Ông Trump đánh mất lợi thế ngân sách tranh cử vào tay đối thủ Biden
Sau khi chi tiêu mạnh tay trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã đệ đơn tái tranh cử ngay ngày nhậm chức, sớm hơn các tổng thống Mỹ trong thời kì hiện đại. Ông Trump tin khởi đầu thuận lợi sẽ mang lại lợi thế tài chính quyết định cho ông trong năm 2020.
Niềm tin của ông Trump dường như đã đặt đúng chỗ. Đối thủ Joe Biden khá túng quẫn khi trở thành ứng viên tiềm năng của Đảng Dân chủ vào mùa xuân năm nay, trong khi Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa (RNC) đã có sẵn gần 200 triệu USD.
5 tháng sau, ưu thế tài chính của ông Trump đã bốc hơi. Chiến dịch tranh cử của ông chủ Nhà Trắng đã chi hơn 800 triệu USD trong tổng 1,1 tỉ USD mà ông và Đảng Cộng hòa huy động được từ đầu năm 2019 đến tháng 7 năm nay.
Giờ đây, một số nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đang dự đoán về một điều tưởng chừng khó xảy ra: Họ có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách khi chỉ còn chưa đầy 60 ngày nữa là đến ngày cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu.
Thông qua phỏng vấn với hàng chục trợ lí, cựu trợ lí và đồng minh của ông Trump, cũng như qua đánh giá hàng chục nghìn danh mục mua sắm trong hồ sơ chiến dịch liên bang, New York Times nhận thấy nhóm tranh cử của Tổng thống Trump và RNC đã hình thành một số thói quen không tốt khi đốt hàng trăm triệu USD.
Kể từ khi ông Bill Stepien thay thế cựu Giám đốc chiến dịch Brad Parscale vào tháng 7, nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã áp dụng một loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng về tuyển dụng, di chuyển và ngân sách quảng cáo.
Dưới thời ông Parscale, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã dành hơn 350 triệu USD, tức gần một nửa trong 800 triệu USD đã chi, để gây quĩ trực tiếp mà bỏ qua hoạt động tìm kiếm nhà tài trợ trực tuyến.
Chiến dịch còn tập hợp một đội ngũ nhân viên lớn, trả lương cao và đặt văn phòng tại khu vực ngoại ô Virginia để thuận tiện làm việc. Ngoài ra, họ còn chi hơn 100 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo dồn dập trên truyền hình trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa.
Theo Advertising Analytics, một trong các thỏa thuận quảng cáo gây chú ý và đặt ra nhiều nghi ngờ nhất là hai quảng cáo trên chương trình Super Bowl mà chiến dịch của ông Trump dành riêng 11 triệu USD để đặt lịch. Con số này còn nhiều hơn số tiền mà chiến dịch chi cho dịch vụ truyền hình ở một số bang chiến lược.
Ngoài ra, nhóm vận động tranh cử cho Tổng thống Trump còn chi tiêu nhiều khoản nhỏ khác như thuê nhân viên tư vấn với mức lương cao; chi 156.000 USD cho máy bay kéo biểu ngữ trên không trong vài tháng qua; và trả gần 110.000 USD cho Yondr - một công ty chuyên sản xuất túi từ đựng điện thoại để nhà tài trợ không bí mật ghi âm bình luận của ông Trump.
Giới phê bình chỉ trích nhóm quản lí chiến dịch của ông Trump, cho rằng việc chi tiêu phung phí là không hiệu quả. Đến nay, ông Trump gần như luôn bị tụt lại phía sau đối thủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận quốc gia cũng như tại các bang chiến lược.
Hơn nữa, cựu Phó Tổng thống Biden đã vượt ông Trump để trở thành đối thủ nặng kí về huy động tài trợ. Tháng 8 năm nay, ông Biden kêu gọi được 365 triệu USD tiền tài trợ, một con số cao kỉ lục.
Ngoài ra, một số khoản chi tiêu dường như là để làm hài lòng ông Trump, bao gồm hai quảng cáo Super Bowl để cạnh tranh với tỉ phú truyền thông Michael Bloomberg.
Một khoản chi khác cũng được coi là để làm hài lòng ông Trump là số tiền hơn 1 triệu USD cho các đoạn quảng cáo được phát sóng ở thủ đô Washington. Thành phố này ít có khả năng xảy ra tranh chấp giữa các ứng viên nhưng lại là nơi ông Trump sinh sống.
Ông Trump từng nói đùa ông có thể là ứng viên đầu tiên kiếm tiền khi đang tranh cử. Theo New York Times, từ năm 2019, Tổng thống Mỹ cùng Đảng Cộng hòa đã rót khoảng 4 triệu USD vào công việc kinh doanh của gia đình qua loạt khoản chi cho các bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn của ông Trump.
Nhiều chi tiết cụ thể về chi tiêu của ông chủ Nhà Trắng không rõ ràng. Kể từ năm 2017, chiến dịch của ông Trump và RNC đã chuyển 227 triệu USD thông qua American Made Media Consultants (AMMC) - một công ty có liên quan đến các nhân viên nhóm tranh cử của ông Trump.
