Philippines từ chối cấp giấy phép cho Go-Jek
Grab, Go-Jek và cuộc chiến chiếm thế thượng phong của 'siêu ứng dụng' |
Reuters đưa tin Uỷ ban Điều hành và Nhượng quyền thương mại giao thông đường bộ (LTFRB) của Philippines từ chối đơn đăng ký triển khai dịch vụ gọi xe của Go-Jek.
Động thái này là một trở ngại đối với kế hoạch mở rộng thị phần của Go-Jek tại thị trường gọi xe Đông Nam Á, vốn đang chịu sự chi phối của Grab.
Chủ tịch LTRFN, ông Martin Delgra, cho biết Velox Technology Philippines – công ty con của Go-Jek, không đáp ứng yêu cầu về sở hữu nước ngoài và đơn đăng ký không được xác thực theo đúng pháp luật.
Hiến pháp Philippines quy định chỉ công dân Philippines hoặc doanh nghiệp mà công dân Philippines sở hữu tối thiểu 60% cổ phần mới có thể vận hành dịch vụ công cộng. Trong khi đó, Velox hoàn toàn thuộc sở hữu của Go-Jek.
Hiện tại, thông qua công ty địa phương MyTaxi, Grab đang tuân thủ theo đúng giới hạn tỉ lệ sở hữu mà Philippine quy định.
Người phát ngôn của Go-Jek cho biết công ty đang tích cực thương lượng với LTFRB và các cơ quan chính phủ, để triển khai dịch vụ cho người dân Philipines. Go-Jek cũng có thể khiếu nại quyết định của LTFRB.
Ảnh: Reuters. |
Ra đời từ năm 2011 tại Jakarta (Indonesia), Go-Jek đang đi trên con đường phát triển từ dịch vụ gọi xe thành siêu ứng dụng, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, đặt hàng thực phẩm, tạp hoá đến massage.
Năm 2018, Go-Jek tuyên bố họ sẽ chi 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philippine. Trong năm 2018, Go-Jek đã gia nhập thị trường Việt Nam và sau đó thử nghiệm tại Singapore.
Ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Go-Jek là hai “kỳ phùng địch thủ” trong lĩnh vực gọi xe công nghệ và rộng hơn là mục tiêu trở thành siêu ứng dụng. Hiện nay, Grab được định giá khoảng 11 tỷ USD còn Go-Jek có giá trị khoảng 5 tỷ USD.