Quản lý bãi thải mỏ: Bài 1 - Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa năng động, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Đến nay, phần lớn nguồn cung năng lượng hiện tại của quốc gia bắt nguồn từ các nguồn năng lượng không tái tạo. Điều này đã tác động làm gia tăng các vấn đề môi trường và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ngành khai thác khoáng sản đã và đang để lại các khu vực rộng lớn cằn cỗi, ô nhiễm, không phù hợp với sản xuất lương thực, vì vậy, để giảm thiểu xung đột, cần thúc đẩy trồng cây năng lượng ở những vùng đất sau khai thác khoáng sản.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài về vấn đề này, giúp độc giả có cái nhìn chung về nguy cơ, tiềm năng của việc trồng cây năng lượng ở bãi thải mỏ sau khai thác.
Bài 1 - Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Bãi thải khổng lồ hình thành từ việc khai thác than tại Mông Dương (Cẩm Phả). Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với lượng đất đá thải hàng năm được lưu giữ tại các bãi thải.
Hiện có ba loại bãi thải gồm: Bãi thải ngoài bố trí ngoài biên giới khai thác mỏ, phổ biến trong khai thác than ở Quảng Ninh, apatit hay đồng ở Lào Cai, sắt ở Thái Nguyên và Cao Bằng.
Bãi thải trong bố trí trong khoảng trống đã khai thác, áp dụng cho các mỏ khai thác than, apatit với các vỉa nằm ngang hoặc dốc thoải hoặc khai thác cuốn chiếu như titan sa khoáng.
Bãi thải quặng đuôi lưu giữ đất đá, quặng phi tiêu chuẩn do quá trình sàng tuyển thải ra, áp dụng cho khai thác bauxite ở Lâm Đồng, Đăk Nông và đồng ở Lào Cai.
Bãi thải làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực bởi các hoạt động khai thác mỏ ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên như ở thành phố Hạ Long, Cẩm Phả.
Bải thải chiếm dụng nhiều diện tích đất trồng trọt và cây xanh như mỏ đồng An Lương ở Yên Bái với diện tích khai thác 14,1 ha, diện tích bãi thải chiếm tới 11,67 ha.
Bải thải làm nhiễm bẩn nước và thay đổi hướng dòng chảy, xả bụi và khí độc vào không khí, gây ra các thảm họa môi trường như sạt lở bãi thải đất đá tại mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), đất đá từ bãi thải vùi lấp nhà xưởng tại Công ty Than Hòn Gai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, lượng thải phát sinh khối lượng lớn, quá trình thu gom, tập kết chất thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí và nước.
Tại Thái Nguyên, phần lớn chất thải rắn phát sinh từ hơn 150 mỏ khai thác khoáng sản, 20 nhà máy chế biến khoáng sản được thu gom, tập kết về các bãi thải theo cam kết trong đánh giá tác động môi trường.
Các bãi thải đã có công trình xử lý như: Bờ kè chân, hố thu, lắng nước mưa chảy tràn, phun tưới đường dập bụi… Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý bãi thải chưa tốt, dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí đe dọa cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý bãi thải như: Việc quản lý các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép không theo dõi được bằng GPS mà các đơn vị báo cáo định kỳ vào cuối năm; Chưa có cơ chế quản lý việc chuyển giao, xử lý chất thải công nghiệp thông thường.
Nghĩa vụ và vai trò của các doanh nghiệp khai thác trong việc phục hồi môi trường các khu khai thác đã đóng cửa được xác định về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, việc đưa các khu khai thác vào các dự án chu kỳ kinh tế, phục hồi môi trường ở Việt Nam được thực hiện "chậm chạp". Công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng với tốc độ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế nhanh chóng trong thời gian qua…
Về quy hoạch, các tỉnh đã quản lý chất thải rắn nhưng chưa có các công trình đổ thải chất thải rắn công nghiệp tập trung, hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh tự chủ trong việc xử lý chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại đơn vị.
Các đơn vị chưa chủ động trong việc quy hoạch khu vực đổ thải, chỉ đáp ứng ở thời điểm hiện tại nên khi mở rộng quy mô sản xuất thường mở bãi đổ thải một cách bị động, gây khiếu kiện trong nhân dân do mất đất, ô nhiễm môi trường.
Việc chấp hành bảo vệ môi trường thực hiện chưa đúng và đầy đủ các cam kết trong đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Nhiều bãi đổ thải chưa xây dựng đúng thiết kế, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bởi vậy, các địa phương cần quy hoạch các bãi thải hợp lý, thiết kế phù hợp như quy hoạch tổng thể khai thác mỏ đồng Sin Quyền - Lào Cai; trồng cây phủ xanh các bãi thải; quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước cho bãi thải, kè chắn chân bãi thải; xây dựng hệ thống đường, bờ tầng ổn định cho bãi thải.
Với các bãi thải ướt, các địa phương thi công đập đất khu vực bãi thải quặng đuôi số 1, thoát nước bãi thải mỏ đồng Sin Quyền; đập chắn bãi thải quặng mỏ Đa Kim Núi Pháp - Thái Nguyên; lót đáy bãi thải quặng đuôi - Công ty nhôm Lâm Đồng...
Nhằm bảo vệ môi trường và an toàn cho các bãi thải đất đá tại Việt Nam, ông Vũ Đình Hiếu, Trường Đại học Mỏ - Địa chất kiến nghị: Các địa phương có hoạt động khai thác mỏ cần hoàn thiện “Quy hoạch sử dụng đất”, trong đó gồm cả đất khai thác khoáng sản, khu vực quy hoạch đổ thải, vấn đề sử dụng đất “thứ sinh” - đất sau khai thác được cấp phép mỏ.
Các đơn vị hoạt động sản xuất cần có quy hoạch, thiết kế hợp lý về đổ thải, thực hiện đổ thải đúng quy định, các thông số phải đảm bảo đúng thiết kế và an toàn.
Song song với việc đổ thải, các địa phương cần có các giải pháp bảo vệ môi trường bãi thải và khu vực đồng bộ về nước thải, không khí, an toàn, bảo vệ cảnh quan; thực hiện cải tạo phục hồi môi trường bãi thải đúng theo cam kết ban đầu, các phương án cải tạo phục hồi môi trường phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương và góp phần bảo vệ môi trường.
Quản lý bãi thải mỏ ở Việt Nam: Bài 2 - Tiềm năng và tác động tích cực