Trợ cấp 600 USD/tuần: Phao cứu sinh cho người thất nghiệp hay đá tảng nhấn chìm thị trường việc làm Mỹ?
Khi đại dịch tàn phá nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến hàng triệu người mất việc, mà chủ yếu là lao động thu nhập thấp, khoản trợ cấp bổ sung 600 USD/tuần/người lại trở thành phao cứu sinh cho nhiều hộ gia đình, giúp họ trả tiền thuê nhà, thức ăn và quần áo kể từ tháng 4 đến hết tháng 7 vừa qua.
Khoản trợ cấp bổ sung trên đã hết hạn từ ngày 31/7 và lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ hiện đang tranh cãi gay gắt về việc có nên gia hạn chính sách này trong ngắn hạn hay không.
Trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã làm thay đổi cục diện kinh tế Mỹ. Một hệ quả ngược là nhiều người bây giờ kiếm được nhiều tiền khi ở nhà hơn so với khi còn đi làm.
Một số doanh nghiệp nhận thấy nhân viên không muốn quay trở lại làm việc vì mức lương cũ thấp hơn mức trợ cấp thất nghiệp, NPR cho hay.
Tuy nhiên, khoản trợ cấp bổ sung trên cũng đang chiếm khoảng 15% tổng tiền lương của toàn nước Mỹ và thực chất đang thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì người thất nghiệp đang chi nhiều hơn so với trước đại dịch, làm tăng tổng cầu hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó những người đang đi làm lại chi tiêu ít hơn.
Các thông tin trên không vạch ra một thông điệp rõ ràng. Tuy nhiên, chúng lại đóng vai trò quan trọng khi Quốc hội Mỹ đang quyết định có nên duy trì khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung trong gói cứu trợ mới hay không.
Trong bối cảnh số ca xác nhận nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt mốc 4 triệu và ngày càng có nhiều người mất việc, các chuyên gia lo ngại cắt trợ cấp 600 USD/tuần/người sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người dân và nền kinh tế Mỹ.
Bà Priscilla Admodovar - CEO của tổ chức phi lợi nhuận Enterprise Community Partners, cho hay: "Chúng tôi có bằng chứng cho thấy tiền trợ cấp của chính phủ đã giúp người lao động chi trả tiền thuê nhà". Bà Admodvar lo sợ rằng cắt đứt trợ cấp bổ sung sẽ đẩy nhiều người ra vào cảnh mất nhà ở.
Người đi làm có thu nhập thấp hơn người mất việc
Trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã tạo ra tình trạng bất bình đẳng tại Mỹ.
Đại học Chicago phát hiện rằng, đối với 2/3 người lao động Mỹ đã mất việc, các phúc lợi thất nghiệp của họ thậm chí vượt số tiền mà họ từng kiếm được.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục đào sâu vào một số ngành nghề thu nhập thấp để tìm hiểu mức thu nhập của những người tiếp tục bám trụ với công việc chênh lệch như thế nào so với trợ cấp của người thất nghiệp.
Ví dụ, nhân viên vệ sinh thất nghiệp có thể nhận trợ cấp đến 158% mức lương cũ, trong khi một nhân viên bán lẻ điển hình có thể nhận trợ cấp đến 142% số tiền họ thường kiếm được.
NPR đã trò chuyện cùng cô Katharine Thomas, một nhân viên thu ngân tại cửa hàng thực phẩm nhỏ ở bang Wisconsin. Cô Thomas cho biết đồng nghiệp xung quanh cô dần mất việc và sau đó nhận trợ cấp thất nghiệp cùng trợ cấp bổ sung 600 USD/tuần.
"Tôi cảm thấy rất tức giận", cô Thomas chia sẻ. "Tôi phải đi làm và tôi kiếm được ít tiền hơn...600 USD/tuần gần như tương đương toàn bộ tiền lương của tôi. Dù nhận thêm phụ cấp rủi ro, tôi cũng không kiếm được nhiều tiền như thế".
Không phải người lao động nào cũng muốn ở nhà hưởng trợ cấp
600 USD/tuần tính ra tương đương mức lương 15 USD/giờ, cao hơn so với những gì nhà tuyển dụng đang trả cho người lao động ở nhiều địa phương tại Mỹ.
