|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden

22:17 | 12/09/2020
Chia sẻ
Tổng thống Trump đang dùng lại chiến lược đả kích Trung Quốc của năm 2016 để tái tranh cử. Tuy nhiên, sau gần 4 năm cầm quyền, thắng lợi của ông Trump trước Bắc Kinh khá hạn chế và không có gì đảm bảo áp dụng "lối chơi cũ" có thể giúp ông thắng đối thủ Biden.

Phần nhiều chiến lược tranh cử mà Tổng thống Trump thực hiện trong vài tuần qua có vẻ giống với những lời hứa tranh cử của ông cách đây 4 năm.

Năm 2016, ông Trump từng tuyên bố sẽ buộc doanh nghiệp Mỹ ngừng hoạt động ở nước ngoài và mang việc làm trở về quê nhà. Đồng thời, ông Trump cam kết sẽ chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cũng như hỗ trợ các công ty sản xuất hàng hóa tại Mỹ.

"Dưới chính quyền của tôi, chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi", ông Trump lặp lại quan điểm cũ vào Ngày Lao động năm nay, 7/9/2020.

"Tôi sẽ áp thuế với các công ty bỏ Mỹ để tạo việc làm ở Trung Quốc và các nước khác. Nếu không hoạt động ở Mỹ, họ sẽ phải đóng một khoản thuế cao ngất để xây dựng nhà máy ở nơi khác rồi đưa hàng hóa về đất nước chúng ta", ông Trump nói tiếp.

"Tôi đã hành động cứng rắn hơn bao giờ hết để phản đối Trung Quốc đánh cắp việc làm của bang Michigan", ông Trump đăng tweet hôm 11/9. "Joe ngủ gật (cách ông Trump gọi đối thủ Joe Biden một cách miệt thị) đã thề sẽ xóa bỏ thuế quan của tôi và cho phép Trung Quốc tiếp tục cướp bóc. Chương trình nghị sự của ông ta là 'Made in China', còn của tôi là 'Made in the USA'".

Washington đã áp thuế quan lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, công bố các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc và đưa ra chính sách hạn chế hoạt động của các công ty công nghệ từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Mỹ không có kế hoạch rời Trung Quốc và quay về Mỹ.

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden - Ảnh 1.

Bloomberg dẫn lời ông Scott Paul - Chủ tịch của tổ chức Alliance for American Manufacturing, cho hay: "Hiện tại, một bộ phận các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ chưa có động thái chuyển đổi đáng chú ý nào khỏi nguồn cung ứng của Trung Quốc".

"3M vẫn tiếp tục sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc song song với tại Mỹ. Tôi cũng không thấy Apple có kế hoạch thoái vốn khỏi Trung Quốc", ông Paul lí giải.

Theo khảo sát mới của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, chỉ khoảng 4% trong hơn 200 nhà sản xuất Mỹ tại Trung Quốc cho biết họ sẽ chuyển dây chuyền về Mỹ. Hơn 75% không có ý định rời khỏi Trung Quốc, trong khi 14% sẽ chuyển một phần dây chuyền sang các nước khác.

Trong một khảo sát riêng của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, 87% trong hơn 100 công ty Mỹ cho biết họ không có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi đất nước tỉ dân với niềm tin lâu dài vào thị trường này.

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden - Ảnh 2.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump không đưa ra nhiều thông tin chi tiết về cách ông sẽ mang việc làm từ Trung Quốc trở về Mỹ trong nhiệm kì hai.

Tuy nhiên, họ lại đề cập đến một số động thái khác, chẳng hạn như thuế quan đối với hơn 300 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc, gọi đó là thành công trong việc đối phó với hành vi "gian lận thương mại lan tràn của Trung Quốc".

Ông Steve Cortes - cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, tuyên bố: "Tổng thống Trump cuối cùng đã đứng lên chống lại chính quyền Bắc Kinh. Đây là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên làm như thế".

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden - Ảnh 3.

Một trong các thành công ít ỏi của ông Trump là thỏa thuận thương mại giai đoạn một kí vào đầu năm nay. Để Washington giảm một số thuế quan trừng phạt, Bắc Kinh cam kết sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mua thêm khoảng 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm.