Gần đây, Ủy ban Bầu cử Liên bang đã nhận một khiếu nại liên quan đến công ty này, trong đó cáo buộc AMMC được sử dụng để che giấu điểm đến cuối cùng của các khoản chi tiêu.
Ở khía cạnh khác, Đảng Cộng hòa có hơn 2.000 nhân viên tại 100 văn phòng trên cả nước. Họ cho biết các tình nguyện viên đến thăm 1 triệu gia đình/tuần, trong khi chiến dịch của ông Biden đến nay chưa gõ cửa nhà cử tri nào trong đại dịch.
Ông Richard Walters, người đứng đầu RNC, nói: "Chiến dịch của ông Biden đang trữ tiền và hi vọng các đoạn quảng cáo vào mùa thu sẽ giúp họ vượt lên". Ông Walters nhấn mạnh việc tiếp xúc trực tiếp với cử tri nhờ gõ cửa và gọi điện cho hàng triệu người mỗi tuần sẽ rất quan trọng.
"Bạn phải tiêu nhiều tiền để kiếm tiền", ông Walters nói. "Ngân sách của chúng tôi từng tăng mạnh nhờ các khoản đầu tư ban đầu vào gây quĩ trực tuyến và gửi thư trực tiếp cho cử tri".
Tuy nhiên, chi phí hoạt động của Đảng Cộng hòa là cực kì khủng khiếp.
Kể từ năm 2019, ông Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) đã chi 145 triệu USD cho các chi phí liên quan đến thư từ trực tiếp cho cử tri, gần 42 triệu USD mua và thuê dữ liệu mạng để mở rộng danh sách địa chỉ email và hàng chục triệu USD khác cho quảng cáo trực tuyến để thu hút nhà tài trợ mới.
Thậm chí, theo chỉ đạo của ông Trump, RNC còn chi 6 triệu USD mua quà lưu niệm để níu kéo nhà tài trợ.
Đầu tấm bảng trắng trong văn phòng của Giám đốc chiến dịch tranh cử Bill Stepien hiện nay là số liệu mới nhất về ngân sách chiến dịch của Tổng thống Trump.
Theo New York Times, ông Stepien đã đưa ra một số thay đổi kể từ khi được thăng chức từ cấp phó lên, chẳng hạn như loại bỏ ý tưởng chi 3 triệu USD cho một chiếc xe hơi NASCAR in tên ông Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn ngắn, ông Stepien nói: "Điều quan trọng nhất tôi làm hàng ngày là chú ý đến ngân sách". Giám đốc Stepien từ chối đề cập cụ thể đến ngân sách nhưng ông khẳng định chiến dịch có đủ tiền để ông Trump giành chiến thắng.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã tiến hành đánh giá các khoản chi dưới thời ông Parscale. Một trong các thay đổi đầu tiên là đóng chiến dịch quảng cáo sử dụng các tài khoản mạng xã hội cá nhân của ông Parscale để phát đi thông điệp ủng hộ ông Trump.
Hơn 800.000 USD đã được chi để phát triển các trang Facebook và Instagram của ông Parscale, tuy nhiên các trang quảng cáo này đã ngừng hoạt động một ngày sau khi ông Parscale bị giáng chức.
Rõ ràng nhất, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã giảm bớt chi tiêu cho mảng truyền hình trong tháng 8, chủ yếu là từ chối phát sóng sự kiện đại hội của Đảng Cộng hòa.
Trong hai tuần qua, chiến dịch của ông Biden đã chi 35,9 triệu USD để phát sóng trực tiếp trên truyền hình, trong khi của ông Trump chỉ dừng lại ở con số 4,8 triệu USD, theo Advertising Analytics.
"Chúng tôi đang tiết kiệm tiền để tung hỏa lực vào mùa thu năm nay", chiến lược gia Jason Miller của ông Trump cho hay. "Chúng tôi muốn bảo toàn ngân sách để chi tiêu khi thực sự cần, khi mà khoản chi có thể thay đổi cục diện".
Một trong các lí do khiến ông Biden có thể xóa sạch lợi thế ngân sách ban đầu của ông Trump là cựu Phó Tổng thống Mỹ đã tiết kiệm đáng kể chi phí bằng một chiến dịch tối giản tại thời điểm khó khăn trong đại dịch.
Ông Biden gần như không tổ chức sự kiện trực tiếp nào bên ngoài bang Delaware và Pennsylvania và ông cũng đã chuyển sang gây quĩ qua ứng dụng Zoom. Các sự kiện này thường không mất quá 90 phút và ông Biden có thể huy động hàng triệu USD dù không tốn kém gì.
Trong khi đó, ông Trump gần như luôn gạt bỏ việc tổ chức gây quĩ trực tuyến mà theo các cố vấn thì bản thân ông Trump không thích như thế.
Ông Nicholas Everhart - một chiến lược gia khác của Đảng Cộng hòa, nhận định con số 800 triệu USD mà nhân viên của ông Trump đã chi cho đến nay cho thấy "sự nguy hiểm khi bắt đầu một chiến dịch tái tranh cử chỉ vài tuần sau khi chiến thắng nhiệm kì đầu".