Vì vậy, nếu một người đã mất việc nhận trợ cấp thất nghiệp 340 USD/tuần (mức trung bình của cả nước Mỹ), sau đó nhận thêm 600 USD/tuần trợ cấp bổ sung, tổng số tiền họ nhận được trước thuế là 940 USD/tuần.
Theo NPR, trợ cấp thất nghiệp bổ sung không phù hợp cho chủ quán cà phê như cô Sky Marietta trong khi cô phải trả cho nhân viên 10 - 15 USD/giờ làm việc. Cho nên, cô Marietta đã tự nguyện đóng cửa quán và sa thải nhân viên để họ đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp bổ sung.
"Không phải vì họ hết yêu thích công việc hay không muốn làm việc, mà là do nếu nhân viên của tôi tiếp tục đi làm, họ sẽ mất hàng trăm USD trợ cấp mỗi tuần", cô Marietta cho hay.
Thu nhập cơ bản phổ quát - một đề xuất bị cười nhạo thành hiện thực?
Trợ cấp thất nghiệp trở thành hiện thực thông qua một dự luật cứu trợ được Quốc hội và Nhà Trắng phê duyệt đột ngột và bất ngờ hồi đầu năm nay, tương tự như đại dịch COVID-19 đến nhanh không ai lường được.
Tuy nhiên, hệ quả trước mắt của hình thức cứu trợ này đang khiến các nhà kinh tế đánh giá lại khoảng cách thu nhập của người dân Mỹ.
Năm ngoái, ứng viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ, ông Andrew Yang đề xuất khoản hỗ trợ 1.000 USD/tháng cho mỗi người Mỹ trưởng thành mất việc vì những tiến bộ công nghệ như tự động hóa. Các ứng viên đối thủ đã cười nhạo ông Yang.
Ông Yang gọi đề xuất này là thu nhập cơ bản phổ quát, tiền đề của nó là xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ tiền lương cho những cá nhân mất việc không phải do lỗi của họ, đồng thời cung cấp kích thích kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ.
Chỉ sau vài tháng, đại dịch COVID-19 đã biến đề xuất đó thành hiện thực. Hàng triệu người Mỹ mất việc vì dịch bệnh. Để khắc phục tình hình, chính phủ Mỹ gửi cho hầu hết các hộ gia đình Mỹ 1.200 USD tiền mặt/người lớn, thêm 500 USD/trẻ em và sau đó thêm 600 USD/người/tuần trợ cấp thất nghiệp bổ sung. Cứ như thế, đại dịch mang lại thu nhập cơ bản phổ quát cho hàng triệu người Mỹ.
Hiện tại, có ít nhất hai nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nghèo đói của Mỹ không xấu đi, dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng. Nguyên nhân là vì trợ cấp thất nghiệp bổ sung giúp nhiều gia đình có thu nhập thấp cầm cự và thậm chí cho phép họ chi tiêu nhiều hơn một chút so với bình thường.
600 USD/tuần, tương đương khoảng 30.000 USD/năm, không phải là một mức thu nhập xa xỉ.
Các nhà kinh tế nhận định gói trợ cấp thất nghiệp hiện nay cho thấy nhiều người dân Mỹ đang phải bám vào từng đồng thu nhập ít ỏi để sống qua ngày và đã đến lúc chính phủ nên cân đối chính sách để phân phối của cải tốt hơn.
Nền kinh tế Mỹ đang sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp
Một điều rõ ràng là các hộ gia đình và nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phụ thuộc vào khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung này để có thể trụ vững trong đại dịch.
Chính sách trên đã đạt được mục tiêu cơ bản và cốt lõi của nó: thúc đẩy người dân chi tiêu.
Trên thực tế, người lao động thất nghiệp quả thực chi tiêu nhiều hơn so với những người đang có việc làm. Viện JPMorgan Chase cho biết các hộ gia đình nhận được trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã chi tiêu vượt mức trước đại dịch 10%, trong khi hộ gia đình có việc làm giảm chi tiêu đi 10%.
"Hơn bao giờ hết, các phúc lợi thất nghiệp đang đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế Mỹ", bà Diana Farrell - CEO của Viện JPMorgan Chase cho hay.
Vì các khoản tiền trợ cấp này không phải một lá chắn ma thuật, cho đến khi nền kinh tế Mỹ ổn định trở lại và thị trường việc làm phục hồi, rõ ràng cắt trợ cấp thất nghiệp bổ sung sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các hộ gia đình và nền kinh tế Mỹ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/