Phó Thủ tướng: Các hãng bay dùng nhiều phi công nước ngoài, gây khó kiểm soát và tiêu chuẩn hóa
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: Báo Chính phủ.
Theo tin từ Báo Chính phủ, ngày 15/8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chủ trì Hội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phó Thủ tướng đánh giá hoạt động bảo đảm an toàn của ngành hàng không Việt Nam đã có cải thiện so với cùng kì năm 2018, đặc biệt không để xảy ra tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B).
Số lượng sự cố các mức C và D giảm nhiều so với cùng kì năm 2018, tuy nhiên các sự cố liên quan đến vật ngoại lai (FOD) vẫn còn cao.
Một trong những tin vui đáng chú ý trong nửa đầu năm nay là vào ngày 15/2, Cục Hàng không Việt Nam chính thức đạt được Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không quốc gia mức 1 (CAT1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.
Thành quả này là sự ghi nhận của nhà chức trách hàng không Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện tổ chức giám sát an toàn hàng không, tạo tiền đề cho kế hoạch mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng chỉ ra trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Trong nửa đầu năm vẫn còn để xảy ra một số vụ việc như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai qui định; vi phạm qui định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không (điển hình như vụ việc hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên tàu bay).
Công tác kiểm soát khai thác còn chưa đảm bảo tuân thủ qui định đã xảy ra tình trạng vi phạm trong xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay; công tác huấn luyện đào tạo cũng như chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và các chương trình đào tạo.
Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực của người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và đòi hỏi nguồn lực của nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn hàng không.
Với tình trạng các hãng đang sử dụng tỉ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá việc này "có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá".
"Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay", Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.
Liên quan đến đội ngũ phi công, hồi đầu tháng 5, Tổng Giám đốc hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết hãng này có khoảng 1.200 phi công trong đó có khoảng 400 phi công là nguời nước ngoài, chiếm tỉ lệ 33%. Số 800 phi công còn lại là người Việt do hãng tự đào tạo.
Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways (do FLC sở hữu 100%) ông Trịnh Văn Quyết cho biết hãng này đang có 300 phi công, trong đó gần 80% là người nước ngoài.
Theo lập luận của Bamboo Airways, một máy bay cần trung bình 11-14 phi công (tùy loại thân hẹp hay thân rộng) để vận hành ổn định.
Hiện nay Bamboo Airways đang khai thác 10 tàu bay thân hẹp các dòng A319, A320 và A321NEO, tức là hãng vẫn đang "dư" hơn 150 phi công, đáp ứng số lượng nhân lực để nâng qui mô đội tàu bay lên 30 chiếc đến năm 2023 theo quyết định ngày 14/8 của Thủ tướng Chính phủ.