|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tưởng ra về trắng tay, startup chuỗi thiết kế thời trang mô hình Online to Offline bất ngờ giành được deal từ Shark Bình

09:32 | 04/07/2022
Chia sẻ
Với mức định giá là 20 triệu USD, startup Melya tưởng như đã ra về tay trắng tại Shark Tank nhưng ở phút chót, Melya lại bất ngờ nhận được đề nghị từ Shark Bình.

Melya, một thương hiệu thời trang thiết kế cao cấp dành cho nữ là startup tiếp theo xuất hiện trong tập 5 Shark Tank mùa 5. Hai đại diện là ông Cao Tiến Thành, CEO Founder và người đồng sáng lập là ông Nguyễn Tiến Hoàng đến Shark Tank để gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần.

Theo giới thiệu, Melya đang theo mô hình kinh doanh Online to Offline, nghĩa là lấy online làm nền tảng để phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ. Melya tự túc từ khâu sản xuất, đến khâu phân phối bán lẻ trên 2 nền tảng online và offline.

 Hai nhà đồng sáng lập của Melya.

Nguyên liệu của Melya nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua một công ty thứ 3. Melya có 1 phòng sáng tạo và trong đó có 7 – 8 nhà thiết kế. Công ty đang có đối tác gia công, nhưng mục tiêu ngắn hạn sắp tới là cũng sẽ thiết lập một nhà máy để tự vận hành. 

Hiện tại, Melya đang có 13 showroom trên toàn quốc. Từ giờ đến cuối năm, Melya muốn mở thêm hơn 20 showroom để nâng tổng số lên là 38 showroom. Năm 2021, Melya đạt doanh thu 78 tỷ đồng và lợi nhuận là 3,6 tỷ đồng. Theo ông Thành, dự kiến doanh thu trong năm 2022 sẽ đạt 250 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 45 tỷ đồng.

Khi Shark Hùng Anh thắc mắc về cách mà Melya đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022 tăng 20%, cao hơn nhiều lần so với năm 2021 là 5%, ông Thành cho rằng tất cả mô hình kinh doanh theo chuỗi thì ban đầu lợi nhuận rất thấp, nhưng càng mở rộng thì lợi nhuận càng tăng. Startup dự kiến đến tháng 12/2022 biên lợi nhuận lên đến 26%. 

Ông Thành cho biết bản thân đã thai nghén dự án khởi nghiệp này trong vòng 3 năm và cửa hàng đầu tiên khai trương vào tháng 5/2020. Đến tháng 4 năm vừa rồi, Melya mở thêm 2 cửa hàng. Melya cho biết nhờ vào kênh online nên startup vẫn có lãi trong đại dịch, đồng thời công ty đã tối ưu được chi phí trong mảng offline nhờ thuyết phục được các chủ nhà miễn phí mặt bằng.

Lý giải về mức định giá hơn 460 tỷ đồng, ông Thành cho biết cuối năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Melya là 45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 36 tỷ đồng. Nhờ mảng kinh doanh online mạnh nên ông Thành tự tin sẽ đạt mục tiêu mở rộng quy mô cửa hàng khoảng 38 showroom vào cuối năm nay. Startup muốn gọi vốn để xây dựng nhà máy quy mô 500 công nhân.

Shark Hưng là người đầu tiên ra quyết định. Ông cho rằng lĩnh vực này không hiểu biết sâu nên ông không đầu tư. Dù thích mảng thời trang nhưng vì Shark Liên cảm thấy không hợp với startup nên bà từ chối thương vụ này. Shark Hùng Anh quyết định không đầu tư vì mức định giá quá cao.

Chia sẻ thêm về cách chọn mở cửa hàng, ông Thành cho biết các mặt bằng của anh phải đặt trên con phố thời trang có vị trí đắc địa, mặt tiền tầm 7m, diện tích tối thiểu 100m, tối đa 150m. Các cửa hàng của Melya có diện tích tiêu chuẩn cho từng vùng địa lý.

Khi Shark Phú liên tục đưa ra nhiều câu hỏi như: Nếu quy mô của Melya tăng lên 200 cửa hàng thì lợi nhuận bao nhiêu? Chi phí điểm hòa vốn là bao nhiêu? Chi phí phân bổ từ trụ sở chính xuống là bao nhiêu?

Tuy nhiên, startup không có câu trả lời rõ ràng cho Shark Phú nên ông quyết định không đầu tư. 

 Shark Bình bất ngờ chốt deal với Melya.

Shark Bình là người cuối cùng còn lại và ông bất ngờ đưa ra lời đề nghị 1 triệu USD cho 30% cổ phần. Theo đó, ông Bình bày tỏ sự quan tâm với Melya vì vị cá mập cho rằng yếu tố quan trọng nhất của một startup chuỗi thương hiệu nằm ở yếu tố quản trị và quy trình nhưng ông chưa thấy điều đó ở Melya.

Song, Shark Bình vẫn muốn tham gia đầu tư, thẩm định thêm. Từ đó, nếu có thể thì Shark sẽ tham gia vào tái cấu trúc, đóng gói bộ quy trình phù hợp để startup thật sự có thể mở rộng được. 

CEO Melya mong Shark Bình đưa ra một giá khác hợp lý hơn, CEO Founder cam kết nếu năm nay startup không đạt mục tiêu, ông Thành sẽ chia sẻ lại cho Shark Bình nhiều phần trăm cổ phần hơn. Shark Bình hạ xuống 27%. Sau khi hội ý, startup đề nghị 1 triệu USD cho 10%. 

Shark Bình tiếp tục ra giá với 1 triệu USD cho 20% nhưng startup vẫn muốn một mức offer thấp hơn. Màn kỳ kèo giá tiếp tục với đề nghị cuối cùng của Shark Bình là 500.000 USD cho 10% cổ phần và 500.000 USD cho khoản vay chuyển đổi với tỷ lệ lãi suất sẽ đàm phán sau. Và Melya đã đồng ý với đề nghị của Shark Bình.

Thành Vũ