|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways giải thích về khoản lỗ 329 tỉ đồng và số tiền cho vay nghìn tỉ

02:19 | 15/08/2019
Chia sẻ
Bamboo Airways mới đây cho biết tuy công ty đang thua lỗ nhưng số lỗ giảm dần từng tháng, doanh thu quí II vừa qua đạt trên 1.100 tỉ đồng, tăng 242% so với quí I. Giá trị các khoản cho vay cũng đã giảm nhẹ xuống dưới 1.000 tỉ đồng.

Doanh thu nghìn tỉ, lợi nhuận âm

Mới đây tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn văn bản của Bộ Tài chính cho biết tại ngày 30/4 năm nay, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là 981 tỉ đồng; bao gồm vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng và lỗ lũy kế khoảng 318 tỉ đồng. 

Tổng nguồn vốn là 2.200 tỉ trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 1.219 tỉ, tỉ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 55,4%. 

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, hãng này lỗ sau thuế 329 tỉ đồng.

Sau khi thông tin trên được đăng tải, Bamboo Airways lên tiếng cho biết trong quí II, doanh thu của hãng đạt 1.115 tỉ đồng, tăng hơn 242% so với quí I. 

Hãng còn tiết lộ số lỗ lũy kế tại ngày 30/6 đã giảm đi so với con số 329 tỉ đồng thời điểm 30/4, tuy nhiên không cho biết cụ thể giảm bao nhiêu.

Để so sánh, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất 24.363 tỉ đồng trong quí II, trong đó doanh thu vận chuyển hành khách là 19.736 tỉ đồng, lãi sau thuế 169 tỉ đồng

Cùng thời gian trên, Vietjet Air đạt doanh thu 12.664 tỉ đồng, trong đó hoạt động vận chuyển hành khách mang về 6.308 tỉ đồng; lãi sau thuế 621 tỉ đồng.

Bamboo Airways cũng "thanh minh" rằng hãng mới đi vào hoạt động ngày 16/1 nên ba tháng đầu tiên là giai đoạn thâm nhập thị trường, hãng phải có những chính sách giảm giá, ưu đãi cho các dịch vụ vận chuyển để thu hút khách hàng. 

Ngoài ra, các khoản đầu tư ban đầu như xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị, đặt cọc thuê mua máy bay cũng sẽ phải chi trả trong thời gian này. Do vậy mà chi phí hạch toán trong những tháng đầu lớn, dẫn tới thua lỗ tạm thời.

Một đại diện Bamboo Airwways cho biết thêm: "Hầu như tất cả hãng hàng không mới ra đời đều sẽ phải chịu lỗ trong những năm đầu tiên. Với Bamboo Airways, khoản lỗ trong thời gian đầu vận hành khai thác đều là nằm trong dự kiến. Tập đoàn FLC đã có văn bản giải trình cụ thể về kế hoạch phát triển đội tàu, năng lực khai thác tàu bay và tài chính".

Bamboo Airways cho ai vay nghìn tỉ?

Văn bản của Bộ Tài chính còn nêu lên thực trạng: Vốn góp của Bamboo Airways là 1.300 tỉ đồng, tổng nguồn vốn là 2.206 tỉ đồng. Nhưng khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tại thời điểm 30/4/2019 lên tới 1.062 tỉ đồng, chiếm gần 49% tổng tài sản. 

Theo Bộ Tài chính, số vốn chủ sở hữu của hãng đang được sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn, song hãng chưa có thuyết minh về đối tượng vay, khả năng thu hồi nên có những khó khăn trong việc thu hồi để đáp ứng tiến độ dự án nâng qui mô đội tàu bay lên 30 chiếc.

Về phần mình, Bamboo Airways cho biết khoản cho vay ngắn hạn của hãng tại thời điểm 30/6/2019 là 986,49 tỉ đồng, đã giảm 7% so với thời điểm 30/4.

Hãng bay khẳng định: Các khoản cho vay này đều dành cho các đối tác thường xuyên của Tập đoàn FLC (công ty mẹ của Bamboo Airways), với mục đích tối ưu dòng tiền của Bamboo Airways và Tập đoàn FLC. 

"Ngay khi Bamboo Airways cần sử dụng đến nguồn tiền này, việc thu hồi sẽ tương đối đơn giản, với sự hỗ trợ và đảm bảo của Tập đoàn FLC", hãng bay này khẳng định.

Hàng không cất cánh, kết quả kinh doanh toàn tập đoàn lao dốc

Tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC tổ chức ngày 26/6, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch của cả FLC và Bamboo Airways cho biết hãng bay này vẫn chưa tạo lợi nhuận và đang cần công ty mẹ FLC bù lỗ.

Ông cho biết thêm: Việc Bamboo Airways đang thua lỗ là nguyên nhân trực tiếp khiến cho lợi nhuận hợp nhất quí I của Tập đoàn FLC giảm 92% so với cùng kì năm ngoái, chỉ còn hơn 8 tỉ đồng.

Trong quí II/2019, Tập đoàn FLC lỗ gộp hợp nhất 51 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái có lãi 347 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 13,2 tỉ đồng, giảm 48% so với quí II năm ngoái.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính riêng quí II của Tập đoàn FLC thể hiện công ty mẹ có lợi nhuận gộp 118 tỉ đồng và lãi ròng 264 tỉ đồng. Điều này cho thấy ít nhất một trong số các công ty con của Tập đoàn FLC, trong đó phải kể đến Bamboo Airways, đang làm ăn thua lỗ, dẫn tới kéo tụt kết quả kinh doanh toàn tập đoàn.

Trong một diễn biến khác, hôm nay 14/8, Chính phủ đã có quyết định chính thức cho phép Bamboo Airways tăng lên qui mô đội tàu bay lên 30 chiếc đến năm 2023.

Theo quyết định này, đội bay của Bamboo Airways đến năm 2023, bao gồm 30 tàu bay các loại thân hẹp Airbus A319/A320/A321 và thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing B787. Cùng với đó, vốn điều lệ của hãng bay cũng được phê duyệt tăng từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng; chủ sở hữu là Tập đoàn FLC đã góp đủ 100%.

Kiên Dương