Go-Viet cho biết doanh nghiệp có 3 lựa chọn cho dịch vụ thanh toán điện tử: xin cấp phép mới; hợp tác với một đơn vị đã được cấp phép; hoặc mua lại đơn vị đã được cấp phép. Hiện nay, Go-Viet đang cân nhắc các lựa chọn, và chưa quyết định phương án cuối cùng.

Doanh nghiệp phải thực hiện đúng luật

Nói với Zing.vn về việc một số doanh nghiệp gọi xe ở Việt Nam chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực giao thông vận tải, nhưng ông nhấn mạnh các doanh nghiệp phải thực hiện đúng luật.

"Chúng tôi là doanh nghiệp Việt và sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của luật pháp Việt Nam" là thông điệp được các quản lý cấp cao của Go-Viet nhấn mạnh khi trao đổi với báo giới.

Go-Viet được thành lập cách đây 6 tháng với vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Sau 6 tuần thử nghiệm tại TP.HCM, doanh nghiệp này đã chính thức ra mắt tại Hà Nội cùng với tuyên bố đã nắm giữ 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM.

"Chúng tôi sốc vì hoàn thành kế hoạch năm 2018 chỉ trong 6 tuần thí điểm", ông Nguyễn Vũ Đức, CEO của Go-Viet, cho hay.

Vừa ra mắt, hãng này liên tục tung ra các khuyến mại và thưởng cho tài xế. Tại Hà Nội, Go-Viet khuyến mại cho các cuốc xe dưới 6 km chỉ với giá 1.000 đồng.

Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử của Chính phủ, việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép là một trong các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo điểm d Khoản 1 Điều 4 Nghị định 52.

Tổ chức vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185⁄2013⁄NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185, cụ thể:

Điều 81. Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động)

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, 3 và Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, c, đ và e Khoản 4 Điều này.

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.