Phân khúc bất động sản này tăng giá ngay từ đầu năm, đâu là khu vực đáng đầu tư?
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn mới đây cho thấy, do tháng 1 là tháng cận Tết nên nguồn hàng rao bán và nhu cầu tìm mua bất động sản có sự sụt giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung rao bán, nhu cầu tìm kiếm bất động sản lại có sự cải thiện đáng kể.
Đáng chú ý, mức giá rao bán ghi nhận tăng đều ở một số phân khúc. Đơn cử, tại Hà Nội, giá chào bán biệt thự, nhà liền kề tăng hầu hết tại các khu vực tập trung nhiều khu đô thị như tại Long Biên và Gia Lâm (Hà Nội) tăng đáng kể lần lượt tăng 38% và 27%, đạt gần 140 triệu đồng/m2 và hơn 80 triệu đồng/m2. Trong khi đó, căn hộ chung cư dù giảm cả lượng tin đăng và mức độ quan tâm nhưng giá rao bán vẫn tăng 4,6%.
Tương tự tại TP HCM, giá rao bán biệt thự, liền kề cũng tăng tới 24% tại quận 7 và 22% tại huyện Nhà Bè tăng. Đối với phân khúc chung cư, mức giá rao bán cũng ghi nhận tăng 1,8%.
Nhận định của nhiều chuyên gia trước đó cũng chỉ ra rằng, câu chuyện tăng giá nhà sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2022 do nguồn cung dự kiến sẽ tăng trở lại và nhu cầu lớn.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, nguồn cung bất động sản nhà ở TP HCM có thể được cải thiện đáng kể vào năm 2022.
Do quỹ đất nội thành khan hiếm, các dự án mới ở phân khúc trung cấp sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông và các quận ngoại thành. Còn quỹ đất trung tâm sẽ được ưu tiên phát triển các dự án nhà ở hạng sang và cao cấp. Giá nhà ở dự kiến sẽ duy trì đà tăng trung bình 3 - 7% ở các phân khúc.
Trong khi đó, tại Hà Nội, nguồn cung mới sẽ đến từ các khu đô thị lớn ở ngoại thành - nới có quỹ đất lớn. Mặc dù giá bất động sản tại Hà Nội thực tế không biến động mạnh như TP HCM nhưng vẫn tăng đều 1 - 3% mỗi năm.
Vị này cho rằng, với nguồn cung dồi dào trong năm tới và nhu cầu mua nhà lớn của người dân, giá bán nhà ở tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2022. Theo đó, bất động sản nhà ở tại các khu vực vùng ven TP HCM và Hà Nội là phân khúc đáng được cân nhắc cho các nhà đầu tư cá nhân trong năm tới.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, ở một số đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM đang nổi lên một xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đến từ việc giá của bất động sản của khu vực nội thành đã được thiết lập ở mức cao. Bởi vậy, kỳ vọng về khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn và nhà đầu tư thường tìm cơ hội ở những quận/huyện ngoài trung tâm và vùng xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhờ vậy, áp lực tăng giá tại những khu vực nội thành được giảm tải, tránh hiện tượng đẩy giá quá cao.
Bên cạnh đó, chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc thu hút nhà đầu tư và người mua. Đơn cử, theo kế hoạch, TP Hà Nội dự kiến dành hơn 51.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022, trong đó 30% đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong những năm sắp tới, các dự án được ưu tiên bao gồm: đường vành đai 2.5, 3, 3.5, 4, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Thượng Cát. Kèm theo đó là cải thiện và nâng cao tuyến đường quốc lộ cùng việc hoàn thiện các dự án tàu điện. Hệ thống giao thông thuận tiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, hỗ trợ kết nối giữa các dự án ven đô và trong trung tâm.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, bất động sản Việt Nam đang bị lạm phát giá bởi thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp thực hiện dự án gặp vướng mắc về pháp lý và đây chính là chi phí đẩy, khiến giá trị đầu vào của sản phẩm gia tăng.
"Do đó, trong năm 2022, theo tôi cũng sẽ là câu chuyện tăng giá bất động sản để ở. Thị trường nhìn chung vẫn phát triển tốt. Tuy vậy, tốt cho người mua để ở chứ không phải mua để đầu tư", ông Khương nhận định.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, với nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu vẫn khá cao trên thị trường vào năm 2022 nhưng do giá tăng cao nên sẽ khó khăn cho người có nhu cầu thực ở phân khúc tầm trung. Phân khúc giá khoảng 2 - 3 tỷ đồng dự báo sẽ tăng giá mạnh.
Còn đối với nhà đầu tư tổ chức, họ không còn làm dự án theo kiểu quỹ đất nhỏ lẻ, bởi TP HCM cũng đã hết quỹ đất. Sau đợt dịch vừa rồi, mọi chiến lược đầu tư dự án của các chủ đầu tư ít nhiều đều thay đổi. Họ sẽ có chiến lược tìm quỹ đất tại các thành phố vệ tinh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai,… với quy mô vài chục đến vài trăm ha.