Trung Quốc khó có thể đạt được các mục tiêu mua hàng trong năm nay, một phần do đại dịch COVID-19 làm gián đoạn nhu cầu và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã mua một lượng lớn thịt bò và ngô từ Mỹ, đồng thời nhắc lại cam kết hoàn thành thỏa thuận.

Ngay cả khi Tổng thống Trump tiếp tục kêu gọi các công ty Mỹ ngừng đầu tư vào Trung Quốc, thỏa thuận giai đoạn một của ông lại mở ra cơ hội mới cho các công ty bảo hiểm và dịch vụ tài chính Mỹ làm ăn ở đất nước tỉ dân.

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden - Ảnh 4.

Nhìn vào thành tích trong nhiệm kì đầu tiên của ông Trump, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng đưa việc làm về Mỹ của ông.

"Ông Trump đã có 4 năm để biến lời hứa thành hiện thực", bà Wendy Cutler - Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á kiêm quyền Phó Đại diện Thương mại dưới thời ông Barack Obama, nhấn mạnh.

"Đâu phải việc gì cũng dễ dàng thay đổi được. Ông Trump chỉ phá vỡ xu thế trước kia bằng cách sử dụng thuế quan và ông ta nghĩ đó là một viên đạn thần kì", bà Cutler nói tiếp.

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden - Ảnh 5.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật này khi cố gắng tô vẽ đối thủ Joe Biden là một người mềm mỏng với Trung Quốc.

"Nếu Joe Biden đắc cử, Trung Quốc đương nhiên thắng vì bọn họ sẽ chiếm hữu đất nước của chúng ta", ông Trump phát biểu trong Ngày Lao động.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng còn tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc về COVID-19 - đại dịch đã khiến hơn 192.000 người Mỹ tử vong. Bản thân ông Trump thường xuyên gọi virus SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc".

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden - Ảnh 2.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden vừa tiết lộ kế hoạch trừng phạt các tập đoàn đa quốc gia tạo công ăn việc làm ở nước ngoài và khẳng định ông Trump đã thất hứa khi không thể giải quyết vấn đề Trung Quốc trong nhiệm kì đầu.

"Ông Trump hứa hẹn rất nhiều. Ông ta hứa một mình ông ta có thể ngăn chặn tình trạng thất thoát việc làm của nước Mỹ", ông Biden phát biểu hôm 9/9. "Có khi giờ ông ta đang hi vọng chúng ta quên béng những lời hứa đó đi".

Ông Trump khó dùng lại chiêu bài Trung Quốc năm xưa để đối đầu ông Biden - Ảnh 7.

Trong kế hoạch mới, ông Biden muốn hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài và làm mới hoạt động chế tạo tại thị trường nội địa. Kế hoạch này có thể ngăn các công ty chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, tuy nhiên lại không đủ mạnh để giúp các nhà máy từng bị đóng cửa hoạt động trở lại.

Theo Bloomberg, ông Biden có thể sử dụng chiến thuật cây gậy và củ cà rốt để tăng thuế đối với lợi nhuận ở nước ngoài của một doanh nghiệp nhưng tạo các ưu đãi thuế cho những công ty chuyển việc làm và đầu tư trở lại Mỹ.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy hai ứng viên tổng thống Mỹ đều đang dựa vào đánh giá của cử tri về cách họ điều hành nền kinh tế.

Về chính sách Trung Quốc của ông Trump, 57% người tham gia cuộc thăm dò của Gallup không tán thành, trong khi 40% ủng hộ.

Tổng thống Trump đang giảm dần thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc, tuy nhiên đại dịch COVID-19 xuất hiện và cản đường ông. Ngoài ra, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng giảm dần khi thuế quan có hiệu lực.

Trong khi tổng lượng lao động trong ngành chế tạo Mỹ từng tăng lên mức đỉnh 12 năm vào tháng 11 năm ngoái, đại dịch lại khiến hơn 700.000 công nhân mất việc.

"Dù Tổng thống Trump hứa hẹn thay đổi dòng chảy thương mại với Trung Quốc và tạo thêm việc làm trong lĩnh vực chế tạo Mỹ, ông Trump sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ luận điểm của bản thân", Chủ tịch Scott Paul của Alliance for American Manufacturing cho hay.

Nội dung: Yên Khê - Đồ họa: Alex Chu

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.