|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Fed cứu trợ cả những ông lớn đang thừa tiền như Berkshire Hathaway

14:06 | 01/07/2020
Chia sẻ
Chương trình cho vay khẩn cấp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giờ đang mua trái phiếu được phát hành bởi tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett.

Berkshire Hathaway, tập đoàn đầu tư có vốn hóa khổng lồ 426 tỉ USD, nằm trong số hàng chục công ty được Fed mua trái phiếu, theo thông tin công bố ngày 28/6.

Berkshire rõ ràng không cần sự giúp đỡ của Fed. Thậm chí số tiền "nhỏ" Fed đã bỏ ra để mua trái phiếu cũng chẳng thấm vào đâu so với khối tiền mặt đồ sộ của Berkshire. Những cái tên bluechip bao gồm Walmart, Boeing, ExxonMobil và Coca-Cola cũng nằm trong danh sách của Fed.

Cho đến cuối tháng 3, Berkshire có khối tiền mặt lên tới 137 tỉ USD. Việc Fed mua vào trái phiếu của một công ty có tình hình tài chính vững chắc hiếm có như Berkshire cho thấy cơ quan này sẽ tiến xa đến đâu để thúc đẩy thị trường vốn.

Đồng thời, động thái trên cũng khiến một số chuyên gia lo lắng rằng Fed đang làm rối loạn chức năng của thị trường.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group viết trong lưu ý gửi khách hàng hôm 29/6:

Fed cứu trợ cả những ông lớn đang thừa tiền như Berkshire Hathaway - Ảnh 1.

Theo Forbes, Warren Buffett hiện là người giàu thứ 4 trên thế giới, với tổng giá trị tài sản ròng đạt 69,8 tỉ USD. Ông sở hữu 37% cổ phiếu hạng A của Berkshire.

Giống như nhiều công ty khác, Berkshire vốn dĩ đã được hưởng lợi nhờ vào chi phí vay cực kì rẻ trên thị trường vốn hiện nay. Tình hình tài chính cực kì mạnh mẽ đồng nghĩa với việc Berkshire không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm người mua trái phiếu.

Ông Danielle DiMartino Booth, CEO của Quill Intelligence nhận xét: "Động thái của Fed thật đáng xấu hổ. Warren Buffett không cần sự hỗ trợ của Fed"

Fed cứu trợ cả những ông lớn đang thừa tiền như Berkshire Hathaway - Ảnh 2.

Việc Fed hỗ trợ cho cả trái phiếu của Berkshire cho thấy phản ứng của ngân hàng trung ương này với khủng hoảng COVID-19 thậm chí còn kịch tính hơn cuộc giải cứu Phố Wall táo bạo hồi Đại suy thoái 2008.

12 năm trước, Fed giảm lãi suất xuống còn 0, mua vào hàng núi trái phiếu Kho bạc, trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp và giải cứu công ty bảo hiểm khổng lồ AIG.

Giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Fed đang chỉ đạo việc mua vào trái phiếu của từng doanh nghiệp cụ thể, bao gồm cả trái phiếu "rác" thông qua chương trình Tín dụng Doanh nghiệp Thị trường Thứ cấp (SMCCF).

Fed đã thành lập một công ty phục vụ mục đích đặc biệt để mua trái phiếu doanh nghiệp. Công ty này đồng thời nhận được khoản tài trợ 25 tỉ USD từ Bộ Tài chính Mỹ.

Chỉ một lời thông báo ngày 23/3 từ Fed rằng cơ quan này sẽ mua trái phiếu doanh nghiệp đã đủ để hồi sinh thị trường nợ đang bị đóng băng.

Ford và các công ty đang phải vật lộn tìm cách vay tiền bỗng chốc được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Thông báo Fed đưa ra cũng giúp nâng đỡ cho thị trường cổ phiếu Mỹ. Sau khi chạm đáy ngày 23/3, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có cuộc hồi phục ngoạn mục.

