|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways muốn được phép khai thác trên 30 tàu bay, Cục Hàng không chưa đồng ý

10:40 | 27/04/2019
Chia sẻ
Bamboo Airways được Cục Hàng không đồng ý về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, tăng vốn điều lệ và bổ sung danh sách chi nhánh. Riêng đề nghị tăng qui mô đội tàu bay lên trên 30 chiếc, Cục Hàng không cho rằng cần xem xét, thẩm định kỹ lưỡng hơn.

Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về kết quả thẩm định hồ sơ xin cấp lại Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) của  Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Đề xuất cấp lại Giấy phép của Bamboo Airways

Cụ thể, Bamboo Airways đã được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép KDVCHK ngày 12/11/2018 với vốn điều lệ 700 tỉ đồng, khai thác tối đa 10 tàu bay cho vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế.

Trong quí I năm nay, Bamboo Airways đề nghị cấp lại Giấy phép do các nội dung gồm: Ông Trịnh Văn Quyết làm Tổng Giám đốc và Người đại diện theo pháp luật thay ông Đặng Tất Thắng, bổ sung danh sách chi nhánh, tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỉ đồng và thay đổi phạm vi hoạt động thành: kinh doanh vận chuyển quốc tế, nội địa, khai thác trên 30 máy bay.

Bamboo Airways muốn được phép khai thác trên 30 tàu bay, Cục Hàng không chưa đồng ý - Ảnh 1.

Một máy bay A321NEO của Bamboo Airways. Ảnh: Kiên Dương.

Thông tin thêm về việc tăng vốn của Bamboo Airways, ngày 13/7/2018, HĐQT Tập đoàn FLC (công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Bamboo Airways) ban hành nghị quyết thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Bamboo Airways từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng. 

Đến ngày 25/7/2018, Bamboo Airways đã được Phòng Đăng kí Kinh doanh tỉnh Bình Định cấp thay đổi đăng kí kinh doanh, theo đó vốn điều lệ của công ty được tăng lên mức 1.300 tỉ đồng. Thời điểm góp vốn là ngày 18/7, tức 5 ngày sau khi nghị quyết về việc tăng vốn được ban hành. 

Tuy nhiên, theo Giấy phép KDVCHK cấp ngày 12/11/2018 vẫn ghi nhận vốn điều lệ của Bamboo Airways là 700 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của Tập đoàn FLC, tính đến ngày 31/12 năm ngoái, FLC vẫn chưa thanh toán 1.058 tỉ đồng tiền góp vốn cho Bamboo Airways.

Sở dĩ Bamboo Airways cần được nâng vốn điều lệ lên 1.300 tỉ đồng là bởi đây là số vốn tối thiểu để một doanh nghiệp được phép khai thác trên 30 tàu bay cho vận chuyển nội địa và quốc tế, theo qui định của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP. 

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến Dự thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92 và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, số vốn tối thiểu để khai thác trên 30 tàu bay cho vận chuyển nội địa và quốc tế vẫn là 1.300 tỉ đồng.

Bamboo Airways muốn được phép khai thác trên 30 tàu bay, Cục Hàng không chưa đồng ý - Ảnh 2.

Kiên Dương tổng hợp.

Đầu tháng 4 này, Tập đoàn FLC công bố kế hoạch tăng vốn cho Bamboo Airways lên 2.000 tỉ đồng nhưng chưa rõ khi nào sẽ hoàn thành.

Kết quả thẩm định của Cục Hàng không

Thay đổi người đại diện theo pháp luật, tăng vốn điều lệ, bổ sung chi nhánh

Qua quá trình thẩm định hồ sơ, Cục hàng không nhận thấy Bamboo Airways đã cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan theo qui định tại Khoản 1, Điều 11 của Nghị định 92.

Cụ thể, nội dung thay đổi về vốn điều lệ đã được thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, các chứng từ chuyển tiền và báo cáo vốn góp của chủ sở hữu và báo cáo kiểm toán độc lập của công ty tại ngày 20/2/2019.

Nội dung về thay đổi người đại diện theo pháp luật và bổ sung chi nhánh được thể hiện đầy đủ trong giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng kí hoạt động chi nhánh và điều lệ hoạt động của công ty.

Do vậy, Cục Hàng không kết luận Bamboo Airways đủ điều kiện để cấp lại Giấy phép KDVCHK với nội dung thay đổi về người đại diện theo pháp luật, tăng vốn điều lệ và bổ sung danh sách chi nhánh.

Thay đổi phạm vi hoạt động: Khai thác trên 30 tàu bay cho kinh doanh vận chuyển quốc tế, nội địa.

Về vấn đề này, Cục Hàng không thấy cần xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, sự phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng hàng không cũng như từ khía cạnh năng lực của Bamboo Airways và thực tiễn việc đảm bảo giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không.

Đối với Bamboo Airways, Cục Hàng không đã yêu cầu doanh nghiệp này giải trình rõ về việc nguồn lực đảm bỏa khai thác tàu bay an toàn, an ninh và cung cấp các hợp đồng tuyển dụng lao động đã kí kết, các hợp đồng cung cấp dịch vụ mặt đất, kế hoạch chi tiết việc tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực khai thác đội tàu bay đến 40 chiếc trong năm 2019.

Về phía Cục Hàng không, đơn vị này cho biết mình chỉ đảm bảo quản lí được đến 256 tàu bay đăng kí quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các tàu bay trực thăng và tàu bay hàng không chung).

Bamboo Airways và công ty mẹ là Tập đoàn FLC từ lâu đã tuyên bố kế hoạch nâng qui mô đội bay lên 40 chiếc trong năm 2019. Cục Hàng không nhận thấy kế hoạch này của Bamboo Airways cùng với dự tính nhận tàu bay của các hãng hàng không khác tại Việt Nam, tổng số tàu bay mang quốc tịch Việt Nam thời điểm 31/12/2019 là 277 chiếc, tăng 61 chiếc so với hiện tại và vượt quá 21 chiếc so với năng lực giám sát của Cục Hàng không đã được phê duyệt.

Do đó, Cục Hàng không cho biết sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT sau khi Bamboo Airways đã có văn bản giải trình và cung cấp các tài liệu đảm bảo khả năng khai thác đội tàu bay đến 40 chiếc trong năm 2019 và đánh giá của Cục Hàng không về vấn đề này.

Trên cơ sở kết quả thẩm định trên, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT xem xét quyết định việc cấp lại Giấy phép KDVCHK cho Bamboo Airways ghi nhận những thay đổi của công ty về người địa diện theo pháp luật, vốn điều lệ và bổ sung danh sách chi nhánh.

Về nội dung thay đổi phạm vi KDVCHK, khai thác trên 30 tàu bay của Bamboo Airways, Cục Hàng không sẽ có văn bản riêng báo cáo Bộ GTVT.

Song Ngọc, Kiên Dương