|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump gọi về nhà nhưng doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc không đáp

06:54 | 10/09/2020
Chia sẻ
Tổng thống Trump kêu gọi các công ty Mỹ nên rời Trung Quốc và trở về nhà. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới cho thấy hầu hết doanh nghiệp Mỹ tại đất nước tỉ dân đều không quan tâm đến lời ông Trump.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (AmCham Thượng Hải), chỉ khoảng 4% trong hơn 200 công ty Mỹ cho biết họ sẽ chuyển hoạt động từ Trung Quốc về quê hương.

Hơn 75% cho hay không có ý định chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, trong khi 14% cho biết sẽ chuyển một số hoạt động sang nước khác và 7% dự định tái cơ cấu sản xuất tại quê nhà Mỹ lẫn ở nước ngoài.

Chia sẻ với Bloomberg, Chủ tịch AmCham Thượng Hải Ker Gibbs cho hay: "Đông Nam Á là điểm đến phổ biến nhất, chứ chắc chắn không phải Mỹ".

Nhiều công ty tham gia khảo sát trên tỏ ra bi quan hơn về tình hình quan hệ Mỹ - Trung, trong đó 26,9% cho biết căng thẳng thương mại sẽ kéo dài vô thời hạn. Theo khảo sát tương tự hồi năm ngoái, tỉ lệ này chỉ vào khoảng 16,9%. Ngoài ra, 22,5% khác dự đoán căng thẳng sẽ kéo dài trong 3 - 5 năm, tăng từ 12,7% của năm 2019.

Hôm 7/9, Tổng thống Trump lại đe dọa doanh nghiệp Mỹ lần nữa. Cụ thể, ông Trump nói: "Chúng tôi sẽ áp thuế quan đối với các công ty bỏ Mỹ để tạo việc làm ở Trung Quốc và các nước khác!"

"Mỹ sẽ cấm các công ty thuê ngoài công nhân Trung Quốc giành hợp đồng liên bang và chúng tôi cũng sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm khi để đại dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới", ông Trump nói tiếp.

Ông Trump gọi về nhà nhưng doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc không đáp - Ảnh 1.

Ông Trump gọi về nhà nhưng doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc không đáp. (Ảnh: Reuters)

Các nhà kinh tế của Bloomberg Economics dự đoán, nếu Mỹ - Trung tách rời và chấm dứt dòng chảy thương mại cũng công nghệ song phương thì tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống 3,5% vào năm 2030.

Trong khi đó, nếu quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhìn chung không thay đổi, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể đạt khoảng 4,5%.

AmCham Thượng Hải nhận thấy hầu hết các công ty Mỹ đều không có kế hoạch cắt giảm lao động tại thị trường tỉ dân. Trái lại, hơn 2/3 cho biết họ sẽ duy trì hoặc tăng số lượng nhân viên ở Trung Quốc.

Chủ tịch Gibbs nói thêm, khoảng 29% đã lên kế hoạch cắt giảm nhân sự, phần lớn là do đại dịch COVID-19.

Chính quyền Tổng thống Trump đang ra sức kiểm soát các công ty Trung Quốc như gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologiescông ty mẹ ByteDance của TikTok và hãng chip SMIC.

Hôm 6/8, Tổng thống Donald Trump đã kí hai sắc lệnh hành pháp cấm công dân Mỹ làm ăn với TikTok, WeChat hay công ty mẹ của các ứng dụng này do liên quan đến rủi ro an ninh quốc gia.

Lệnh cấm WeChat sẽ có hiệu lực vào ngày 20/9 khi Bộ Thương mại Mỹ công bố phạm vi của các biện pháp hạn chế. Ông Gibbs cho biết, các thành viên của AmCham Thượng Hải đang lo lắng rằng các biện pháp trừng phạt này có thể cấm họ nhận thanh toán qua WeChat ở Trung Quốc.

Chủ tịch AmCham Thượng Hải nhận định, điều đó có thể khiến khách hàng Trung Quốc tìm đến các đối tác không phải Mỹ.

"Twitter và TikTok chỉ là những thứ đồ chơi giải trí. Còn WeChat lại ăn sâu vào hệ sinh thái kinh doanh của Trung Quốc", ông Gibbs nhấn mạnh.

Bloomberg dẫn lời ông Gibbs cho biết các doanh nghiệp đang hi vọng Bộ Thương mại Mỹ sẽ chỉ áp dụng lệnh cấm tại Mỹ và cho phép các công ty khác sử dụng ứng dụng nhắn tin này tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, phạm vi các lệnh cấm WeChat của chính phủ Mỹ chưa rõ ràng. Ông Gibbs nói: "Chúng tôi vẫn đang rất lo lắng".

Tuần trước, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết chính quyền ông Trump đang tranh luận về phạm vi và thời điểm có hiệu lực của các lệnh cấm đối với WeChat và TikTok. Washington dự kiến công khai quyết định vào cuối tháng 9 này.

Yên Khê