Fed đã nhấn mạnh rằng hành động can thiệp khẩn cấp vào thị trường tài chính mang lại lợi ích thực tế cho cả những người dân Mỹ bình thường. Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định trước Quốc hội Mỹ ngày 17/6: 

Fed cứu trợ cả những ông lớn đang thừa tiền như Berkshire Hathaway - Ảnh 3.

Ông Powell nói thêm rằng một khi doanh nghiệp được tiếp cận vốn, "sẽ có ít khả năng họ thực hiện những biện pháp cắt giảm chi phí" như sa thải nhân viên.

Tuy nhiên, khác với Chương trình Bảo vệ Tiền lương cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, chương trình mua trái phiếu của Fed không yêu cầu doanh nghiệp phải giữ nhân viên trong biên chế. Nói cách khác, sẽ chẳng có điều gì ngăn cản các công ty được Fed mua trái phiếu sa thải hàng nghìn người lao động.

Fed cứu trợ cả những ông lớn đang thừa tiền như Berkshire Hathaway - Ảnh 4.

Theo thông tin từ chi nhánh New York của Fed, chương trình SMCCF mua vào cả trái phiếu của những công ty như hãng xe hơi Ford, chuỗi khách sạn Marriott và công ty thuộc nhóm Fortune 100 Caterpillar.

Các khoản nợ mà Fed mua vào không phải là trái phiếu mới phát hành: Chúng đã được giao dịch trên thị trường từ trước.

Fed cũng mua 5,7 triệu USD trái phiếu của Berkshire Hathaway Energy, công ty năng lượng thuộc tập đoàn của Warren Buffett. Bản thân Berkshire Hathaway Energy cũng sở hữu một vài công ty gồm PacifiCorp, MidAmerican Energy và Nevada's NV Energy.

Chi nhánh New York của Fed cũng công bố một chỉ số gồm 794 công ty đáp ứng các tiêu chí của chương trình SMCCF, bao gồm những tên tuổi lớn như Amazon, Apple, Google, Comcast và Walt Disney. Chi nhánh New York của Fed ngụ ý họ sẽ mua vào trái phiếu dựa theo chỉ số này.

Chi nhánh Mỹ của một số doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể được hưởng lợi từ chương trình của Fed, bao gồm Toyota, Volkswagen và Daimler – công ty mẹ của Mercedes-Benz. Các nhà sản xuất ô tô này tuyển dụng rất nhiều lao động Mỹ, đặc biệt là ở vùng đông nam.

Fed cứu trợ cả những ông lớn đang thừa tiền như Berkshire Hathaway - Ảnh 5.

Mục tiêu của chương trình SMCCF không phải là giải cứu một vài công ty mà là để đảm bảo rằng những công ty có khả năng hoàn trả nợ được tiếp cận vốn. Nếu không có chương trình này, làn sóng các vụ phá sản sẽ diễn ra trong cùng một lúc, có thể nhấn chìm nền kinh tế Mỹ trong một cuộc khủng hoảng.

Ông David Kotok, Giám đốc đầu tư hãng tư vấn Cumberland Advisors nói với CNN: "Chương trình SMCCF là một công cụ rất khôn ngoan. Fed muốn thúc đẩy và khuyến khích Berkshire, Verizon, Apple và các công ty khác hoạt động kinh tế tích cực hơn".

Tuy nhiên, ông Kotok lo ngại rằng can thiệp của Fed sẽ khiến cho chức năng của thị trường bị biến dạng.

Fed cứu trợ cả những ông lớn đang thừa tiền như Berkshire Hathaway - Ảnh 6.

"Kẻ thắng sẽ có được niềm tin của thị trường rằng gió đang thổi thuận chiều với họ, với minh chứng là trái phiếu của họ được Fed mua lại", ông Kotok nói.

Nhận thức này của thị trường sẽ tiếp thêm hỏa lực cho tài chính của các công ty chiến thắng dưới hình thức là chi phí vốn vay rẻ đi. Ngược lại, những công ty không nằm trong danh sách của Fed sẽ ngày càng gặp khó trong việc đi vay.

Ông Kotok kết luận: "Khoảng cách giữa kẻ thắng và người thua đã được nới rộng".

Giang