Ông Trump dọa đơn phương hành động nếu Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc về gói cứu trợ mới
Tổng thống Trump không thể ngồi yên?
Trong một dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng có thể đang chuẩn bị hành động, chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu các cơ quan liên bang xác định toàn bộ số tiền cứu trợ chưa dùng trong Đạo luật CARES trị giá 2.000 tỉ USD mà ông kí thông qua hồi tháng 3, Washington Post dẫn lời hai nguồn tin thân cận cho hay.
Các quan chức Nhà Trắng đang cố gắng xác định liệu khoản tiền này có thể được dùng cho mục đích khác, chẳng hạn như trợ cấp thất nghiệp tạm thời hoặc hỗ trợ người dân khỏi bị mất nhà vì không trả được tiền thuê hoặc tiền vay ngân hàng.
Trong vài ngày qua, Tổng thống Trump đã đề cập đến khả năng đơn phương hành động trong bối cảnh dự luật cứu trợ mới đang bị kẹt lại tại Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, lần đầu tiên mà ông Trump nêu chi tiết kế hoạch hành động là vào ngày 5/8.
"Hiện tại, Quốc hội Mỹ đang đàm phán và chúng ta sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào", ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
"Trong khi đó, chính quyền của tôi cũng đang nghiên cứu các lệnh hành pháp nhằm bảo vệ người dân không bị đuổi ra khỏi nơi ở. Ngoài ra, chúng tôi cũng cân nhắc đến các trợ cấp khác cho người lao động mất việc vì đại dịch. Quan trọng không kém, tôi cũng đang nghiên cứu đến phương án tạm ngừng thu thuế quĩ lương theo qui mô nhỏ", ông Trump nói tiếp.
Hiện không rõ ông Trump có thể đơn phương hành động đến đâu và một số đồng minh mô tả lời đe dọa của ông chủ Nhà Trắng là một cách để tạo đòn bẩy trước các nghị sĩ Đảng Dân chủ trong quá trình đàm phán dự luật cứu trợ mới.
Đàm phán tại Quốc hội lên xuống thất thường
Đầu tuần này, lưỡng đảng Mỹ đã nhất trí sẽ cố gắng đi đến một thỏa thuận chung vào ngày 7/8 để thông qua dự luật cứu trợ tiếp theo vào tuần tới. Tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn còn bất đồng về nhiều điểm nên giới quan sát không rõ mục tiêu đề ra hồi đầu tuần có thực tế hay không.
Hôm 5/8, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết nếu không có thỏa thuận nào vào ngày 7/8, việc đàm phán thêm là vô nghĩa và ông Trump sẽ tự hành động. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ khẳng định họ muốn tiếp tục đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận về một dự luật cứu trợ chung.
"Tôi cảm thấy lạc quan về một ánh sáng cuối đường hầm, nhưng đường hầm đó dài bao xa thì chưa rõ", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho hay.
Về đe dọa đơn phương hành động của ông Trump, bà Pelosi cho rằng Tổng thống Mỹ có thể tự gia hạn lệnh cấm trục xuất (vốn hết hạn vào tháng 7) nhưng tác động sẽ khá hạn chế nếu không có ngân sách đi kèm.
"Một lần nữa, ông Trump không thể chi ngân sách nếu Quốc hội không phê duyệt", bà Nancy Pelosi cho hay. "Sức mạnh ngân sách bắt đầu từ Hạ viện", bà Pelosi đề cập đến quyền hiến pháp của Quốc hội về chi tiêu ngân sách.
Từ lâu, ông Trump đã tìm cách tạm ngừng thu thuế quĩ lương dù các nhà lập pháp của cả hai đảng đều phản đối động thái này. Ông Stephen Moore - cố vấn riêng của ông Trump, nhận định Tổng thống Mỹ có thể tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về kinh tế" và tạm ngừng thu thuế quĩ lương.
Trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã hết hạn vào ngày 31/7 nổi lên như một vấn đề căng thẳng trong quá trình đàm phán. Hồi tháng 3, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt một khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang trị giá 600 USD/tuần/người lao động mất việc, bên cạnh trợ cấp thất nghiệp của từng bang.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng phúc lợi thất nghiệp bổ sung này khiến người dân không muốn đi làm vì một lượng lớn người thất nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn cả lúc họ đi làm.
Trong cuộc đàm phán ngày 4/8, các quan chức chính quyền ông Trump đề xuất giảm con số này xuống 400 USD/tuần cho đến đầu tháng 12, theo hai nguồn tin thân cận của Washington Post.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ từ chối giảm phúc lợi thất nghiệp bổ sung và phản bác cáo buộc người dân nhận tiền cứu trợ dẫn đến lười đi làm.
Một nghiên cứu gần đây của ba nhà kinh tế Đại học Yale nhận thấy người lao động nhận trợ cấp bổ sung vẫn quay trở lại làm việc với tỉ lệ tương đương những nhóm khác.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Meadows và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đã gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Charles Schumer gần như hàng ngày trong hơn một tuần qua.
Đàm phán dường như bắt đầu xuất hiện tiến triển tốt vào ngày 4/8, khi các quan chức Mỹ thiết lập mốc thời gian để thống nhất thỏa thuận và trao đổi các đề xuất với nhau.
Tuy nhiên, đến ngày 5/8, ông Meadows và Tổng thống Trump lại quay ra đe dọa và chỉ trích Đảng Dân chủ.
Trợ cấp thất nghiệp bổ sung là một trong nhiều điểm chia rẽ lưỡng đảng Mỹ. Một vấn đề khác là trợ cấp cho chính quyền bang và địa phương.
Đảng Dân chủ đang muốn trợ cấp mới 1.000 tỉ USD cho các bang và chính quyền địa phương đã có hơn 1 triệu người thất nghiệp từ tháng 2 và đang đối mặt với nguy cơ sa thải hàng loạt vì doanh thu thuế giảm mạnh.
Hôm 5/8, ông Trump nhắc lại lập luận cá nhân rằng Đảng Dân chủ đang muốn cứu trợ các bang làm việc yếu kém.
Nhà Trắng và Đảng Dân chủ dự kiến nhóm họp lần nữa vào chiều tối ngày 6/8 (tức rạng sáng ngày 7/8 theo giờ Việt Nam) để xác định hai bên có thể đạt được thỏa thuận chung trước thời hạn 7/8 (theo giờ Mỹ) mà Nhà Trắng đã đề ra hay không.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/