|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản sẽ đối mặt với những thách thức này trong năm 2022

15:18 | 15/03/2022
Chia sẻ
Thị trường bất động sản năm 2022 đứng trước nhiều bệ đỡ song cũng đối diện với không ít những thách thức như nguồn cung khan hiếm, giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh,...
Thách thức của bất động sản trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản năm 2022 đan xen giữa thách thức và cơ hội. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II diễn ra mới đây,  TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu tương đối nhanh, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.  

Dù có rất nhiều động lực nhưng theo vị này, trong năm 2022, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức. Theo đó, các rủi ro bên ngoài bao gồm rủi ro địa chính trị (chiến sự Nga - Ukraine); giá cả, lạm phát còn tăng mạnh; các nước thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp; dịch bệnh còn phức tạp; sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm; lạm phát tăng; nợ xấu tăng; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn,...

Ông Lực nhận định, chiến sự Nga – Ukraine có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm 1,1 - 1,3 điểm %, lạm phát (CPI) tăng 0,8 - 1 điểm %, ghi nhận hơn 4%.

Thách thức của bất động sản trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Reatimes).

Từ những phân tích về kinh tế vĩ mô, vị chuyên gia này cũng đưa ra những bệ đỡ cho thị trường bất động sản năm 2022 như gói phục hồi kinh tế, đầu tư công,...

Cụ thể, theo ông Lực, nền kinh tế phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023; quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2023 (ban hành tháng 12/2021).

Đáng chú ý, gói hỗ trợ phát triển nền kinh tế với quy mô 350.000 tỷ đồng tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao gồm: Đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng và các giải pháp khác.

Bên cạnh đó còn có các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; tăng chi đầu tư phát triển; hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, các vấn đề về pháp lý đã và đang được tháo gỡ như Nghị định 148 năm 2020 về đất đai, Nghị định 69 năm 2021 về cải tạo chung cư cũ, Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở….; Một Luật sửa 9 Luật vừa được thông qua, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến sửa đổi năm 2022 - 2023, ban hành sửa đổi Nghị định về khu công nghiệp,…

Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa đang ngày càng tăng lên, nếu năm 2020 là 40% thì dự kiến đến năm 2025 tăng lên 45% và đạt 50% năm 2030; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các quỹ REITs được thành lập, thị hiếu khách hàng thay đổi sau đại dịch.

Về đầu tư hạ tầng giao thông 2021 - 2025, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư là 147.000 tỷ đồng (120.000 tỷ đồng cân đối từ kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025, còn lại từ Chương trình phục hồi) đang được đẩy mạnh triển khai; đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình phục hồi 2022 - 2023 (113.550 tỷ đồng); các chương trình đầu tư công khác (sân bay, cầu cảng, nông thôn mới...).

Vị chuyên gia này cho biết thêm, trong năm 2021, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 12% với tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ của nền kinh tế (cho vay nhà ở chiếm 65% tương đương 1,3 triệu tỷ đồng, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản; vốn tư nhân và vốn FDI đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt; lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành gấp 3 lần năm 2020.

Về thách thức đối với thị trường bất động sản, theo ông Lực, nguồn cung hiện nay chưa thể dồi dào ngay. Giá năng lượng, nguyên vật liệu ghi nhận tăng nhanh (trong hai tháng đầu năm tăng 2%).

Ngoài ra, Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi Nghị định 153). NHNN đã ban hành Thông tư 16 kiểm soát đầu tư của tổ chức tín dụng vào trái phiếu bất động sản; chương trình đánh thuế bất động sản.

Trong khi đó, ông Lực cho rằng, các cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng không lành mạnh; giá bất động sản vẫn không ngừng tăng, đặt ra câu hỏi liệu có điều chỉnh,...

Công Tâm

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.