PGS.TS Trần Đình Thiên: TTCK đang có vấn đề rất nghiêm trọng, cần 'bơm máu' cho nền kinh tế không sẽ để mất thời cơ
Phát biểu tại Toạ đàm "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" diễn ra ngày 8/10, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam gồm mấy yếu tố: Thị trường tiền tệ; thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp).
Trong đó, thị trường tiền tệ, vốn vay ngân hàng, bản chất thị trường là ngắn hạn, không thể để tình trạng rủi ro quá, nhiều nhất là trong cái bối cảnh hiện nay thế giới quá nhiều rủi ro.
Ông Thiên nhìn nhận, trong cấu trúc tài chính tiền tệ thì việc ứng xử của Ngân hàng Nhà nước vừa qua cơ bản là phù hợp. Tất nhiên, vẫn có thể nới thêm nữa bởi vì năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của ta tương đối tốt.
Với thị trường chứng khoán, hiện nay, thị trường này đang có vấn đề rất nghiêm trọng. Chính phủ tập trung vào chỗ này là điều kiện bắt buộc và phải làm.
"Việc tiếp cận này không phải để phục vụ lợi ích nhóm mà là "bơm máu" vào nền kinh tế để tạo ra các động lực mới khôi phục đà của nền kinh tế, nếu không chúng ta đánh mất thời cơ", Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiến nghị.
Doanh nghiệp hiện nay đang rất khát vốn, 3 năm vừa qua ngưng tụ nhiều chiều, lạm phát có nguy cơ thường trực, lãi suất thế giới cao ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái từ đó tác động đến xuất nhập khẩu.
"Lúc này không tập trung cứu doanh nghiệp, nền kinh tế có nguy cơ đánh mất thành quả và chậm nhịp, lỡ thời cơ. Việc tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp phải tập trung hàng đầu, căn cứ vào dự án cụ thể chứ theo thủ tục hành chính chung thì rất khó. Lúc tình thế bất thường phải hành động khác thường thì mới được", ông Thiên nói.
Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến những phiên lao dốc, chốt tuần VN-Index để mất 8,5%, tương ứng giảm 96,2 điểm và đóng cửa ở mốc 1.035,91 điểm.
Nếu tính từ đầu năm 2022, với chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất là 1.528 điểm thì tính đến hiện tại thị trường đã mất 493 điểm, tương đương giảm khoảng 32,2% giá trị từ đỉnh.
Diễn biến của TTCK được đánh giá là khá bất thường trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu khả quan.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định nhưng kinh tế Việt Nam được đánh giá tăng trưởng khá tốt, GDP được dự báo đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm nay. Lạm phát của Việt Nam đang nằm trong mục tiêu kiểm soát của Chính phủ và khả năng sẽ giữ được lạm phát ở mức mục tiêu 4%.
Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam dù mất giá so với USD nhưng vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Lý do nhờ vào dự trữ ngoại tệ tích lũy trong những năm qua, dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài, thặng dư thương mại và dòng tiền kiều hối. Với việc tiền đồng giữ ổn định sẽ tác động tích cực trở lại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.
Trước những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán, TS. Lực đánh giá thị trường chứng khoán Việt gặp nhiều khó khăn vì đang bị điều chỉnh. Hai năm vừa rồi tăng nóng nên năm nay sẽ giảm. Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà ở nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước đang siết chặt việc đầu cơ, thao túng cổ phiếu nhằm lành mạnh hóa thị trường cũng tác động phần nào đến chứng khoán. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trước đây tương đối nhiều nhưng hiện nay đã giảm xuống cũng gây ảnh hưởng đến thị trường. Thêm vào đó, hiệu ứng đám đông cũng đã không còn trên thị trường mà cụ thể số tài khoản đăng ký mới đang giảm dần cũng là nhân tố đẩy thị trường giảm điểm mạnh vừa qua.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo cần bảo đảm lưu thông lành mạnh, bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường.
Các loại thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, bất động sản... đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó, cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.